Khắc phục hậu quả mưa đá tại một số địa phương

NDO -

NDĐT- Sáng mùng Một Tết Âm lịch (25-1 Dương lịch), Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã tới tỉnh Bắc Kạn động viên, thăm hỏi các gia đình bị ảnh hưởng do mưa đá xảy ra vào tối 24-1, và chỉ đạo triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm hỏi, động viên một gia đình ở xã Dương Phong, huyện Bạch Thông chịu thiệt hại do mưa đá.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm hỏi, động viên một gia đình ở xã Dương Phong, huyện Bạch Thông chịu thiệt hại do mưa đá.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn đã tới kiểm tra trực tiếp thiệt hại do mưa đá gây ra tại xã huyện Bạch Thông. Đây là địa bàn chịu thiệt hại nặng nhất do mưa đá gây ra vào đúng đêm giao thừa. Tại các gia đình đến thăm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã ân cần thăm hỏi, động viên các gia đình nỗ lực khắc phục khó khăn.

Làm việc với tỉnh Bắc Kạn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường biểu dương công tác lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của tỉnh và đề nghị tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp khắc phục cấp bách, bảo đảm sớm ổn định đời sống người dân để mọi nhà đều có Tết; tổng hợp thiệt hại báo cáo Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT – TKCN) xem xét hỗ trợ kịp thời.

Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, ảnh hưởng của lưỡi áp cao suy yếu kết hợp với rìa phía nam của rãnh áp thấp bị nén có trục ở khoảng 23-26 độ vĩ bắc bởi áp cao lạnh lục địa phía bắc, chiều và đêm ngày 24-1 (tức ngày 30 Tết) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa rào và dông lốc kèm theo ba đợt mưa đá với mật độ dày, đường kính đá viên phổ biến từ 0,5 đến 3 cm, có nơi lớn hơn 5cm đã gây thiệt hại lớn về nhà cửa, hoa màu của nhân dân tại 21 xã thuộc năm huyện, gồm: Na Rì, Bạch Thông, Ngân Sơn, Chợ Đồn, Chợ Mới. Tổng cộng đã có 3.280 nhà ở của người dân bị tốc mái, vỡ, thủng tấm lợp với mức độ hư hỏng trên 50%; làm dập, nát, hư hỏng hàng trăm héc-ta cây thuốc lá mới trồng, cây khoai tây đang trong thời kỳ thu hoạch.

Ngay trong đêm ngày 24-1-2020 (30 Tết), lãnh đạo UBND tỉnh cùng các thành viên Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh cùng lãnh đạo các địa phương đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục tại huyện Bạch Thông, Ngân Sơn. Tỉnh tổ chức họp khẩn cấp Ban chỉ huy PCTT - TKCN để chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp khắc phục cấp bách nhằm bảo đảm mọi người dân đều có Tết và sớm ổn định cuộc sống.

Đối với những hộ bị hỏng toàn bộ mái nhà, di chuyển tới nhà người thân gần nhất, nhà họp thôn,... đồng thời cấp bạt, chăn để tạm thời ổn định chỗ ở cho người dân ngay trong đêm. Sáng ngày 25-1, Bắc Kạn chỉ đạo các địa phương bị thiệt hại cần chủ động khắc phục theo phương châm “bốn tại chỗ” không để người dân bị đói, rét, không có chỗ ở; tiếp tục rà soát, đánh giá thiệt hại do mưa đá, bao gồm cả thiệt hại nông nghiệp, thiệt hại khác để có giải pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất; khẩn trương chỉ đạo trồng lại diện tích thuốc lá bị hư hỏng; duy trì trực ban, trực chiến đấu theo yêu cầu, sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tham gia khắc phục, ứng cứu sự cố khi có yêu cầu.

Cũng theo UBND tỉnh Bắc Kạn, về lâu dài, để giúp nhân dân phòng, chống hiệu quả mưa đá cần phải thay thế, lợp lại mái che bằng mái tôn. Với 3.280 nhà bị thiệt hại, bình quân mỗi nhà 150m2, giá vật liệu bình quân khoảng 80.000 đồng/m2, ước kinh phí thực hiện 39 tỷ đồng. Đây là số kinh phí lớn, vượt quá khả năng cân đối của tỉnh, do vậy, tỉnh kiến nghị trung ương hỗ trợ cho tỉnh số tiền là 39 tỷ đồng để hỗ trợ các hộ bị thiệt hại lợp lại mái nhà bằng tôn cứng.

Lạng Sơn khắc phục hậu quả do mưa đá

Trong đêm 24-1 (tức 30 Tết) và sáng ngày 25-1 (tức mùng Một Tết) tại các địa phương trong tỉnh Lạng Sơn bị ảnh hưởng do mưa đá và dông lốc, làm gần hai nghìn hộ gia đình nhiều mái nhà dân bị hư hỏng, tốc mái, ước tính thiệt hại hơn 20 tỷ đồng.

