Ghi từ vùng lũ dữ

Trong ba ngày qua, nhiều vùng dân cư của các tỉnh miền trung ngập trong nước lũ. Cùng với sự giúp sức của chính quyền và lực lượng quân đội, công an, người dân nơi đây vừa chống chọi với lũ, vừa bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản...

Nhiều nhà dân tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) bị ngập sâu đến gần tận nóc nhà.
Nhiều nhà dân tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) bị ngập sâu đến gần tận nóc nhà.

Ổn định cuộc sống người dân

Sáng 9-10, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ðà Nẵng Nguyễn Văn Quảng và Phó Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng Hồ Kỳ Minh  trực tiếp kiểm tra tình hình khắc phục ngập lụt, sạt lở đất tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang và một số điểm trên địa bàn Hòa Vang. Lãnh đạo TP Ðà Nẵng trực tiếp động viên người dân trong khu vực ngập lụt lớn tại thôn Trung Sơn. Mưa vẫn rất lớn và nước rút chậm. Ðồng chí Nguyễn Văn Quảng yêu cầu căng dây, lập rào chắn tại các đoạn đường bị ngập, nước chảy xiết và cử người túc trực để chốt chặn, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; tiếp nhận kiến nghị của người dân thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên. Mưa lũ gây ngập 8 trong tổng số 11 xã của huyện Hòa Vang, trong đó, tại các xã Hòa Liên, Hòa Bắc, nhiều khu vực nước dâng cao, cô lập người dân, hơn 42,4 ha hoa màu bị ngập úng. Toàn huyện Hòa Vang di dời, sơ tán 203 hộ dân với 731 người.

Trưa ngày 9-10, tại điểm sạt lở trên đường ÐT 601, đoạn giao nhau giữa dự án đường cao tốc Hồ Chí Minh tuyến La Sơn - Túy Loan, chính quyền xã đã điều động nhân lực và xe khơi thông, đào rãnh và khắc phục sạt lở, nhưng lượng mưa rất lớn khiến các khu vực này tiếp tục sạt lở. Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, Ngô Thành Tâm cho biết: Các điểm ngập nặng ở thôn Trung Sơn đã được khơi thông và hiện nước đã rút. Riêng tại các điểm sạt lở tại các tuyến đường ÐT 601, ADB5, dù đã được khắc phục tạm nhưng mưa tiếp tục kéo dài khiến nguy cơ sạt lở rất cao. 

Tại khu vực đập tràn thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, chiều ngày 9-10, nước dâng cao tràn qua đập trên 70 cm, cô lập toàn bộ 65 hộ dân thôn Lộc Mỹ. Bà Lê Thị Thân chia sẻ, người dân đã quen với những trận lũ cho nên đã chuẩn bị ứng phó, hạn chế thiệt hại về người nhưng thiệt hại về rau màu thì rất nặng nề. Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, Thái Văn Hoài Nam cho biết, trong hai ngày qua, thôn Lộc Mỹ bị cô lập hoàn toàn, mất điện trên diện rộng, đến sáng sớm ngày 9-10, nước rút và ngành điện lực đã khắc phục sự cố điện, đấu nối điện cho người dân, nhưng do mưa lớn cho nên 65 hộ dân thôn Lộc Mỹ tiếp tục bị cô lập. 

Thừa Thiên Huế dồn sức di chuyển dân

Tại xã Trung Sơn, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) do mưa lớn, nước suối dâng cao, xã có tám người dân đang mắc kẹt trong rừng. Các lực lượng chức năng địa phương cho biết, có bốn người vẫn đang trong tình trạng sức khỏe tốt, trú ẩn an toàn và có mang theo lương thực. Chủ tịch UBND huyện A Lưới, Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, huyện đang cố gắng liên lạc với bốn trường hợp còn lại.

Tại các xã đầu nguồn sông Ô Lâu, sông Bồ trên địa bàn huyện Phong Ðiền, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã, quốc lộ 49B, các tuyến tỉnh lộ 4, 6, 11A, 11B, 17 bị ngập toàn tuyến, nhiều khu vực bị chia cắt hoàn toàn. Hơn 4.300 ngôi nhà ngập trong nước từ 0,3 đến 1,8 m. Trên địa bàn huyện có sáu người bị thương. Các trường hợp bị thương đang điều trị tại Bệnh viện T.Ư Huế cơ sở 2. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai (PCTT)  huyện Phong Ðiền cho biết, sáng 9-10, huyện đã tiếp tục huy động thêm nhiều thuyền, ca-nô cùng các lực lượng công an, quân đội, tìm kiếm một người mất tích tại hồ Bàu Sen, thôn Khánh Mỹ, thị trấn Phong Ðiền, nhưng đến 17 giờ ngày 9-10 vẫn chưa tìm thấy. Ðồng chí Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện cho biết, đến nay, ở Phong Ðiền có khoảng 1.900 nhà dân, tập trung các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Thu... bị ngập lụt với mức nước ngập từ 0,3 m đến 1,8 m. Huyện đã di dời hơn 1.000 hộ dân với hơn 2.600 nhân khẩu, trong đó di dời tập trung là 54 hộ dân và sơ tán tại chỗ là 977 hộ ở vùng ngập cao, gần sông suối, núi đến nơi an toàn. Huyện đã dự phòng gần 6 tấn gạo, hơn 400 thùng mì tôm. Các xã cũng đã tích trữ hơn 30 tấn gạo, hơn 1.700 thùng mì tôm và các nhu yếu phẩm, vật dụng.

