Hà Tĩnh phát huy hiệu quả thủy lợi đa mục tiêu

Hà Tĩnh là một trong những địa phương thường xuyên hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu gây nên tình trạng hạn hán, ngập lụt... Tuy nhiên, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là đầu tư, khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi nên địa phương đã chủ động ứng phó với thiên tai, giữ ổn định đời sống, sản xuất cho nhân dân.

Với dung tích chứa 775 triệu m3, hồ Ngàn Trươi đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lũ vùng hạ du.
Với dung tích chứa 775 triệu m3, hồ Ngàn Trươi đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lũ vùng hạ du.

Nắng to không lo thiếu nước

Những ngày cuối tháng 6, thời tiết khu vực Bắc Trung Bộ nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 36 đến 390C, có nơi hơn 410C, cộng với những đợt nắng nóng kéo dài liên tục từ đầu tháng đã tác động rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân.

Tuy vậy, khác với những năm trước, thay vì phải gồng mình cứu lúa vì đồng ruộng nứt nẻ thì năm nay nông dân ở "chảo lửa" Hà Tĩnh chỉ việc đều đặn ra đồng tiến hành dặm tỉa, bón thúc chăm sóc kỹ lưỡng cây lúa đang thời kỳ đẻ nhánh bởi nước từ hồ đập đã được dẫn về đến chân ruộng phục vụ tưới lúa hè thu.

Gạt những giọt mồ hôi đẫm trán, ông Nguyễn Xuân Tuyền, xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh) cho biết, sau hơn 20 năm bỏ qua vụ sản xuất hè thu do thiếu nước, năm nay gia đình ông đã gieo cấy hơn một héc-ta. Nhờ được cung cấp nước kịp thời, đầy đủ nên từ khi gieo cấy đến nay cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Cùng chung niềm vui, ông Phan Công Chung, thôn Nam Hà (Kỳ Hà) phấn khởi cho hay, mặc dù địa phương nằm giáp biển, lại ở khu vực cuối của hệ thống thủy lợi nhưng năm nay nước về kịp thời, thực hiện tưới dưỡng tốt, đáp ứng nhu cầu chăm sóc cho gần 10 ha diện tích sản xuất lúa hè thu của địa phương.

Trưởng phòng Quản lý khai thác (Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh) Đặng Hòa Bình cho biết, ngay sau khi đập Đá Cát (Kỳ Tân) được bổ sung nguồn nước dồi dào từ thượng nguồn hồ sông Trí (Kỳ Hoa), thông qua hệ thống kênh dẫn, kênh mương nội đồng được xây dựng, nâng cấp đồng bộ trong những năm gần đây, vấn đề thiếu nước của 200 ha lúa hè thu tại các xã giáp ranh thuộc huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh cơ bản được giải quyết. Hiện nay với trữ lượng nước hơn 550 triệu m3 được tích trữ tại hồ: Kẻ Gỗ, sông Rác, Thượng Tuy, sông Trí..., việc cung cấp nước tưới cho 42.000 ha diện tích trồng lúa hai vụ tại các huyện phía nam Hà Tĩnh được bảo đảm. Vào cao điểm mùa khô, nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra khô hạn và xâm nhập mặn, bên cạnh việc triển khai các giải pháp truyền thống như tập trung tu bổ, nạo vét kênh mương, khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, đơn vị chủ động rà soát, lên kế hoạch điều tiết nước liên hồ đập nhằm bổ sung nguồn nước kịp thời cho các hồ, đập có nguy cơ cạn nước.

