Giữ vững lá cờ đầu trong đào tạo đại học ngoài công lập ở miền trung - Tây Nguyên

Được thành lập từ cuối năm 1994, Trường đại học Duy Tân (Đà Nẵng) là trường đại học tư thục đầu tiên ở miền trung - Tây Nguyên. Với những bước đi vững chắc, hiệu quả, Trường đại học Duy Tân nhanh chóng phát triển, trở thành một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho các địa phương, và là trường đại học ngoài công lập lớn nhất ở miền trung - Tây Nguyên.

Cơ sở chính của Trường đại học Duy Tân trên đường Nguyễn Văn Linh (TP Đà Nẵng).
Cơ sở chính của Trường đại học Duy Tân trên đường Nguyễn Văn Linh (TP Đà Nẵng).

Căn cứ Quyết định số 1704/QĐ-TTg ngày 02-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi loại hình của Trường đại học Duy Tân (DTU) từ trường dân lập sang loại hình trường tư thục, nhà trường đã nhanh chóng tổ chức lại hoạt động theo đúng quy định. Đến nay, đội ngũ cán bộ giảng viên của DTU có 992 người, trong đó 739 giảng viên và 253 cán bộ, nhân viên, với đầy đủ các cơ quan chức năng như Hội đồng Quản trị, Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Hội đồng Tư vấn, Ban Giám hiệu, Hội đồng KH&ĐT, ba viện nghiên cứu, 18 Hội đồng Khoa và Khoa, 17 trung tâm nghiên cứu ứng dụng và 12 phòng.

Hiện nay, DTU tổ chức đào tạo hai chuyên ngành trình độ tiến sĩ, bốn chuyên ngành thạc sĩ; 20 ngành trình độ đại học; trong đó có 10 chuyên ngành hợp tác quốc tế về đào tạo với ba trường đại học uy tín tại Mỹ là: Carnegie Mellon University (CMU); Pennsylvania State University (PSU) và Fullerton Auxiliary Services Corporation Fullerton, California (CSU); 11 ngành cao đẳng; 11 ngành hệ đào tạo liên thông với 16 chuyên ngành từ trung cấp lên cao đẳng, trung cấp lên đại học và cao đẳng lên đại học; đào tạo bảy chuyên ngành hệ văn bằng thứ hai; sáu ngành hệ đào tạo từ xa; ba ngành hệ nghề… với quy mô 16.954 sinh viên. Trường đã tuyển sinh được ba khóa tiến sĩ với 27 nghiên cứu sinh; 13 khóa thạc sĩ với 1.411 học viên; 21 khóa đại học, cao đẳng cho 68.613 sinh viên, năm khóa cao đẳng nghề cho 1.320 sinh viên và 12 khóa TCCN với 12.400 học sinh. Đến nay, nhà trường đã cung cấp cho thị trường lao động hơn 341 thạc sĩ; 37.102 kỹ sư, kiến trúc sư, cử nhân; 264 học viên cao đẳng nghề và hơn 7.000 học sinh tốt nghiệp hệ trung cấp.

Từ năm 2009, công tác nghiên cứu khoa học của trường được nâng lên đáng kể. Đến nay, đội ngũ cán bộ, giảng viên, chuyên viên của trường đã tích cực tham gia thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học, bao gồm bốn đề tài cấp bộ, tám đề tài cấp tỉnh, thành phố; 18 đề tài Nafosted và hai đề tài do các tổ chức tài chính quốc tế hỗ trợ. Công bố 183 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín, có chỉ số ISI. Bên cạnh đó, để phục vụ công tác đào tạo trực tiếp và đáp ứng nhu cầu của xã hội, giảng viên và sinh viên nhà trường đã thực hiện 570 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường. Các công trình NCKH của sinh viên nhà trường đoạt 19 giải thưởng quốc tế như: Vô địch cuộc thi CDIO thế giới tại Trường đại học Harvard (Mỹ); Vô địch cuộc thi thiết kế Nhà chống động đất tại Đài Loan (Trung Quốc)…; 205 giải trong nước bao gồm Giải nhất Loa thành trong lĩnh vực kiến trúc - xây dựng; Giải nhất Olympic Toán, CNTT; Giải ba cuộc thi Robocon Việt Nam.

Với phương châm “Đứng trên đôi vai của những người khổng lồ”, những năm gần đây, DTU chủ trương nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội và doanh nghiệp bằng việc hợp tác liên kết với các trường đại học tiên tiến trên thế giới. Đến nay, DTU đã thực hiện chương trình hợp tác chuyển giao công nghệ đào tạo, hợp tác NCKH, trao đổi sinh viên, giảng viên và liên kết đào tạo với các trường đại học của Mỹ, Vương quốc Anh, Ô-xtrây-li-a, Ấn Độ, Xin-ga-po, Thái-lan… có thế mạnh đào tạo các ngành như Quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính, ngân hàng và du lịch, công nghệ phần mềm, hệ thống thông tin, mạng máy tính, xây dựng; kiến trúc. DTU cũng là trường đại học Việt Nam đầu tiên tham gia mạng lưới kết nối các trường đại học ở khu vực châu Á (Passage to Asian), nhằm tạo điều kiện cho sinh viên trao đổi, học hỏi, giao lưu.

