Hiệu quả từ chủ trương bố trí công an chính quy đảm nhiệm công an xã

Là tỉnh đầu tiên trong toàn quốc được Bộ Công an chọn thí điểm triển khai chủ trương bố trí công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã, tình hình an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở của tỉnh Kon Tum đã có những chuyển biến tích cực, nhất là tại các thôn, làng vùng biên giới đặc biệt khó khăn.

Công an xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính.
Công an xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính.

Ngọc Hồi là huyện biên giới phía bắc tỉnh Kon Tum; diện tích tự nhiên gần 84.000 ha; dân số gần 59 nghìn người với 17 dân tộc sinh sống tại tám xã, thị trấn với 68 thôn, tổ dân phố, trong đó: có năm xã biên giới tiếp giáp với nước CHDCND Lào và Vương quốc Cam-pu-chia. Huyện có chiều dài đường biên khoảng 65 km, có một cửa khẩu quốc tế Bờ Y - Phu Cưa, một cửa khẩu phụ Ðắk Kôi với 22 cột mốc chính, 22 cột mốc phụ (có một cột mốc Ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia). Việc triển khai thực hiện bố trí công an chính quy (CACQ) đảm nhiệm các chức danh công an xã (CAX) trên địa bàn huyện đã góp phần nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật.

Từ khi triển khai thực hiện bố trí CACQ đảm nhiệm các chức danh CAX đến nay, công an các xã đã tiếp nhận 176 vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự, xử phạt vi phạm hành chính 98 vụ với 180 đối tượng; tổ chức 287 đợt kiểm tra tạm trú, tạm vắng trên địa bàn các xã, lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính 187 trường hợp; phối hợp tuần tra bảo đảm trật tự an toàn giao thông 53 lượt, xử phạt vi phạm hành chính 62 trường hợp; chủ động phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng đóng chân trên địa bàn xã tổ chức 103 buổi tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với hơn 28 nghìn lượt người tham gia…

Thiếu tá Hiêng Lăng Huỳnh, Phó Trưởng Công an xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi chia sẻ: Thời gian qua, khi CACQ về đảm nhiệm chức danh CAX đã triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm trên địa bàn xã, qua đó đã từng bước ngăn chặn, kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm tệ nạn xã hội và hành vi vi phạm pháp luật. Lực lượng CACQ hầu hết được đào tạo bài bản về nghiệp vụ công tác, phẩm chất đạo đức chính trị... đáp ứng mọi nhiệm vụ đặt ra trong mọi tình huống xảy ra trên địa bàn. Từ đó tham mưu tốt cho Ðảng ủy, UBND xã về chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Anh Thao Ðoàn, thôn Tà Ka, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi cho biết: CACQ về xã tạo rất nhiều thuận lợi cho bà con như đăng ký hộ tịch, hộ khẩu; cấp đổi chứng minh nhân dân; quan trọng nhất là tình hình an ninh trật tự của thôn làng được giữ vững, giảm bớt các tệ nạn xã hội, đời sống nhân dân ổn định, bà con rất hưởng ứng, vui mừng, phấn khởi. Cán bộ, chiến sĩ (CBCS) công an nhân dân về đây gần gũi, niềm nở với bà con, giải quyết công việc thì nhẹ nhàng, tình cảm.

Là huyện vùng sâu, vùng xa nằm ở phía bắc tỉnh Kon Tum, Ðăk Glei có diện tích tự nhiên gần 150.000 ha với đường biên giới dài 110 km giáp với CHDCND Lào. Huyện có 11 xã, một thị trấn (trong đó có ba xã biên giới, bảy xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự), 93 thôn, làng với dân số hơn 49 nghìn người. Thời gian qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện luôn được giữ vững ổn định có sự đóng góp không nhỏ của chủ trương đưa CACQ về đảm nhiệm chức danh CAX. Công an huyện đã quan tâm, thực hiện thường xuyên công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho CBCS được điều động đảm nhiệm các chức danh CAX; kịp thời động viên CBCS vượt qua khó khăn, yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thượng tá Nguyễn Văn Úy, Phó Trưởng Công an huyện Ðăk Glei cho biết: Nhằm bảo đảm yêu cầu công việc, công an huyện đã bố trí đủ số lượng ít nhất năm CACQ/xã theo kế hoạch của tỉnh và yêu cầu của Bộ Công an. Thực tiễn cho thấy, từ khi triển khai đưa CACQ về xã đã phát huy được tính chuyên nghiệp trong dự báo, nắm chắc tình hình, xử lý, giải quyết các vụ việc an ninh trật tự nhanh chóng, hiệu quả. Trước đây, nhiều vụ việc lực lượng công an bán chuyên trách chưa xử lý được thì hiện nay lực lượng CACQ, với trình độ chuyên môn được đào tạo bài bản, nắm vững quy trình, quy định của ngành đã xử lý ngay, các vụ việc phải chuyển lên tuyến trên giảm hẳn. Bà con rất phấn khởi, tin tưởng vào lực lượng công an.