Có mặt tại thị trấn Lộc Hà vào những ngày cuối tháng 6, đúng vào cao điểm nắng gắt cùng gió tây nam rát nóng, song điều dễ nhận thấy, dọc các tuyến kênh mương nội đồng được bê-tông hóa, dòng nước được dẫn về từ thượng nguồn chảy đầy ắp, cấp đủ nước khiến cánh đồng xanh mơn mởn. Ông Phan Văn Lãm, thôn Phú Đông (thị trấn Lộc Hà) cho biết, từ rất lâu rồi, các đồng đất ở vùng biển ngang này chỉ sản xuất được vụ xuân, còn vụ hè thu phải bỏ hoang. Một số hộ dân trước đây cố gắng trồng thêm lúa mùa nhưng do gieo vào tháng 10 nên lúa thường xuyên gặp mưa bão, sâu bệnh dẫn đến năng suất kém. Năm nay, nguồn nước từ kênh trục sông Nghèn (thuộc dự án ngọt hóa sông Nghèn) được dẫn về đồng ruộng các xã: Bình An, Thịnh Lộc, Thạch Mỹ... thông qua kênh Hồng Tân được chuyển tải qua trạm bơm An Thịnh (xã Bình An) nên người dân tranh thủ thời gian, tập trung huy động nhân lực, cải tạo đồng ruộng để kịp thời hoàn thành xuống giống hơn 20 ha lúa hè thu.

Nhờ hệ thống thủy lợi được đầu tư đồng bộ, với tổng dung tích hồ chứa đạt gần 1,6 tỷ m3 nước, 6.330 km kênh mương các loại và 455 trạm bơm nên hàng nghìn héc-ta đất trồng lúa, cây trồng cạn và diện tích nuôi trồng thủy sản được cung cấp nước đầy đủ. Theo Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh Nguyễn Trí Hà, tính đến ngày 10-6, toàn tỉnh đã hoàn thành gieo cấy hơn 4.550 ha, so với năm 2019, diện tích lúa hè thu năm nay vượt 1.000 ha, các địa phương có diện tích gieo cấy vượt kế hoạch cao như: huyện Kỳ Anh, Can Lộc, Đức Thọ... Đây là năm Hà Tĩnh hoàn thành gieo cấy vụ hè thu sớm nhất từ trước đến nay, yếu tố quan trọng góp phần tạo nên một mùa sản xuất thắng lợi.

Hà Tĩnh phát huy hiệu quả thủy lợi đa mục tiêu -0

Công nhân Công ty CP Đầu tư, tư vấn xây dựng số 9 thi công tràn đập Đống Ván (huyện Nghi Xuân) để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão. Ảnh: HỮU TRUNG 

Khai thác đa mục tiêu

Cùng với việc "giải khát" kịp thời cho toàn bộ diện tích lúa hè thu tại các xã vùng tây bắc huyện Thạch Hà, quá trình cải tạo, nâng cấp kênh Vách Nam (Thạch Hà) góp phần quan trọng nâng cao năng lực tiêu thoát lũ, giảm ngập lụt cho vùng phía bắc Thạch Hà.

Nhớ lại những mùa mưa lũ trước đây, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Ngọc Nguyên Hồng Thanh cho biết, với đặc thù của địa hình vùng sâu trũng xen lẫn bán sơn địa nên mùa mưa nào, địa phương cũng phải hứng chịu nhiều đợt lũ lụt kéo dài. Trong khi nước từ thượng nguồn ào ào đổ về, các kênh thoát lũ trên địa bàn vừa nhỏ hẹp, lại bị chắn ngang bởi cầu Máng và những đám thực bì, bèo tây ở thôn Mộc Hải khiến 4 trong số 8 thôn bị ngập sâu từ 1,5 đến 2 m trong nhiều ngày liền. Thậm chí con đường vượt lũ của địa phương cũng bị ngập nước, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Mọi sự thay đổi bắt đầu nhìn thấy rõ từ mùa lũ năm 2019. Cũng với lượng mưa tương đương năm trước nhưng chỉ sau vài giờ, nước lũ từ thượng nguồn đã được dẫn về kênh Vách Nam xuôi về phía hạ du và ra biển. Theo Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Trần Việt Hà, mặc dù mới hoàn thành hơn 60% khối lượng nhưng dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và thoát lũ cho 10.000 hộ dân, 4.100 ha đất canh tác tại chín xã vùng bắc Thạch Hà đã cho thấy hiệu quả ngay trong quá trình thi công.

