Gần 116 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài

NDO -

NDĐT- Năm 2015, lĩnh vực xuất khẩu lao động ghi dấu ấn với gần 116 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam vượt con số hơn 100 nghìn người trong lĩnh vực việc làm ngoài nước.

Đào tạo điều dưỡng viên sang Nhật Bản làm việc.
Đào tạo điều dưỡng viên sang Nhật Bản làm việc.

Đài Loan, Nhật Bản vẫn chiếm ưu thế

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, số lao động đi làm việc ngoài nước năm nay đạt gần 116 nghìn người. Đây cũng là năm có số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài cao nhất, cũng là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam cán mốc hơn 100 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Theo thống kê, năm 2015, cả nước có 115.980 lao động đi làm việc ở nước ngoài (trong đó có 38.640 lao động nữ), vượt 122% so với kế hoạch năm.

Đại diện của Cục Quản lý lao động ngoài nước nhấn mạnh, Đài Loan và Nhật Bản vẫn là hai thị trường có tỷ trọng lớn nhất trong điểm đến của lao động Việt Nam.

Cụ thể, đã có 67.121 người, chiếm 57,87% tổng số lao động trong nước đi làm việc ở nước ngoài trong năm, chọn làm việc tại Đài Loan. Đây cũng là năm đầu tiên, Nhật Bản tiếp nhận hơn 27 nghìn lao động nước ta.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh nhận định, thị trường Nhật Bản phát triển nhanh trong hai năm qua. Nếu như năm 2013, số lao động nước ta sang làm việc tại thị trường này là 10 nghìn người, năm 2014 đã tăng lên 20 nghìn. Và năm 2015 đạt mức kỷ lục là số hơn 27 nghìn người.

Tuy nhiên, thị trường này cũng gặp những khó khăn. Đơn cử như chuyện khó tuyển nguồn lao động. Yêu cầu về chất lượng lao động sang thị trường Nhật Bản cao hơn. Nhiều nhà tuyển dụng phía bạn yêu cầu lao động phải tốt nghiệp trung học phổ thông, phải đang làm việc tại một doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong khi đó, nguồn nhân lực có nhu cầu đi xuất khẩu lao động chủ yếu ở khu vực nông thôn. Muốn đi sang Nhật Bản, họ phải được đào tạo khoảng sáu tháng về ngôn ngữ, kiến thức, tác phong sinh hoạt, làm việc… Đây cũng là một trong những khó khăn với người lao động. Tuyển được lao động đã khó, nhưng khi xuất cảnh, doanh nghiệp nước bạn vẫn phải đào tạo lại.

Ông Quỳnh cũng cảnh báo, có tình trạng một số doanh nghiệp dịch vụ tuyển lao động sang Nhật Bản nhưng không thể đưa họ sang làm việc. Cục Quản lý lao động ngoài nước đã xử lý hai doanh nghiệp vi phạm này bằng hình thức tạm dừng, yêu cầu doanh nghiệp phải giải quyết ổn thỏa với người lao động. Tại TP Hồ Chí Minh, có doanh nghiệp tuyển hơn 100 lao động nhưng không thể đưa họ sang làm việc được.

Ngoài ra, một số thị trường khác cũng thu hút nhiều lao động trong nước như Malaysia (7.354 lao động), Hàn Quốc (6.019 lao động), Ả-rập Xê-út (3.975 lao động) và các thị trường khác.

Điều chỉnh những bất cập

Về một số bất cập còn tồn tại trong lĩnh vực xuất khẩu lao động hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho hay, với thị trường Hàn Quốc, từ vài năm nay, tỷ lệ lao động hết hạn ở lại cư trú bất hợp pháp quá cao. Trong năm 2015, Việt Nam đưa hơn 6.000 lao động sang đi làm việc tại Hàn Quốc, vượt kế hoạch đề ra.

Cũng trong năm ngoái, Bản ghi nhớ đặc biệt về Chương trình Cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS) thực hiện quyết liệt các giải pháp giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đi đôi với việc giảm tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước.

Tỷ lệ lao động Việt Nam tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng không về nước đã giảm từ 47,7% trong quý 1 năm 2015 xuống 31,9% trong quý 3 năm 2015. Tỷ lệ này trung bình cả năm 2015 là 35,86%. Trong 11 tháng của năm 2015, hơn 2.000 lao động bất hợp pháp của Việt Nam ở Hàn Quốc đã về nước.

Tuy nhiên mức giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp như trên vẫn chưa đáp ứng mong muốn của cả hai bên. Do đó, chúng ta vẫn chưa có cơ sở đàm phán tiếp với Hàn Quốc.

Theo đặc thù của từng thị trường, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành văn bản chấn chỉnh việc đưa lao động giúp việc gia đình tại Ả-rập Xê-út và hoạt động đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản.

Với thị trường Đài Loan, Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị, định kỳ nửa năm, các doanh nghiệp phải rà soát tỷ lệ lao động bỏ trốn. Nếu doanh nghiệp có tỷ lệ bỏ trốn cao, sẽ yên cầu đơn vị dừng đưa lao động sang.

Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục mở rộng một số nhóm ngành nghề mới có khả năng đáp ứng và có nhu cầu đưa đi làm việc ở nước ngoài như lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản..., đặc biệt là những ngành nghề yêu cầu trình độ cao như điều dưỡng, hộ lý.