Mô Rai là xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của huyện Sa Thầy, có diện tích tự nhiên hơn 58.000 ha, được chia thành 12 thôn, làng, dân số khoảng 1.350 hộ với 5.334 khẩu. Xã có đường biên giới dài 21 km tiếp giáp với Vương quốc Cam-pu-chia, hệ thống giao thông đi lại phức tạp với quốc lộ 14C và tỉnh lộ 674 xuyên suốt địa bàn xã. Người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số với 18 dân tộc anh em sinh sống, trình độ dân trí còn thấp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng hạn chế, yếu kém, chính những điều này gây không ít khó khăn trong công tác nghiệp vụ của ngành công an. Thế nhưng từ khi triển khai đưa CACQ về xã, tình hình an ninh trật tự tại cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực; các vụ việc mâu thuẫn, bức xúc của nhân dân đã được giải quyết kịp thời, nhất là các vấn đề có liên quan đến thủ tục hành chính như đăng ký quản lý cư trú, cấp đổi chứng minh nhân dân…

Ðại úy Nguyễn Văn Báu, Trưởng Công an xã Mô Rai cho biết: Nhận thức rõ trách nhiệm, vai trò, sự tin tưởng của lãnh đạo ngành khi bố trí lực lượng CACQ về xã nên CAX đã bám sát, nắm vững tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Sau gần hai năm thực hiện chủ trương, hiệu quả các mặt công tác công an chuyển biến rõ rệt. Giải quyết quản lý nhà nước về an ninh trật tự kịp thời, tránh sai sót trong mảng cư trú, phục vụ tốt cho công tác thu thập quốc gia dữ liệu dân cư để cấp căn cước công dân trong kế hoạch sắp tới của Bộ Công an. Nắm bắt, giải quyết các vụ việc, điểm nóng về an ninh chính trị, làm tốt công tác phòng ngừa, chưa để xảy ra tình trạng gì phức tạp về an ninh chính trị trên địa bàn.

Với việc được đào tạo bài bản, sự chuyên nghiệp trong công tác, vững về trình độ chuyên môn, khi sự việc xảy ra, lực lượng CACQ có mặt ngay tại địa bàn, phản ứng, xử lý nhanh và điều tra khám phá. Những vụ án thuộc thẩm quyền của CAX được xử lý nhanh gọn, đưa ra kiểm điểm trước nhân dân để răn đe. Các vụ án vượt thẩm quyền thì CAX điều tra ban đầu, thu thập hoàn chỉnh hồ sơ để chuyển lên công an cấp trên. Bên cạnh đó, lực lượng CACQ khi về xã còn đề cao công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với khối trường học, các cơ quan doanh nghiệp, đặc biệt lồng ghép vào các buổi họp thôn, làng để tuyên truyền đến với các tầng lớp nhân dân.

Là người thường xuyên đi làm các thủ tục hành chính liên quan đến CAX, chị Y Ðầm, làng Tang, xã Mô Rai cho biết: So với trước đây các thủ tục được các đồng chí CACQ về xã thực hiện rất nhanh. Làm giấy khai sinh, tách, nhập khẩu trước đây có khi cả tháng, hiện nay thì chỉ mất vài ngày, có khi được giải quyết ngay trong ngày. Các đồng chí CAX niềm nở hướng dẫn tận tình, chu đáo để tránh sai sót về mặt thủ tục cho người dân.

Chia sẻ về những khó khăn trong việc thực hiện, bố trí CACQ đảm nhiệm chức danh CAX, Ðại úy Nguyễn Văn Báu cho biết: "Hiện nay trụ sở làm việc, phương tiện đi lại của công an các xã chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Ðịa bàn vùng biên giới phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, nên lực lượng CACQ về xã còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn về ngôn ngữ và các tập quán sinh hoạt của người dân. Chúng tôi động viên anh em cố gắng bổ sung kiến thức về phong tục tập quán, đặc biệt là ngôn ngữ để tiếp cận địa bàn, nắm bắt tình hình tốt hơn. Với việc được gần dân, hiểu dân, học ngay từ dân, tôi tin chắc rằng chúng tôi sẽ vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao".

Bài và ảnh: Hoàng Phúc Thắng