Ðiểm sáng trong cải cách thủ tục hành chính ở Tiền Giang

Xác định công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan hành chính nhà nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Tiền Giang đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước.

Cán bộ bộ phận một cửa Cục Thuế Tiền Giang tiếp và giải quyết công việc với người nộp thuế.
Cán bộ bộ phận một cửa Cục Thuế Tiền Giang tiếp và giải quyết công việc với người nộp thuế.

Ngành và địa phương quyết liệt

Năm 2020, huyện Chợ Gạo thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính và chuyên đề thi đua "Ðẩy mạnh cải cách hành chính" đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Ðồng chí Nguyễn Hồng Hữu, Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo cho rằng: Sau quá trình thực hiện, mối quan hệ giữa cơ quan giải quyết TTHC với các tổ chức, doanh nghiệp và người dân được cải thiện đáng kể, nhất là thông qua hoạt động cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết TTHC. Các TTHC thuộc thẩm quyền cấp huyện, cấp xã đã được niêm yết công khai tại trụ sở làm việc. Bên cạnh đó, UBND huyện tăng cường tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về lợi ích từ việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tổ chức các hội thi tìm hiểu, tư vấn, hội thảo, tổ chức cuộc đối thoại với người dân và doanh nghiệp về TTHC; khuyến khích cán bộ, công chức có những đề tài, sáng kiến về cải cách hành chính đạt hiệu quả, nhất là thực hiện đối thoại trực tiếp với người dân về "Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công".

Ngành thuế là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện cải cách TTHC và ứng dụng CNTT tại tỉnh Tiền Giang. Nhiều năm liền, Cục Thuế tỉnh đã được UBND tỉnh Tiền Giang tặng Cờ thi đua về cải cách TTHC. Năm 2020, đơn vị được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho tập thể và cá nhân vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chiến lược tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Ðồng chí Nguyễn Thị Thanh Minh, Phó Cục trưởng Cục Thuế Tiền Giang cho biết, ngành đã triển khai ứng dụng CNTT vào công tác quản lý người nộp thuế từ năm 1998. Qua nhiều lần chuyển đổi, năm 2015, công tác quản lý thuế được thực hiện trên hệ thống quản lý tập trung (TMS). Hệ thống này tích hợp 16 ứng dụng liên kết thông tin người nộp thuế, như: đăng ký cấp mã số thuế, quản lý kê khai thuế, thu nộp thuế, quản lý nợ; thanh tra, kiểm tra thuế… Hiện nay, ngành thuế Tiền Giang được Tổng cục Thuế trang bị bốn máy chủ chuyên dụng, hơn 660 máy trạm, bảo đảm mỗi công chức được trang bị một máy tính để bàn phục vụ công tác quản lý thuế. Bên cạnh đó, TTHC tại cơ quan thuế gồm 166 thủ tục cấp cục thuế và 124 thủ tục cấp chi cục. Hạ tầng CNTT đáp ứng yêu cầu về công nghệ, mức độ đáp ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 chiếm hơn 85,3%, mức độ 3 chiếm khoảng 3,7%, mức độ 2 chiếm hơn 11%...

Sở Công thương cũng là một trong những điểm sáng về việc ứng dụng CNTT trong cải cách TTHC ở tỉnh Tiền Giang. Thời gian qua, sở cũng có nhiều cách làm hay, sáng tạo. Ðồng chí Ðặng Văn Tuấn, Quyền Giám đốc Sở Công thương Tiền Giang cho biết, hiện nay, 100% số công chức, viên chức được trang bị máy tính có cấu hình cao để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Văn bản đến và đi của sở cũng được thực hiện hoàn toàn trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành, bảo đảm công việc được thông suốt. Ngoài ra, toàn bộ công chức, viên chức được cấp và sử dụng phần mềm thuộc hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh để trao đổi thông tin, phục vụ yêu cầu được giao. Riêng TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của sở, ngành công thương tỉnh Tiền Giang cập nhật công khai, đầy đủ, kịp thời theo quy định. Ðến nay, sở đã cung cấp 62 TTHC công mức độ 4, gần 60 TTHC mức độ 3 và đều thực hiện trên phần mềm một cửa điện tử. Năm 2020, sở tiếp nhận và xử lý hơn 15.500 hồ sơ trên cổng dịch vụ công và tất cả hồ sơ đều giải quyết trước và đúng hẹn.

Nhiệm vụ quan trọng

Hơn bốn năm triển khai "Ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước", đã tạo được hiệu quả thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay, tất cả các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đều thực hiện tốt việc tiếp nhận và xử lý văn bản đi, đến bằng phần mềm quản lý văn bản và điều hành; thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử có ký số liên thông trên phần mềm; sử dụng phần mềm "một cửa điện tử" để tiếp nhận, xử lý và trả kết quả; 94,73% số cơ quan thực hiện tốt việc cập nhật và xử lý hồ sơ trên phần mềm, 57,9% số cơ quan không có hồ sơ bị chậm…

Tỉnh Tiền Giang xác định "Ðẩy mạnh cải cách hành chính" và "Ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước" được coi là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện một trong ba khâu đột phá của Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 11. Người đứng đầu các cấp cần phải đổi mới tư duy, nhận thức xem công tác này là khâu có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển biến trong hoạt động quản lý nhà nước, làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ðồng thời chịu trách nhiệm trực tiếp về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách; tổ chức phổ biến, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số.

Ðể đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh đã và đang sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo các Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ và hướng dẫn của bộ, ngành T.Ư; phân cấp gắn với nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cấp, các ngành; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức...

Bài và ảnh: NGUYỄN SỰ