Từng gắn bó lâu năm với huyện Vũ Quang, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Đăng Kỷ cho biết, kể từ khi công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang được hoàn thành và đi vào khai thác, người dân vùng "rốn lũ" như giảm được gánh nặng vào mùa mưa lũ. Trải dài trên 408 km2, với cao trình thiết kế đỉnh đập đạt 57,8 m, dung tích hồ chứa 775 triệu m3, hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang thật sự cho thấy hiệu quả tích nước và điều tiết lũ cho vùng hạ du. Theo đánh giá, với tần suất mưa rất lớn vào mùa mưa lũ ở miền tây Hà Tĩnh (trung bình tổng lượng mưa cả đợt vào khoảng 1.000 mm) nếu không có công trình hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang "cắt" hàng trăm triệu mét khối nước lũ thì các xã vùng hạ du huyện Vũ Quang và thượng Đức Thọ sẽ bị ngập sâu trong biển nước. Chưa hết, nhiều đoạn trên các tuyến giao thông huyết mạch, đường Hồ Chí Minh, tỉnh lộ 5 (lên huyện Vũ Quang) có thể bị nhấn chìm trong nước; trung tâm huyện lỵ sẽ bị nước lũ cô lập.

Theo Phó Chi cục trưởng Thủy lợi Hà Tĩnh Trần Duy Chiến, ngoài việc cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, các công trình thủy lợi trên địa bàn còn cấp 12.600 m3/ngày đêm nước sinh hoạt cho hơn 81.000 hộ dân và 100.000 m3/ngày đêm cho các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn, đồng thời tận dụng phát điện quy mô nhỏ tại hồ Kẻ Gỗ và hồ Ngàn Trươi. Thời gian qua, nhằm khai thác hiệu quả của các công trình, địa phương tiến hành nâng cấp, sửa chữa hồ chứa nước Bộc Nguyên, kết nối hòa mạng với hệ thống Kẻ Gỗ để sử dụng nguồn nước dư thừa của hồ Bộc Nguyên cấp nước tưới cho nông nghiệp (hồ Bộc Nguyên trước đây chỉ cấp nước cho nhà máy nước sinh hoạt); cân đối, tính toán sử dụng nguồn nước một số hồ chứa để cấp nước phục vụ sinh hoạt như: Khe Hao, Khe Trúc, Đá Bạc, Xuân Hoa... và hiện nay đang triển khai đầu tư xây dựng một số công trình cấp nước sạch sử dụng nguồn nước từ các hồ đập. Trên địa bàn có nhiều hồ chứa thủy lợi có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nhưng do phần lớn các công trình này có nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt nên việc triển khai phát triển du lịch tại đây gặp nhiều khó khăn vì nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh Nguyễn Bá Đức, là địa phương có số lượng công trình thủy lợi tương đối lớn, phần lớn được xây dựng khá lâu, qua nhiều năm vận hành khai thác và do tác động của thiên tai nên hiện tại nhiều hồ đập ở Hà Tĩnh bị hư hỏng, xuống cấp. Cùng với đó, đa phần hệ thống tiêu nước tại tỉnh hiện nay chủ yếu dựa vào các trục tiêu tự nhiên, hằng năm các trục tiêu bị bồi lấp do ảnh hưởng của mưa, lũ và xây dựng cơ sở hạ tầng, nên hiện nay nhiều trục tiêu không đủ khả năng tiêu thoát lũ, một số vùng ngập úng sâu và kéo dài nhiều ngày. Trong điều kiện ngân sách địa phương còn hạn hẹp, khó khăn, đề nghị Trung ương quan tâm ưu tiên nguồn vốn đầu tư công cho xây dựng, sửa chữa, nâng cấp kết cấu hạ tầng thủy lợi bảo đảm an toàn, phát huy hiệu quả phục vụ đa mục tiêu.