Hương trám bay xa...

Không ai biết nghề làm hương ở nước ta bắt nguồn từ đâu và có từ bao giờ, nhưng trong số những làng làm hương cổ truyền nổi tiếng trên ba miền, nhiều du khách rất có ấn tượng với loại hương đen được làm  tại làng Chóa Bến, nay là thôn Lạc Trung, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ðấy không chỉ vì cái tên khá đặc biệt mà còn bởi mầu đen đặc trưng của que hương và mùi thơm thoang thoảng từ nhựa cây trám.

Bà Ðào Thị Nở cắt các cục nến to thành những cục nến nhỏ để chuẩn bị cho công đoạn se hương.
Bà Ðào Thị Nở cắt các cục nến to thành những cục nến nhỏ để chuẩn bị cho công đoạn se hương.

Làng Chóa xưa là xã Chân Hộ gồm có hai thôn Chân Lạc và Lạc Trung. Thôn Lạc Trung gồm có hai khu dân cư nằm ở hai bên sông Cầu là Lạc Trung và Lạc Xuân cho nên lâu nay, Lạc Trung vẫn có tên gọi là Chóa Bến để phân biệt với Chóa Chợ là thôn Chân Lạc. Trong cuốn Ðịa chí Hà Bắc do Thư viện tỉnh Hà Bắc xuất bản năm 1982 có nhắc đến đôi chữ về hương đen Chóa, Dũng Liệt (Yên Phong), tuy nhiên, nghề làm hương đen ở Chóa Bến có từ khi nào vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp bởi hiện tại, không có nguồn tư liệu Hán Nôm còn chép lại nghề này ở đất Chóa Bến. Theo anh Nguyễn Hữu Tuấn, một người con thôn Lạc Trung, nghề làm hương đen tại Chóa Bến có lẽ đã xuất hiện rất lâu và không thể chỉ có hơn 300 năm như nhiều tài liệu ghi lại sau khi Chóa Bến chia tách thành Chân Hộ và Hộ Trung vào năm 1694. Cũng chính vì không xác định được niên đại cho nên ở Chóa Bến, không người nào biết tổ nghề là ai hay nói cách khác, họ sinh ra đã có nghề làm hương. Và họ giữ nghề bao năm qua với ý nghĩ, hương Chóa Bến trong quá trình thành hình tự nó đã chuyên chở một nỗi niềm cung kính với người đang ở bên kia thế giới. Nén hương thơm được thắp lên là một nét đẹp văn hóa, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của con cháu đối với ông bà, tổ tiên mang những điều mong muốn, khẩn cầu của chúng ta tới ông bà, tổ tiên, thần Phật... Những lời cầu nguyện cũng như mong ước sẽ giúp cho lòng người trở nên thanh thản, để  từ đó tin tưởng và hướng tới những điều tốt đẹp, tươi sáng hơn trong tương lai. Ở nhiều gia đình, tại các đền chùa, việc thắp hương đã trở thành việc làm hằng ngày mang lại cảm giác như tăng thêm sự trang nghiêm, linh thiêng cho không gian thờ tự. Chính điều này khiến việc chọn loại hương sạch, không sử dụng hóa chất, phụ gia để thắp có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi nếu chúng ta không biết mà sử dụng những loại hương bẩn sẽ rất độc hại, thậm chí độc hại hơn cả thuốc lá, chính chúng ta sẽ hủy hoại sức khỏe của bản thân cũng như người chung quanh.

Tôi đã theo chân Nguyễn Hữu Tuấn tìm đến nhà ông Ngô Bá Thành, một trong những người làm hương đen nổi tiếng ở Chóa Bến và là một trong số ít các hộ của làng còn gắn bó với nghề. Khi chúng tôi tới, ông Thành và người cháu đang thực hiện những công đoạn cuối trong quá trình chế biến nguyên liệu. Họ cho từng cục nến mà thực chất là hỗn hợp nhựa cây trám, than hoa vào máy nghiền. Hỗn hợp này được ông pha chế với một tỷ lệ nhất định trong ngày hôm trước sau khi nhựa trám được đun sôi và trộn cùng than hoa đã nghiền nhỏ. Ðây là khâu quan trọng nhất trong quá trình làm hương đen như ông Thành cho biết và ở làng hiện nay chỉ có một mình ông pha chế bột hương như vậy. Không quá khó để hiểu được tại sao bởi công đoạn pha chế bột hương được đánh giá rất vất vả và quan trọng nhất vì tỷ lệ trộn giữa nhựa trám, than hoa phải hợp lý để nguyên liệu tạo ra không được quá dẻo vì sẽ dính, hay không được quá khô vì sẽ khó se hương.