Thành công vượt bậc của DTU có sự đóng góp chung của toàn thể đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường, nhưng trước hết là ý tưởng, nhiệt huyết và nỗ lực quên mình của Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ. Sinh ra trong một gia đình cách mạng ở thôn Ái Mỹ, xã Điện Thọ (huyện Điện Bàn, Quảng Nam), mới 13 tuổi, ông tham gia chiến đấu trong lòng địch với nhiệm vụ giao liên, trinh sát, rồi được Đảng bộ huyện Điện Bàn đưa vào Sài Gòn tiếp tục hoạt động. “Muốn làm Cách mạng phải học thật giỏi”, lời dặn dò của đồng chí Nguyễn Vĩnh Nghiệp, người chỉ huy trực tiếp của ông, sau này trở thành Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, theo ông đi suốt cuộc đời. Trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, ông hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên miền nam, hết Sài Gòn, Long An lại ra Huế, Đà Nẵng. Trong vòng ba năm, từ 1960 đến 1963, ông móc nối xây dựng cơ sở cách mạng và tổ chức Đại hội thành lập Hội Liên hiệp sinh viên, học sinh giải phóng khu Trung Trung Bộ (từ Quảng Trị đến Phú Yên) và ông được cử làm Chủ tịch; tổ chức xuất bản tờ báo Hướng Sống để tuyên truyền đường lối cách mạng miền nam, gây tiếng vang sâu rộng trong phong trào học sinh - sinh viên tại Đà Nẵng, Huế và các tỉnh Trung Bộ. Tiếp đó là tham gia vận động thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Trung Trung Bộ, trở thành Ủy viên Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng Trung Trung Bộ, trở thành nòng cốt xây dựng phong trào cách mạng trong học sinh, sinh viên, nhân sĩ trí thức ở Huế cho đến ngày giải phóng.

Những năm đầu sau giải phóng, ông giữ nhiều trọng trách ở các cơ quan, đơn vị của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, nhưng, dường như công tác giáo dục vẫn luôn thôi thúc. Tâm nguyện xây dựng một trường đại học tư thục ở miền trung, để lớp thanh niên có thêm cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học bùng lên từ ngọn lửa đổi mới, từ chủ trương “xã hội hóa giáo dục” mà Đảng và Nhà nước khởi xướng và lãnh đạo. Năm 1992, ông cùng một số nhà giáo tâm huyết lập ra Ban vận động thành lập trường đại học tư thục đầu tiên ở miền trung (nay là Trường đại học Duy Tân). Để có vốn xây dựng cơ sở vật chất ban đầu, ông đem nhà riêng thế chấp ngân hàng, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, trong bối cảnh nền kinh tế và chính trị đất nước đầu những năm 1990 còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Từng bước, Trường đại học Duy Tân tuyển sinh, đào tạo hết khóa này đến khóa khác, chất lượng nâng dần lên, đáp ứng nhu cầu học tập, tìm kiếm nguồn nhân lực của xã hội. Nhờ thường xuyên được cử đi tập huấn tại các nước phát triển, giảng viên Trường đại học Duy Tân được tiếp cận với chương trình đào tạo, các hướng nghiên cứu và công nghệ đào tạo hiện đại, để từ đó có kiến thức và phương pháp giảng dạy mới, tiệm cận với nền giáo dục các nước phát triển, giúp sinh viên ra trường dễ tiếp cận môi trường làm việc.

Là một đảng viên lâu năm, được kết nạp Đảng trong chiến tranh, xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển Trường đại học Duy Tân, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ luôn đặt công tác xây dựng Đảng là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định sự đúng đắn và thành công của trường. Ban đầu, chi bộ của trường chỉ có ba đảng viên, nay đã trở thành một Đảng bộ mạnh với 150 đảng viên. Với tư cách Bí thư Đảng bộ, ông luôn chú tâm xây dựng các tổ chức đoàn thể trong nhà trường, góp phần quan trọng đưa Đảng bộ nhà trường nhiều năm liền được công nhận “Đảng bộ trong sạch vững mạnh xuất sắc”, Công đoàn và Đoàn Thanh niên luôn được đánh giá vững mạnh xuất sắc.

Với năm định hướng chiến lược đón đầu sự phát triển của xã hội là: “Anh ngữ hóa, Tin học hóa, Chuyên nghiệp hóa, Quốc tế hóa, Trẻ hóa”, ông cùng đội ngũ cán bộ, giảng viên đã đưa Trường đại học Duy Tân từ một trường tư thục nhỏ bé ở miền trung trở thành một trong ít trường đại học ngoài công lập có uy tín, được đánh giá cao trong và ngoài nước. Kiên trì với phương châm “Tất cả vì quyền lợi học tập và việc làm của sinh viên, gắn với đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ giảng viên, cán bộ và nhân viên”, nhà trường đã xác lập mô hình đào tạo gắn liền với nghiên cứu, trên nền nhân văn hiện đại, tiên tiến, hướng tới tương lai. Là người tâm huyết với công tác giáo dục hiện đại, ông chú trọng phương pháp đào tạo lấy thực hành làm trọng tâm, giúp sinh viên ra trường có tính cạnh tranh cao trên thị trường lao động.

Với những thành tích đã đạt được, từ khi thành lập đến nay, Trường đại học Duy Tân đã vinh dự được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo và Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khen tặng nhiều phần thưởng cao quý. Nhân kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng, 22 năm Ngày thành lập, Trường đại học Duy Tân vinh dự đón nhận phần thưởng cao quý Cờ thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ; Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Sự ghi nhận, khen thưởng của Đảng, Nhà nước chính là hành trang mới, tiếp thêm sức mạnh, ý chí, niềm tin để tập thể cán bộ, giáo viên, sinh viên Trường đại học Duy Tân tiếp tục thực hiện thành công sự nghiệp trồng người, giữ vững ngọn cờ đầu trong hệ thống các trường đại học tư thục, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho miền trung và cả nước, từng bước tiếp cận nền giáo dục hiện đại của các nước phát triển, góp phần vào tiến trình hội nhập và phát triển của đất nước.