Gỡ nút thắt phát triển hạ tầng thành phố trẻ

Cuối năm 2018, Ðồng Xoài - trung tâm tỉnh lỵ của Bình Phước được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh. Ðây là mốc son mới trên chặng đường phát triển mạnh mẽ của tỉnh Bình Phước nói chung và Ðồng Xoài nói riêng sau 21 năm tái lập tỉnh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều dự án quy hoạch treo hàng chục năm, thi công kéo dài, hay động thổ xong "đắp chiếu"… gây ảnh hưởng không nhỏ cuộc sống của hàng nghìn hộ dân trong vùng dự án, cản trở sự phát triển của đô thị.

Ðường Nguyễn Văn Linh nối dài (phường Tân Phú, TP Ðồng Xoài) nằm cách UBND tỉnh Bình Phước khoảng 200 m nhưng đến nay chưa được thi công vì vướng mặt bằng.
Ðường Nguyễn Văn Linh nối dài (phường Tân Phú, TP Ðồng Xoài) nằm cách UBND tỉnh Bình Phước khoảng 200 m nhưng đến nay chưa được thi công vì vướng mặt bằng.

Năm 2010, UBND tỉnh chấp thuận đầu tư hai tuyến đường Nguyễn Chánh và đường 30 thuộc phường Tân Bình, TP Ðồng Xoài. Mãi đến năm 2014, đường Nguyễn Chánh mới được khởi công với chiều dài 507 m và dự kiến hoàn thiện sau 150 ngày thi công. Nhưng đến nay vẫn còn 57 m mặt đường, đoạn kết nối với quốc lộ 14 chưa được thi công. Nguyên nhân là do khâu giải tỏa đền bù chưa hoàn thành. Cũng trên địa bàn phường Tân Bình, cuối năm 2015 triển khai làm đường 30, dài 1.418 m, mặt đường rộng 12 m, thảm bê-tông nhựa nóng, vỉa hè mỗi bên 8 m. Dự án phải giải tỏa, đền bù cho 148 hộ dân, song đến nay có hơn 40 hộ dân chưa thống nhất phương án đền bù nên chưa bàn giao mặt bằng. Do đó, nhà thầu đã thi công "nhảy cóc" một số đoạn với chiều dài khoảng 100 m. Ðầu năm 2016, do không có thêm mặt bằng, đơn vị thi công rút hết công nhân và thiết bị.

Ðường Trần Hưng Ðạo nối dài đoạn từ đường Lê Duẩn đến đường Hai Bà Trưng (thuộc địa phận phường Tân Phú) được khởi công tháng 5-2016. Tuyến đường chỉ dài 1.171 m nhưng đến nay mới thi công được khoảng 10% khối lượng công việc. 100% mặt bằng đoạn từ đường Lê Duẩn đến đường Trần Phú chưa được giải phóng; chưa thống nhất được phương án di dời khiến cho gần 300 hộ dân bị ảnh hưởng.

Bà Trần Thị Kim Phúc ở tổ 1, khu phố Phú Thịnh, phường Tân Phú nói: "Việc triển khai xây dựng đường Trần Hưng Ðạo nối dài nhằm góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng của thành phố, tôi hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, phương án tái định cư và đền bù phải tính toán làm sao có lợi cho dân. Bà Lê Thị Sát ở tổ 3, khu phố Phú Lộc cho biết: Theo thiết kế, nhà của tôi bị ảnh hưởng khoảng 1.000 m2. Nhà nước thu hồi đất làm đường, tôi hoàn toàn đồng ý. Tuy nhiên, thu hồi thêm một phần đất của tôi để cấp cho đơn vị làm đường bán thu hồi vốn, thì tôi không đồng ý. Riêng bà Nguyễn Thị Bông ở khu phố Phú Lộc, phường Tân Phú cho biết: Gia đình tôi có bảy thửa đất chia cho sáu chị em ở và một phần đất là nhà thờ. Chúng tôi ở đây từ năm 1978, nếu giải tỏa phải chuyển khỏi mảnh đất đã gắn bó từ lâu tôi không đồng tình. Ðề nghị đơn vị thực hiện dự án phải xem xét phương án tái định cư tại chỗ cho những người đã gắn bó lâu dài với mảnh đất này.