Ông Thành tiết lộ thêm, nhựa trám, than hoa được ông đặt mua ở các tỉnh phía bắc như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn…, còn nứa, tre làm tăm hương được mua ở thôn Xà Cầu, huyện Ứng Hòa (Hà Nội), sau đó phải ngâm dưới ao từ hai đến ba tháng rồi mới chẻ thành tăm hương với nhiều kích cỡ khác nhau. Cũng vì vậy mà bên cạnh việc phân loại hương theo nguyên liệu như hương xạ, hương trầm, người ta còn phân loại theo kiểu cách, hình thức như hương nén, hương thẻ, hương vòng.

Sau năm lần vỗ nến và cho vào máy nghiền đi nghiền lại, những cục nến tròn to như quả bưởi được người cháu ông Thành chuyển cho người vợ của ông, bà Ðào Thị Nở, kéo dài ra và cắt thành từng miếng nhỏ. Lúc này, người thợ có thể sử dụng những miếng nến nhỏ đó để se hương luôn. Còn với các hộ trong làng mua về thì họ sẽ phải đem hấp cách thủy cho nguyên liệu mềm lại trước khi se hương.

Theo anh Tuấn, người làng Chóa Bến ai cũng biết se hương nhưng có người chỉ se được hương tí (nhỏ) dài 38 cm, 50 cm, có người se được cả hương tí và hương sào (dài), dài 80 cm, 1 m, 1,2 m. Quả thật, khi có dịp chứng kiến bà Nở se hương,  mới thấy hết sự khéo léo và tỉ mỉ của người phụ nữ này. Ngồi bên miếng gỗ dài được kê nghiêng trên chiếc ghế, đôi tay bà thoăn thoắt nhào nặn cục nến rồi cuộn vào tăm hương. Một tay cầm que, tay kia lăn đi lăn lại nhuần nhuyễn. Chỉ thoáng chốc, que hương đã thành hình, nến bám vào tăm hương đều đến mức mắt thường cũng khó phân biệt là se hương bằng tay hay bằng máy như một số hộ đang dùng để tiết kiệm thời gian, công sức. Tuy nhiên, nếu se hương bằng máy, nguyên liệu sản xuất trước đó sẽ không thể có một tỷ lệ nhựa trám, than hoa hợp lý như se hương bằng tay. Lý do là người ta sẽ phải trộn hóa chất để nguyên liệu hơi khô thì máy mới bắn que hương ra được. Những que hương như vậy thường cháy nhanh và dễ vỡ trong lúc vận chuyển, cũng như không để được lâu. Trong khi đó, với loại hương đen được làm thủ công, một que hương tí có thể cháy trong 3 giờ, hương sào từ 8 đến 12 giờ. Ðáng nói nữa là loại hương này dễ bảo quản, không hút ẩm, giữ được suốt trong năm và không nứt vỡ khi vận chuyển.

Vào những dịp cao điểm làm hàng, vừa sản xuất nguyên liệu, với khoảng 200 đến 300 kg bột hương mỗi ngày, vừa se hương, vợ chồng ông Thành ngoài người cháu sẽ còn huy động thêm cả gia đình người em gái hỗ trợ. Công việc cứ đều đều như vậy nhưng khi tâm sự, ông Thành cho biết, điều trăn trở bao lâu nay của ông là sau này, con cái không một ai theo nghề của ông bà. Nhìn rộng ra thì đây là thực tế chung của làng hương Chóa Bến và nhiều làng hương khác trong cả nước, bởi giới trẻ bây giờ không ai muốn đầu tóc, quần áo bám bụi than, vất vả cả ngày chỉ với thu nhập 200 đến 300 nghìn đồng. 

Thế mới thấy, theo đuổi việc sản xuất hương đen, nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên càng khiến những người như ông Thành thêm vất vả. Bù lại, như hương trám bay xa khắp các tỉnh, thành phố trong nước, uy tín là điều ông luôn giữ được với các khách hàng trong hàng chục năm làm nghề, giúp ông có thu nhập ổn định (tuy không giàu) để nuôi dạy ba người con và tự hào. Vinh dự không kém là cứ đến ngày 2-11 âm lịch hằng năm, ông được chính quyền làng Chân Lạc hay Chóa Chợ bên cạnh mời đến đền Chóa để se hương.

Thời gian đã chứng minh hương đen hay bất cứ loại hương nào đều không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình và trong văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng. Và ở Chóa Bến, hương đen đã trở thành nét văn hóa độc đáo có tính đặc trưng nơi đây, giống như việc nói đến Chóa Bến là nói đến hương đen và ngược lại. Mùi hương trám êm dịu đủ khiến bất cứ ai mỗi khi sử dụng đều không thể quên...