Giúp dân giảm nghèo bền vững

NDO -

NDĐT - Dự án khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo sử dụng khoảng một nghìn ha đất, hàng trăm hộ dân nhường đất cho dự án để chuyển đến chỗ ở mới trên địa bàn huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đến nay có cuộc sống ổn định, ngày càng được cải thiện. Đạt được kết quả đó là do cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp tạo sinh kế lâu dài cho người dân.

Tất cả lao động làm việc tại các nhà máy phụ trợ của Dự án Núi Pháo đều là người địa phương.
Tất cả lao động làm việc tại các nhà máy phụ trợ của Dự án Núi Pháo đều là người địa phương.

Cũng như nhiều gia đình khác, gia đình ông Phạm Quốc Ước, ở xóm Khu 3, xã Phục Linh di chuyển chỗ ở để nhường đất cho Dự án Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo (Dự án Núi Pháo) mấy năm trước. Đến nơi ở mới tại khu tái định cư xóm Khu 3 với hạ tầng đồng bộ, ông Ước và các gia đình được cấp đất ở, đất trồng chè, đào tạo nghề trồng và chế biến chè, lao động trong độ tuổi được tạo việc làm lâu dài, đến nay cuộc sống đã ổn định, ngày càng được cải thiện.

Ông Ước cho biết: “Xóm Khu 3 có 28 hộ, lao động trẻ được tuyển dụng làm việc trong các nhà máy của Dự án Núi Pháo; xóm được hỗ trợ thành lập tổ hợp tác trồng chè, các thành viên được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc đúng cách, hái đúng thời gian cách ly, hướng dẫn ghi chép nhật ký nông hộ, đi tham quan học tập mô hình, được hỗ trợ thiết bị tưới chè tiết kiệm nên năng suất chè tăng hơn 20%, chè được sản xuất theo quy trình sạch nên giá trị tăng lên từ 20 đến 25% so với sản xuất truyền thống. Qua đó, góp phần tích cực cải thiện đời sống người dân, xóm Khu 3 không còn hộ nghèo”.

Đến nay, tại các khu tái định cư Dự án Núi Pháo thuộc các xã Hà Thượng, Tân Linh, Phục Linh, thị trấn Hùng Sơn, chính quyền địa phương và Công ty Núi Pháo đã hỗ trợ thành lập 13 tổ hợp tác sản xuất chè an toàn với gần 400 hộ dân, diện tích hơn 85 ha chè được sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau khi thành lập, Công ty Núi Pháo hỗ trợ các tổ hợp tác mua sắm phương tiện chế biến, thiết bị tưới nước tiết kiệm với số tiền gần 600 triệu đồng, cử cán bộ kỹ thuật cùng với cán bộ khuyến nông địa phương hướng dẫn người dân trồng, chế biến chè theo quy trình sạch, chuyên nghiệp để tăng năng suất, chất lượng.

Công ty Núi Pháo đã cấp chín tỷ đồng, ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đại Từ cho gần 300 hộ nghèo tại các khu tái định cư vay, bình quân mỗi hộ được vay 30 triệu đồng để làm vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi.

Khi Dự án Núi Pháo đi vào hoạt động, chủ đầu tư chú trọng tuyển dụng và đào tạo lao động là người địa phương làm việc. Đến nay có 79% lao động là người địa phương, trong đó có 49% lao động trong các nhà máy là người dân nhường đất cho dự án. Công ty Núi Pháo yêu cầu các cơ sở sản xuất trang, thiết bị phụ trợ cho dự án như Công ty Bao bì Anh Dương, Cơ sở sản xuất giá đỡ hàng, Cơ sở may đồng phục Khánh Hiền, HTX dịch vụ vận tải Bình An, Tổ dịch vụ ăn uống sử dụng 100% lao động là người địa phương nhằm tạo công ăn việc làm lâu dài, mức thu nhập bình quân từ 5,5 đến 6,5 triệu đồng/người/tháng. Tính đến nay, có hai nghìn người làm việc trực tiếp và gián tiếp, trong đó có khoảng một nghìn người liên quan đến Dự án Núi Pháo được giải quyết việc làm tại mỏ khai thác, nhà máy chế biến khoáng sản và các nhà máy phụ trợ.

Bình quân mỗi năm, Công ty Núi Pháo dành một triệu USD cho các hoạt động an sinh xã hội tại tỉnh Thái Nguyên; dành khoảng năm tỷ đồng cho các hoạt động giúp đỡ người nghèo, tạo sinh kế bền vững cho người dân như khuyến nông, khuyến lâm, xây dựng hạ tầng trên địa bàn huyện Đại Từ.

Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đại Từ Nguyễn Đình Sáng chia sẻ: Những năm qua, Công ty Núi Pháo phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với các cơ quan, tổ chức trên địa bàn huyện để triển khai các hoạt động tạo sinh kế, an sinh xã hội ở địa phương. Ở các khu tái định cư Dự án Núi Pháo, lao động trong độ tuổi đã được giải quyết việc làm ổn định, tạo sinh kế bền vững nên không còn hộ nghèo.