Dự án lớn nhất và cũng quy hoạch treo lâu nhất là Khu đô thị mới - công viên trung tâm thành phố Ðồng Xoài nằm trên địa bàn phường Tân Bình. Dự án được quy hoạch từ hơn chục năm nay và nhiều lần thay đổi quy hoạch, thiết kế nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Mới đây, UBND tỉnh Bình Phước đã công bố quy hoạch chi tiết dự án lên đến 56 ha, trong đó có hơn 1.000 thửa đất tương đương hơn 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Ngoài ra, nhiều dự án triển khai từ năm 1997 như: sân vận động tỉnh, trường cao đẳng sư phạm… đã hoàn thành từ lâu nhưng đến nay một số hộ dân vẫn khiếu kiện kéo dài liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và đền bù cho nhân dân chưa thỏa đáng. Riêng tại phường Tân Bình hiện có 17 hộ dân khiếu kiện kéo dài nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Một trong những điểm tắc nghẽn về phát triển hạ tầng khác là từ đầu năm 2017 đến nay, nhất là khi thông tin thị xã chuẩn bị lên thành phố vào năm 2018, đi đến đâu, ở xã, phường nào cũng thấy các khu phân lô bán nền. Theo báo cáo của đoàn thanh tra tỉnh Bình Phước, trong giai đoạn 2015-2017, toàn thành phố Ðồng Xoài có 42 trường hợp được phép hiến đất làm đường. Tổng diện tích các khu phân lô này khoảng 50 ha, với hàng nghìn lô đất ở. Hầu hết các quyết định cho phép hiến đất làm đường đều ký từ ngày 30-6-2017 trở về trước. Qua kiểm tra của ngành chức năng thị xã, hầu hết hạ tầng kỹ thuật trong các khu phân lô tự phát không được đầu tư đầy đủ. Ðường làm tạm bợ, nhanh xuống cấp; không có hệ thống cấp nước, thoát nước, vỉa hè, cây xanh. Mặt khác, các khu phân lô tự phát thường độc lập, không có sự kết nối với đường giao thông lớn hoặc kết nối với các khu quy hoạch, đường quy hoạch, tạo hiện trạng đô thị manh mún, nhỏ lẻ, phá vỡ quy hoạch chung về phát triển đô thị. Nghiêm trọng hơn là về lâu dài các khu dân cư tự phát này sẽ là các khu "ổ chuột" giữa lòng đô thị. Mặc dù được thanh tra toàn diện nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm vì hầu hết các dự án phân lô bán nền đã được cấp sổ đỏ và chủ đầu tư cũng chuyển nhượng xong.

Mặc dù là thành phố vùng trung du nhưng Ðồng Xoài vẫn xảy ra ngập cục bộ khi mưa lớn. Theo các cơ quan chức năng thì nguyên nhân chủ yếu là việc quy hoạch, xây dựng thiếu đồng bộ và thiếu tầm nhìn chiến lược. Mặt khác, do công tác quản lý yếu kém dẫn đến người dân lấn suối để xây dựng các công trình dẫn đến tắc nghẽn dòng chảy gây ngập cục bộ khi mưa lớn kéo dài ở một số vị trí, nhất là đoạn ngã ba Hùng Vương (tiếp giáp phường Tân Thiện với phường Tân Bình), quốc lộ 14 đoạn qua phường Tân Phú.

Hiện, TP Ðồng Xoài đang thực hiện nhiệm vụ bồi thường, GPMB 32 dự án, trong đó có các dự án trọng điểm: Khu đô thị mới - công viên trung tâm TP Ðồng Xoài; đường tránh nội ô thành phố; kè và làm đường dọc hệ thống suối nội ô; đường Trường Chinh nối dài… Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Dương Hoành Anh Tuấn cho biết: Hiện tỉnh đang triển khai 16 dự án với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng trên địa bàn TP Ðồng Xoài, trong đó có chín dự án vướng mắc GPMB. Ðể tháo gỡ, cần thay đổi cơ chế GPMB, trong đó cần bổ sung ban quản lý dự án của tỉnh tham gia vào hội đồng bồi thường GPMB những dự án tỉnh đầu tư để cùng giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Chủ tịch UBND thành phố Ðồng Xoài Nguyễn Minh Bình cho biết: Thành phố đang thực hiện nhiều dự án phải GPMB và nhiều hộ dân bị ảnh hưởng. Ðể các dự án hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm quyền lợi cho người dân, thành phố đã kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương giao một số khu đất công để xây dựng khu tái định cư rộng khoảng 6,2 ha tại phường Tiến Thành. Ðồng thời, giao một số khu đất công để thành phố bán đấu giá lấy kinh phí GPMB một số tuyến đường. Song song đó, thành phố đang xin ý kiến xây dựng nghị quyết chuyên đề phát triển Ðồng Xoài giai đoạn 2020 - 2030 và tầm nhìn 2045 để khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Ðồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước cho biết: Hiện Ðồng Xoài có hơn 300 ha đất công, đây là nguồn lực để thành phố phát triển hạ tầng, nhất là giao thông. Do đó, Ðồng Xoài cần quyết liệt hơn, có những bước chuẩn bị từ cuối quý III năm trước để tạo nguồn lực ngân sách cho năm sau. Trong GPMB phải tạo điều kiện tương đương hoặc tốt hơn hiện tại cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Ðồng thời còn phải quy hoạch lại toàn bộ thành phố theo hướng hiện đại, đồng bộ xứng tầm thành phố trẻ, năng động.