Hậu Giang cải cách thủ tục hành chính hướng đến người dân

Tỉnh Hậu Giang triển khai hoàn thiện xây dựng tổng đài cải cách hành chính; thiết lập tài khoản Zalo "Phản ánh về thủ tục hành chính Hậu Giang" và mô hình hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận, kê khai, giải quyết thủ tục hành chính.

Mô hình trồng dưa Pepino của người dân TP Ðà Lạt (Lâm Ðồng) cho năng suất và thu nhập ổn định. Ảnh: Ðăng Anh
Mô hình trồng dưa Pepino của người dân TP Ðà Lạt (Lâm Ðồng) cho năng suất và thu nhập ổn định. Ảnh: Ðăng Anh

Theo đó, tỉnh xây dựng tổng đài với một số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin từ các sở, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp. Ðường dây nóng được thiết lập kết nối tự động với một số nhánh để thực hiện nhiệm vụ.

Mỗi sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trang bị một số để kết nối với tổng đài và giao cho bộ phận phụ trách công tác cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị sử dụng. Hội đồng đánh giá, xếp loại công tác cải cách hành chính tỉnh thiết lập tài khoản Zalo "Phản ánh về thủ tục hành chính Hậu Giang" nhằm khảo sát sự hài lòng của người dân. Sở Nội vụ phối hợp Văn phòng UBND tỉnh, Tỉnh đoàn và UBND cấp huyện triển khai đồng bộ mô hình "Ðoàn thanh niên chung tay cải cách hành chính", thực hiện bố trí sắp xếp đoàn viên thanh niên trực tại Trung tâm Hành chính công, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã để hỗ trợ người dân.

Ðây sẽ là kênh thông tin tương tác giữa tỉnh với người dân, doanh nghiệp; là kênh tiếp nhận thông tin nhanh, hiệu quả giúp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về những hành vi sách nhiễu, vòi vĩnh của cán bộ, công chức sẽ là một trong những nguồn thông tin giúp tỉnh phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm trong hoạt động công vụ.

★ Năm 2020, tỉnh Lâm Ðồng đặt mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 55,2%, giá trị sản xuất bình quân đạt 185 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, trong sáu tháng đầu năm, ngành nông nghiệp của tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng ngành nông nghiệp trong sáu tháng đầu năm chỉ đạt 4,9%. Ðể tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ nông dân tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản, tỉnh tập trung chỉ đạo tiếp tục cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng tập trung sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, tạo được sự khác biệt với các nông sản cùng chủng loại trên thị trường, có độ nhận diện cao. Tích cực đầu tư sản xuất theo chiều sâu gắn với đẩy mạnh sơ chế, chế biến sau thu hoạch để giảm chi phí đầu tư. Ðẩy mạnh hoạt động liên kết, kết nối giữa các vùng sản xuất với các trung tâm sau thu hoạch, nhà máy chế biến, chợ đầu mối và kênh phân phối để kết nối, mở rộng thị trường. Thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp tục đứng vững và phát triển sau đại dịch Covid-19 như giãn nợ, hỗ trợ tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách để phát triển sản xuất. Khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường; thực hiện hoạt động đầu tư nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm mới phù hợp với từng thị trường khác nhau.