Theo Ban Chỉ huy PCTT huyện Quảng Ðiền (Thừa Thiên Huế), tính đến 18 giờ ngày 9-10, toàn huyện có  hơn 2.470 ngôi nhà bị ngập với độ sâu từ 0,2 đến 0,5 m, một ngôi nhà bị sập. Ðến chiều tối cùng ngày, các địa phương trong tỉnh đã di dời, sơ tán 442 hộ với 1.146 người. 

Sáng cùng ngày, Sở Giáo dục và Ðào tạo Thừa Thiên Huế đã gửi công văn đến các trường yêu cầu tiếp tục cho học sinh nghỉ học đến hết tuần. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân tập trung học sinh để dạy thêm, học thêm hoặc tổ chức các hình thức hoạt động khi chưa có ý kiến của ngành giáo dục. Duy trì lực lượng, phương tiện và phân công lãnh đạo tự vệ cơ quan tổ chức ứng trực suốt 24 giờ trong ngày tại các đơn vị, trường học.

Chiều 9-10, đồng chí Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra công tác phòng, chống lũ và trực tiếp đến một số điểm xung yếu trên địa bàn các huyện, thị xã: Quảng Ðiền, Phong Ðiền, Hương Trà. Tại các điểm kiểm tra, đồng chí yêu cầu lực lượng chức năng cần cắt cử cán bộ trực tại các điểm xung yếu, đồng thời, tổ chức di dời ngay các hộ còn ở trong vùng ngập lụt đến vùng cao.

Quảng Bình vượt lũ an toàn

Ðể đến được trung tâm huyện Lệ Thủy, từ TP Ðồng Hới, chúng tôi phải vòng qua tuyến đường tránh lũ trên cát, từ đó đi xuồng đến vùng ngập lũ. Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, Lê Văn Sơn cho biết, nhiều năm rồi Lệ Thủy mới xảy ra trận lũ lớn như vậy. Hiện toàn huyện có hơn 8.000 ngôi nhà ven suối ở ba xã miền núi Lâm Thủy, Kim Thủy và Ngân Thủy; ở nhiều xã ven sông Kiến Giang ngập sâu. Về “rốn lũ” Vinh Quang ở xã Sơn Thủy, chúng tôi chứng kiến cảnh người dân di dời lên nhà văn hóa thôn được xây dựng trên nền đất cao. Nhà cửa người dân tuy ngập sâu nhưng tài sản phần lớn được kê kích, buộc chặt cho nên ít hư hại. Ông Trần Văn Minh, ở thôn Vinh Quang cho biết: Trước đây, hễ có lũ lớn là người dân thường phải kêu cứu nhưng nay, bà con đã biết “sống chung với lũ”. Ðiều cần ghi nhận là ở huyện vùng trũng Lệ Thủy, dù nước lũ ngập khá sâu nhưng điện sinh hoạt và nước sạch vẫn được cung cấp đầy đủ.

Cũng giống Lệ Thủy, huyện Quảng Ninh cũng thường xuyên bị lũ lụt hằng năm cho nên người dân khá chủ động trong đối phó. Dù toàn huyện có 4.338 ngôi nhà tại 13 xã, thị trấn bị ngập lụt nhưng không có thiệt hại lớn nào liên quan đến tính mạng và tài sản. Ðiện sáng vẫn được cấp an toàn. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các lực lượng chức năng bám địa bàn hỗ trợ người dân sơ tán. Huyện Lệ Thủy đã di dời khẩn cấp 236 người, Tuyên Hóa di dời 515 người, Quảng Ninh 95 người. Các đơn vị vũ trang luôn là lực lượng chủ công, đi đầu. Ðại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Quảng Bình chia sẻ, mưa lũ cũng làm ảnh hưởng đến từng gia đình cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nhưng cán bộ, chiến sĩ BÐBP trên tuyến biên giới Quảng Bình sẵn sàng sát cánh cùng chính quyền, địa phương và nhân dân. Trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, mưa lũ chia cắt, cô lập 35 bản, làng của đồng bào dân tộc thiểu số. BÐBP Quảng Bình đã cử lực lượng bám địa bàn, tổ chức đặt biển cảnh báo khu vực nguy hiểm. Ðường vào vùng đồng bào Rục bị ngập cả mét nước, Ðồn Biên phòng Cà Xèng cử cán bộ, chiến sĩ và ca-nô phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các tổ ứng trực tại các khu vực trọng điểm. Trong hai ngày qua, BÐBP Quảng Bình đã cứu nạn thành công hai tàu cá của ngư dân bị đứt dây neo, trôi ra cửa biển Nhật Lệ.

