Kết nối các nguồn lực xây dựng trường học an toàn, thân thiện

Tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức ký thỏa thuận hợp tác với hơn 20 đơn vị nhằm triển khai chương trình “Kết nối nguồn lực - xây dựng trường học an toàn, thân thiện giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, phấn đấu đến hết năm 2021, huy động các nguồn lực xã hội xây dựng trường học an toàn, thân thiện tại 10 tỉnh; giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng các trường tại 30 tỉnh, thành phố (mỗi tỉnh lựa chọn một huyện khó khăn để đầu tư, mỗi huyện chọn 20 trường bao gồm các cấp học từ mầm non đến THCS).

Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước gặp khó khăn do thiếu phòng học bộ môn, trang thiết bị, ảnh hưởng đến việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học. Tỷ lệ phòng học thiếu kiên cố và nhà vệ sinh không đạt chuẩn, thiếu phòng học còn ở mức cao. Nhiều học sinh tại các vùng miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn về việc tổ chức bữa ăn trưa tại trường, chế độ dinh dưỡng, điều kiện sân chơi, bãi tập thể dục thể thao. 

PV

Đẩy mạnh số hóa trong hoạt động thông tin thị trường lao động

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội vừa phối hợp Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) triển khai hoạt động Cổng thông tin Dịch vụ việc làm Việt Nam tại Hà Nội và tổ chức Phiên giao dịch việc làm chuyên đề công nghệ thông tin. 

Cổng thông tin Dịch vụ việc làm Việt Nam (ESIP) (http://esip.vieclamvietnam.gov.vn) chính thức hoạt động từ ngày 29-12-2020 với sự hỗ trợ của Hàn Quốc. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai thành phố được triển khai đầu tiên, trước khi nhân rộng trên phạm vi cả nước. Việc triển khai hoạt động ESIP tại Hà Nội sẽ đẩy mạnh số hóa trong các hoạt động thông tin thị trường lao động, mạng giao dịch việc làm, tạo lập môi trường giao dịch trực tuyến cho người lao động và doanh nghiệp, xây dựng đồng bộ cơ sở dữ liệu người tìm việc - việc tìm người... Bên cạnh đó, Phiên giao dịch việc làm chuyên đề công nghệ thông tin  thu hút gần 50 đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, tuyển sinh gần 1.400 vị trí việc làm, học nghề.