Gần 1.500 đại biểu dự Diễn đàn quốc gia "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam"

NDO -

NDĐT- Diễn đàn quốc gia "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam" - Skilling up Vietnam sẽ khai mạc vào sáng ngày thứ bảy, 16-11, tại Hà Nội với sự tham gia của gần 1.500 đại biểu trong nước và quốc tế. Đây là lần đầu tiên Chính phủ chủ trì một diễn đàn về kỹ năng lao động Việt Nam.

Gần 1.500 đại biểu dự Diễn đàn quốc gia "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam"

Doanh nghiệp cùng nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Diễn đàn quốc gia "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam" do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức. Chương trình mang chủ đề “Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”.

Theo TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Diễn đàn nhằm khẳng định tầm nhìn, khát vọng trong chuẩn bị nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

Diễn đàn đưa ra thông điệp về vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; chuyển mạnh theo hướng đào tạo nghề nghiệp gắn với doanh nghiệp, theo địa chỉ đặt hàng và thị trường lao động.

Đây cũng là dịp để đánh giá kết quả ba năm thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá về vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp đối với xã hội, cộng đồng doanh nghiệp nhằm tiếp tục tăng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Diễn đàn Quốc gia được tổ chức với một chuỗi các hoạt động chính và hoạt động bên lề. Chương trình chính của Diễn đàn được tổ chức thành ba phiên với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, Phiên thứ nhất mang chủ đề: Nguồn nhân lực có kỹ năng - Chìa khóa để nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Phiên thứ hai là “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp - Nhân tố quyết định nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”. Phiên thứ ba là “Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”.

Các hoạt động bên lề của Diễn đàn cũng phong phú, với nhiều buổi tọa đàm, hội thảo chuyên đề về một số giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trong một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, mũi nhọn. Cụ thể như du lịch, công nghiệp phụ trợ, công nghệ thông tin, logistics... Ngoài ra, còn có triển lãm các mô hình, hình ảnh và trang thiết bị đào tạo tiêu biểu trong gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng ký hợp tác với một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn, tổ chức quốc tế.

Đây cũng là lần đầu tiên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức, chủ trì một diễn đàn về kỹ năng lao động Việt Nam. Diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 1.500 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu. Sự kiện cũng thu hút đông đảo doanh nghiệp, tập đoàn lớn có sử dụng nhiều nhân lực, các chuyên gia về giáo dục.

Hài hòa nhu cầu của doanh nghiệp và khả năng của trường nghề

Gần 1.500 đại biểu dự Diễn đàn quốc gia "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam" ảnh 1

Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân phát biểu tại buổi họp báo.

Phát biểu tại buổi họp báo về Diễn đàn, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân đánh giá, giáo dục nghề nghiệp thời gian qua đã có bước chuyển. Với tôn chỉ đồng hành của doanh nghiệp cùng đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Diễn đàn tập trung vào sự tham gia của doanh nghiệp để giải quyết hài hòa giữa nhu cầu của doanh nghiệp và khả năng cung ứng nguồn nhân lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, thu hút sự ủng hộ của người dân vào học nghề.

Thứ trưởng Lê Quân nhấn mạnh, giáo dục nghề nghiệp, hay giáo dục nói chung vẫn là một điểm cần có sự phát triển, đột phá để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Với lực lượng lao động khoảng 55 triệu người của nước ta, mới có khoảng 24% lao động qua đào tạo. Như vậy, lực lượng lao động chưa có bằng cấp, chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề còn lớn. Việt Nam đang có nhu cầu lớn về lao động có kỹ năng. Số lượng việc làm tạo ra đòi hỏi kỹ năng, tay nghề ngày càng cao. Nhưng điểm bất cập là, tâm lý xã hội và đào tạo của xã hội tập trung vào nhóm lao động ở trình độ đại học. Quá trình này cần phải thay đổi và đang trong quá trình thay đổi, từ nhận thức của người dân cho đến nhà quản lý, người làm chính sách cũng như đầu tư các nguồn lực của xã hội vào vấn đề này.

Thứ trưởng Lê Quân cũng kỳ vọng, sau Diễn đàn lần này, Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp sẽ được trình lên và sớm ban hành. Kết thúc Diễn đàn, sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về các giải pháp đột phá phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề. Đồng thời, sẽ có chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, các Hiệp hội nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp vào cuộc mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong việc phát triển kỹ năng, đổi mới, tăng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Hy vọng, năm năm tới đây sẽ là giai đoạn bứt phá trong hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.

Bà Britta Van Erckelens, Phó Giám đốc chương trình hợp tác Việt - Đức “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam” của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cũng khẳng định, chỉ có chất lượng đào tạo nghề tốt khi doanh nghiệp cùng đồng hành. GIZ cam kết hỗ trợ cao nhất với phát triển giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam. Bà mong muốn, sau các sự kiện tại Diễn đàn quốc gia này, các khuyến nghị và góp ý chuyên môn sẽ được đưa vào các văn bản chính sách, để có một cơ chế chính thức về sự tham gia của doanh nghiệp vào đào tạo nghề.