Quảng Trị gượng dậy sau lũ

Từ ngày 5 đến 9-10, cơ quan Khí tượng - Thủy văn Quảng Trị đo được lượng mưa tại Hướng Linh 1.335 mm, Ðakrông 1.163 mm, Vĩnh Ô  1.152 mm,  Nam Thạch Hãn 1.065 mm… nhấn chìm nhiều khu dân cư thuộc các huyện, thị trong tỉnh Quảng Trị. Quảng Trị đã di dời, sơ tán hơn 4.500 hộ dân đến các khu vực an toàn. Chiều 9-10, nước trên các sông lớn bắt đầu rút.   

Những nơi nước lũ rút đi, nỗi đau để lại trong mỗi ánh mắt của người dân. Bà Nguyễn Thị Khoan, 89 tuổi ở thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ cho biết, đợt lũ này về đột ngột và lớn nhất trong khoảng mấy chục năm nay tàn phá cả trang trại lợn của gia đình. Các tuyến đường liên xã A Bung - A Ngo, Hướng Linh - Hướng Tân; Hướng Phùng - Hướng Sơn; đường nội thôn Gia Giã - Hướng Hiệp, Ly Tôn - Tà Long bị chia cắt, hư hỏng do ngập nước từ 1 đến 2 m. Tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh đông, quốc lộ 9 nhiều điểm sạt lở.

Ghi từ vùng lũ dữ -0
 Bộ đội giúp dọn dẹp vệ sinh trường học ở Quảng Trị sau khi lũ rút.

Ông Lê Quang Lam, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Quảng Trị cho biết, bão lũ đi qua, nỗi khổ người dân chồng chất hơn. Nhiều vốn liếng người dân dồn vào chăn nuôi giờ “đổ” theo sông, theo biển. Gia đình chị Phan Thị Liên ở thôn Ðại Áng, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong có đàn gà hàng nghìn con bị trôi theo dòng lũ. Thống kê bước đầu cho thấy toàn tỉnh có hơn 200 con trâu, bò; gần 33 nghìn con gà; 22 nghìn gia súc các loại bị nước cuốn trôi; hơn 730 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Ðồng cho biết, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, lực lượng, chính quyền địa phương cố gắng hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra. Các lực lượng BÐBP, quân sự, Công an tỉnh Quảng Trị phối hợp chính quyền địa phương huy động tối đa lực lượng, phương tiện ứng cứu, di dời người dân và tài sản, đồng thời tổ chức tìm kiếm cứu nạn.

Công tác cứu hộ các tàu bị chìm và tàu Vietship 01 mắc cạn ở Cửa Việt đến chiều 9-10 vẫn hết sức khó khăn  vì trời vẫn mưa rất to, gió lớn, sóng biển dữ dội. Ðại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng BÐBP tỉnh Quảng Trị cho biết, gần 3 giờ sáng 9-10, hai tàu của Hải quân Vùng 3 đã đến được Cảng Cửa Việt, nhưng do sóng to, gió lớn, chưa tiếp cận tàu Vietship 01. Trên tàu có 10 người đã ba ngày chưa được ăn uống và hai người mất tích. Trong sáng 9-10, lực lượng biên phòng Quảng Trị đã cứu hộ được 11 thuyền viên của các tàu khác gặp nạn. Các anh bị đuối sức phải sơ cứu, sưởi ấm, chăm sóc, hiện sức khỏe đã ổn định. Trưa 9-10, tất cả mọi phương án tiếp cận cứu hộ tàu Vietship 01 như: dùng trực thăng cứu hộ, dùng tàu cứu hộ tiếp cận đều không phát huy được tác dụng.

Ông Võ Văn Thụ, một chuyên gia chuyên cứu hộ tàu thuyền chìm, đề xuất phương án cứu hộ bằng cách cho thợ lặn tiếp cận tàu Vietship 01. Nhưng đến 15 giờ ngày 9-10, đội thợ lặn vẫn chưa tiếp cận được tàu Vietship 01. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Võ Văn Hưng cho biết, sẽ quyết tâm cứu hộ 10 thuyền viên trên tàu Vietship 01 và tìm kiếm hai người mất tích.

Vào cuối ngày 9-10, lực lượng cứu hộ của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị phối hợp ông Võ Văn Thụ ở thị trấn Gio Việt, huyện Gio Linh đã cứu hộ, đưa được hai thuyền viên trên tàu Vietship 01 vào bờ an toàn. Trước đó vào sáng 9-10, có hai người khỏe mạnh nhất của tàu đã nhảy xuống biển bơi vào bờ và được cứu hộ an toàn. Hiện trên tàu Vietship 01 còn tám thuyền viên. Sáng nay 10-10, công việc cứu hộ các thuyền viên còn lại sẽ tiếp tục.