Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng

Hà Tĩnh đổi mới cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông thôn

Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa tổ chức lấy ý kiến nhân dân đóng góp chuyên đề: Đổi mới, sáng tạo, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là một trong những nội dung quan trọng của dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Chuyên đề gồm ba nội dung chính: sự cần thiết, cơ sở pháp lý; đánh giá thực trạng phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; quan điểm, mục tiêu, nội dung và giải pháp thực hiện đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Chuyên đề đã nhận được sự góp ý của nhiều tầng lớp nhân dân. Nội dung tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, kế hoạch và giải pháp thực hiện. Theo đó, để đổi mới cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh cần nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách; lựa chọn các mũi đột phá, tránh dàn trải trong xây dựng chính sách. Muốn phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn cần xem xét quỹ đất; dựa trên quy hoạch tổng thể từng địa phương, nên đánh giá chất đất, khoanh định vùng theo cấp độ ưu tiên để phát triển nông nghiệp, lựa chọn cây, con giống phù hợp. Ngoài ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất thì vai trò đầu kéo, kích cầu phát triển sản xuất của doanh nghiệp, hợp tác xã là hết sức quan trọng. Vì vậy, tỉnh cần có những kế hoạch, chính sách mời gọi, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư.

Với mục tiêu đến năm 2025, Hà Tĩnh trở thành tỉnh nông thôn mới và huyện Nghi Xuân đạt nông thôn mới kiểu mẫu, nhiều ý kiến đóng góp cho rằng cần tập trung xây dựng theo hướng văn minh mà vẫn giữ được bản sắc. Muốn vậy phải đặt người dân ở vị trí chủ thể, được dân chủ bàn bạc khi tiếp nhận những nguồn lực một cách phù hợp với nhu cầu và đặc điểm văn hóa vùng, miền.

* Ngay sau khi Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần XIII của Đảng được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã xây dựng kế hoạch và tổ chức quán triệt, triển khai đến toàn thể cán bộ chủ chốt của tỉnh. Đến nay, hầu hết các đảng bộ cơ sở trong đảng bộ tỉnh đã tổ chức thành công đại hội. Đối với đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở, Tỉnh ủy Hải Dương chọn Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hải Dương lần thứ 23 là đại hội điểm; Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân sự tỉnh là Đại hội Đảng bộ quân sự cấp tỉnh đầu tiên của Quân khu 3. Hiện hai đảng bộ TP Hải Dương và Quân sự tỉnh đã cơ bản chuẩn bị đủ các điều kiện để tổ chức đại hội.

Đối với công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ 23, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ động chỉ đạo tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ 2015 - 2020; xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, năm 2035. Dự thảo Báo cáo chính trị của Đảng bộ tỉnh được xây dựng với quy trình chặt chẽ, thống nhất đề cương, chủ đề đại hội cũng như các chỉ tiêu. Dự thảo văn kiện cũng được đưa ra thảo luận trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lấy ý kiến cán bộ chủ chốt của tỉnh qua các thời kỳ và hội thảo xin ý kiến tham gia của Ban Kinh tế T.Ư.

Về công tác chuẩn bị nhân sự, Tỉnh ủy đã tiến hành rà soát, từng bước bố trí, điều động, sắp xếp, luân chuyển nhân sự các chức danh chủ chốt cấp huyện, sở, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm chuẩn bị trước một bước cho công tác nhân sự Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025; chú trọng bố trí cán bộ để bảo đảm cơ cấu cán bộ nữ, cán bộ trẻ và ở những địa bàn, lĩnh vực quan trọng.