Báo cáo giám sát của Quốc hội:

Hơn 5.000 người bị ngộ độc thực phẩm mỗi năm

NDO -

NDĐT - Tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Trung bình có 167,8 vụ/năm với 5065,8 người mắc/năm và 27,3 người chết do ngộ độc thực phẩm mỗi năm. Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày sáng 5-6 cho biết.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo giám sát tối cao sáng 5-6.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo giám sát tối cao sáng 5-6.

Theo ông Phan Xuân Dũng, kiểm soát ngộ độc thực phẩm (NĐTP), các bệnh truyền qua thực phẩm còn không ít tồn tại, yếu kém.

Giai đoạn 2011–2016, đã ghi nhận bảy bệnh truyền qua thực phẩm làm mắc 4.012.038 ca bệnh với 123 người chết, trung bình mỗi năm có 668.673 ca bệnh và 21 người chết. Bệnh ung thư mỗi năm có khoảng 70 nghìn người chết và hơn 200 nghìn ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn.

Theo điều tra dịch tễ học của Hiệp hội ung thư thế giới thì có khoảng 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc thực phẩm không an toàn và có thể phòng được.

97% thịt động vật giết mổ trong cơ sở nhỏ lẻ

Báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội cho biết, quản lý ATTP đối với rau, quả, thịt, sản phẩm thịt tươi sống, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật còn là khâu yếu. Tỷ lệ tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép là 8,47% đối với rau; kiểm tra đối với 54.750 lượt hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã phát hiện 9.056 hộ vi phạm (chiếm 16,54%); kiểm tra 2.064 đợt với 63.230 lượt cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc BVTV, phát hiện và xử lý trên 7.434 cơ sở vi phạm (chiếm 11,7%).

Phần lớn lượng gia súc, gia cầm tiêu thụ trong nước được giết mổ tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chiếm 97%. Tình trạng chung là các cơ sở này không khai báo, không được kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ; điều kiện cơ sở vật chất không bảo đảm, giết mổ, pha lóc, làm sạch phủ tạng trực tiếp trên sàn, không có hệ thống thu gom, xử lý chất thải và nước thải gây ô nhiễm môi trường và mất ATTP. Nhiều cơ sở giết mổ nằm ngay trong khu dân cư nên gây ô nhiễm nghiêm trọng về tiếng ồn, không khí, chất thải lỏng, chất thải rắn.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội cho biết, vi phạm trong quá trình vận chuyển, bày bán thịt gia súc, gia cầm vẫn diễn ra khá phổ biến. Việc vận chuyển thịt gia súc, gia cầm trong nội tỉnh, hay từ chỗ giết mổ tới các chợ truyền thống để kinh doanh chủ yếu được thực hiện bằng các phương tiện thô sơ, thịt tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm, mất vệ sinh ATTP; thịt gia súc, gia cầm thường được bán tươi ngoài chợ, dụng cụ chứa đựng bày bán không bảo đảm vệ sinh; kiểm soát nguồn gốc sản phẩm hầu không được thực hiện.

Việc kiểm soát ATTP theo chuỗi còn hạn chế. Số lượng cơ sở thực phẩm được kiểm soát đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh chiếm tỷ lệ còn thấp, hiện chỉ chiếm 33,6% trong tổng 408.821 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

ATTP có lúc, có nơi đã đến mức báo động

Theo báo cáo giám sát, tình trạng vi phạm quy định về ATTP khá phổ biến trong nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhất là trong sản xuất, kinh doanh rượu, bia và nước giải khát. Nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng chai chưa bảo đảm vệ sinh, chất lượng nguồn nước chưa được kiểm soát tốt.

“Đa phần các cơ sở nấu rượu thủ công, dụng cụ thô sơ không bảo đảm ATTP, tình trạng bán rượu không đăng ký chất lượng, không nhãn mác, nguồn gốc vẫn tràn lan tại nhiều địa phương gây ngộ thực phẩm cấp tính và mãn tính cho người tiêu dùng. ATTP có lúc, có nơi đã đến mức báo động, ở giới hạn đỏ”, ông Phan Xuân Dũng nói.

Số cơ sở vi phạm các quy định về ATTP trong giai đoạn 2011- 2016 chiếm 20,3% số cơ sở tiến hành thanh tra, kiểm tra; số cơ sở vi phạm khi thanh tra đột xuất, chiếm 28,6% lớn hơn so với thanh tra báo trước theo kế hoạch. Kết quả thực thi Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại năm quận/huyện và 10 xã/phường/thị trấn của TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy số lượng vi phạm lớn hơn nhiều . Đây là một tỷ lệ vi phạm rất cao, song cũng chưa phản ánh hết tất cả các vi phạm về ATTP trong thực tế.

Việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về ATTP còn thụ động; xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe.

Việc thanh tra, kiểm tra tuy có tăng theo hằng năm nhưng chưa bao quát đối với tất cả loại hình sản xuất, chế biến thực phẩm (chỉ đạt khoảng 40% năm). Việc xử lý vi phạm còn chưa nghiêm, chưa kịp thời, chưa quyết liệt, chủ yếu là xử phạt hành chính, khắc phục lỗi; việc đình chỉ hoạt động đối với cơ sở vi phạm hoặc xử lý hình sự còn ít nên chưa bảo đảm tính răn đe; kiểm tra, xử lý về vệ sinh ATTP chưa thực sự triệt để, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thủ công…

Quốc hội dành cả ngày hôm nay để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.