Ngay khi nhận được tin trong đêm, 6 giờ sáng nay, 25-1, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Phạm Ngọc Thưởngvà lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh đã đến động viên, chia sẻ khó khăn và chỉ đạo trực tiếp khắc phục thiên tai tại thôn Bản Gỉ, Bản Giảo, là hai thôn biên giới của xã Quốc Khánh, (Tràng Định), bị ảnh hưởng bởi mưa đá nặng nhất.

Tại xã Quốc Khánh có hơn 90% hộ gia đình bị mưa đá, dông lốc làm thủng mái nhà, ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống của người dân, nhiều đồ đạc bị ngấm nước. Ngay khi xảy ra thiên tai, bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương đã huy động lực lượng giúp nhân dân khắc phục. Trong đêm, Đồn Biên phòng Pò Mã (Bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn) phối hợp chính quyền địa phương đã mua bạt và các vật liệu khác ở trong vùng để che chắn đồ đạc, phủ mái nhà cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng; tuyệt đối không để nhân dân phải chịu cảnh màn trời chiếu đất, đặc biệt trong thời điểm nhiệt độ xuống thấp hơn 10 độ C và có mưa. Ngay trong ngày mồng một Tết phải ổn định cuộc sống cho người dân để tiếp tục vui xuân, đón Tết.

Khắc phục hậu quả mưa đá tại một số địa phương ảnh 1

Một số tuyến đường, Thành phố Lạng Sơn, mưa đá với kích thước nhỏ, kèm theo dông làm nhiều cây cối bị ảnh hưởng.

Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triên nông thôn Hoàng Văn Chiều cho biết: Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các huyện, xã thống kê chính xác các gia đình bị ảnh hưởng để tỉnh, huyện có phương án hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời, nhất là gia đình chính sách, hộ nghèo. Chính quyền, các tổ chức, đoàn thể hướng dẫn người dân khắc phục, giảm thiểu thiên tai xuống mức thấp nhất, đồng thời có các kế hoạch, giải pháp ứng phó hiệu quả những diện tích cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng, khuyến cáo người dân sử dụng các vật liệu bền chắc như mái tôn để lợp nhà.

Cao Bằng hỗ trợ người dân thiệt hại do mưa đá

Chiều 25-1,Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng cho biết, lốc xoáy, mưa đá xảy ra trong hai ngày 24 và 25-1 đã gây nhiều thiệt hại cho người dân, các địa phương đã tích cực hỗ trợ khắc phục hậu quả.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong tỉnh có 6.463 ngôi nhà ở bốn huyện và TP Cao Bằng bị thiệt hại, ảnh hưởng. Trong đó, có 13 ngôi nhà bị tốc, hư hỏng từ 30-50% mái nhà. Hai địa phương bị ảnh hưởng nặng nề là huyện Trà Lĩnh có 5.238 hộ; TP Cao Bằng có 1.114 hộ bị ảnh hưởng về nhà ở.

Mưa đá làm nhịp sống của nhiều hộ dân bị đảo lộn khi sáng mồng 1 Tết (25-1) vẫn phải lợp lại mái, dùng vải bạt dứa phủ mái nhà che mưa. Bên cạnh đó, có 33,7 ha hoa màu bị thiệt hại; hàng trăm bình nước nóng năng lượng mặt trời của người dân bị hư hỏng.

Khắc phục hậu quả mưa đá tại một số địa phương ảnh 2

Người dân TP Cao Bằng khắc phục hậu quả do mưa đá.

Công ty Bảo Việt Cao Bằng cho biết, đã có 50 chủ phương tiện ở TP Cao Bằng làm thủ tục hưởng bảo hiểm do xe ô-tô bị vỡ kính chắn gió, móp trần xe.

Các địa phương trong tỉnh Cao Bằng huy động lực lượng tại chỗ giúp người dân khắc phục hậu quả.TP Cao Bằng thăm hỏi, hỗ trợ 22,5 triệu đồng cho 13 hộ bị thiệt hại về nhà ở; huyện Trùng Khánh hỗ trợ vật liệu cho người dân che lại mái nhà.

Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh Nguyễn Thành Hải cho biết, trong huyện có 14 hộ dân ở xã Thông Huề và xã Trung Phúc bị thiệt hại mái nhà; huyện chỉ đạo xã mua vật liệu hỗ trợ người dân, huy động người dân trong xóm giúp hộ bị thiệt hại lợp lại mái nhà, ổn định chỗ ở.

Mưa đá gây thiệt hại tại một số tỉnh, thành phố miền bắc