Giai đoạn 2026-2030: Khoảng 90% người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế

NDO -

Đến giai đoạn 2026-2030, nâng tỷ lệ lên khoảng 90% người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau hằng năm. 

Bạn Vũ Thị Quyên, một cô gái Hà Nội, vượt qua rào cản của căn bệnh xương thủy tinh và chạm tới ước mơ về một cuộc sống tươi đẹp (Ảnh minh họa) (NguồnUNFPA Việt Nam/Nguyễn Minh Đức).
Bạn Vũ Thị Quyên, một cô gái Hà Nội, vượt qua rào cản của căn bệnh xương thủy tinh và chạm tới ước mơ về một cuộc sống tươi đẹp (Ảnh minh họa) (NguồnUNFPA Việt Nam/Nguyễn Minh Đức).

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 5-8-2020 phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030.

Mục tiêu chung của Chương trình trợ giúp người khuyết tật (NKT) giai đoạn 2021-2030 (sau đây gọi tắt là chương trình) nhằm thúc đẩy thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT và Luật Người khuyết tật nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của họ.

Cùng với đó, tạo điều kiện để NKT tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội; xây dựng môi trường không rào cản bảo đảm quyền lợi hợp pháp của NKT và hỗ trợ họ phát huy khả năng của mình.

Chương trình đề ra mục tiêu cụ thể cho hai giai đoạn.

Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, hằng năm, khoảng 80% NKT tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau.

70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật. Khoảng 50.000 trẻ em và NKT được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp. 80% trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục.

200.000 NKT có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm. Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất thiết bị cho sáu cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt để đào tạo nghề nghiệp cho NKT tại sáu vùng trong cả nước và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề cho NKT. 90% NKT có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.

Đến giai đoạn 2026-2030, tỷ lệ này sẽ tăng lên khoảng 90% NKT tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau hằng năm.

80% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật. Khoảng 70.000 trẻ em và NKT được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp. 90% trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục.

300.000 NKT có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất thiết bị cho sáu cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt để đào tạo nghề nghiệp cho NKT tại sáu vùng trong cả nước và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề cho NKT. 100% NKT có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.

Đề án tập trung vào các hoạt động hỗ trợ ở nhiều lĩnh vực như: y tế, giáo dục, pháp luật; giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế; phòng, chống dịch bệnh và giảm nhẹ thiên tai; tiếp cận công trình xây dựng và tham gia giao thông; trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.

Cùng với đó, đề án cũng tập trung hỗ trợ pháp lý; NKT trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; phụ nữ khuyết tật; giúp NKT sống độc lập và hòa nhập cộng đồng; nâng cao nhận thức, năng lực chăm sóc, hỗ trợ NKT…

Với các giải pháp thực hiện, cần rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Người khuyết tật, các luật liên quan và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trợ giúp NKT trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch, tiếp cận công trình công cộng, giao thông, trợ giúp pháp lý - công nghệ thông tin và truyền thông.

Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp NKT, huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia trợ giúp NKT.

Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm và nguồn lực để trợ giúp cho NKT.

Kinh phí thực hiện Chương trình gồm Ngân sách nhà nước được bố trí từ dự toán chi thường xuyên hằng năm của các bộ, ngành cơ quan trung ương và các địa phương; các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án liên quan khác để thực hiện các hoạt động của chương trình này theo phân cấp của pháp luật về ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, có đóng góp, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình. Sơ kết thực hiện Chương trình sẽ thực hiện vào năm 2025 và tổng kết vào cuối năm 2030.