Hà Nội yêu cầu từ 0 giờ ngày 19-8, các nhà hàng, quán cà-phê phải bảo đảm quy định giãn cách

NDO -

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chiều 17-8, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu khuyến cáo, người dân không nên ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết. Cùng với đó, thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang. Đồng chí yêu cầu, từ 0 giờ ngày 19-8, các nhà hàng, quán ăn phải nghiêm túc thực hiện các quy định về an toàn phòng chống dịch, bảo đảm giãn cách chỗ ngồi. Những trường hợp không thực hiện nghiêm, thành phố sẽ xử lý nghiêm và buộc đóng cửa.

Toàn cảnh buổi giao ban.
Toàn cảnh buổi giao ban.

Tại Hà Nội, từ ngày 14 đến 17-8 đã ghi nhận  thêm hai ca bệnh mới. Như vậy, từ ngày 25-7 đến nay, thành phố đã có 33 ca mắc Covid-19, chưa có ca tử vong. Trong đó 10 ca ngoài cộng đồng và 23 ca từ bên ngoài đã được cách ly ngay khi nhập cảnh.

Đại diện Sở Y tế Hà Nội cảnh báo trên địa bàn đã có hiện tượng lây nhiễm thứ phát (F1 chuyển thành F0). Các ca mắc hầu hết được phát hiện tại các bệnh viện. Trong khi đó, Hà Nội là nơi có nhiều bệnh viện lớn, có đông người dân từ các tỉnh,  thành phố khác về khám, chữa bệnh, cho nên nguy cơ dịch xâm nhập từ các tỉnh, thành phố khác vào là rất cao. 

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, trong giai đoạn này dịch bệnh đã xảy ra, tản phát tại cộng đồng trên địa bàn Hà Nội, tuy nhiên chưa lây lan thành ổ dịch lớn và nguồn lây đều từ ngoài thành phố xâm nhập vào. Song việc tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của người dân trong đợt này không bằng đợt dịch trước, nhất là tại các nhà hàng, quán ăn... Chính vì vậy, nguy cơ dịch bệnh xuất hiện và lây lan từ các bệnh viện và các cơ sở nhà hàng trong thời gian tới là rất cao.

Tại cuộc họp, đại diện CDC Hà Nội cũng bày tỏ sự lo ngại khi người dân hiện nay xuất hiện tâm lý chủ quan trong việc thực hiện giữ khoảng cách khi ra ngoài xã hội. Việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên kể cả ở công sở cũng không được nghiêm túc. Thực tế kiểm tra cho thấy, một số đơn vị chưa có phương án khi Covid-19 lây lan rộng, công tác kiểm tra, giám sát đang có phần lỏng lẻo hơn so với giai đoạn trước.

Toàn thành phố có hơn 100 nghìn người về từ Đà Nẵng, trong đó, số về từ ngày 15-7 là 77.150 người.

Đến hết ngày 16-8, đã lấy được 50.602 mẫu xét nghiệp PCR cho những người từ Đà Nẵng về trong thời gian từ 15 đến 29-7, đã có kết quả 28.478 mẫu, đều âm tính.

Thành phố tiếp tục rà soát và đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm PCR cho những người về từ Đà Nẵng (trong thời gian từ ngày 15-7 đến 29-7). Khi phát hiện ra ca bệnh, lực lượng chức năng sẽ tập trung điều tra, xác minh truy vết những người tiếp xúc và có liên quan, phát hiện nhanh nhất các ca nhiễm trong cộng đồng, cách ly kịp thời các trường hợp có nguy cơ; khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm và không được bỏ sót đối tượng.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng Ban chỉ đạo khẳng định: Thành phố Hà Nội vẫn đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh, Trong thời gian tới có thể sẽ có ca mắc mới nhưng vẫn có thể kiểm soát được nếu người dân hợp tác cùng với chính quyền thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch.

Thời gian tới, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Civid-19 của thành phố đề nghị các quận, huyện, thị xã, sở ngành tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo  về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tiếp tục tuyên truyền vận động để người dân phòng chống dịch, không tập trung quá 30 người nơi công cộng; người dân khi có biểu hiện của bệnh phải đến ngay cơ sở y tế; người già cao tuổi có bệnh lý tuyên truyền không nên ra ngoài vì dễ lây nhiễm, trừ trường hợp cấp thiết.

Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ là nơi dễ lây lan dịch bệnh, ông Ngô Văn Quý đề nghị các đơn vị đôn đốc kiểm tra các nhà hàng, quán ăn, quán giải khát phải thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch bệnh: chỗ ngồi cách nhau 1m, có vách ngăn, toàn bộ nhân viên phải đeo khẩu trang, có biển hướng dẫn phòng chống dịch, đo thân nhiệt cho khách hàng và bố trí dung dịch sát khuẩn.

Tập trung phòng, chống dịch Covid-19