Ðể phụ nữ di cư tái hòa nhập bền vững

Vừa qua, T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) khởi động Dự án “Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư và gia đình của họ tại Việt Nam”. Ðây là dự án có ý nghĩa thiết thực, đồng thời là cơ hội rà soát, đề xuất giải pháp hỗ trợ đối với người di cư hồi hương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Hội thảo khởi động dự án "Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư và gia đình của họ tại Việt Nam".
Hội thảo khởi động dự án "Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư và gia đình của họ tại Việt Nam".

Hiện nay, ngày càng có nhiều người Việt Nam di cư ra nước ngoài vì các mục đích khác nhau, như: lao động, học tập và kết hôn... Theo thống kê của Bộ Công an, trung bình mỗi năm có 18 nghìn công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, trong đó, 72% là nữ và chủ yếu kết hôn với người Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc. Năm 2018, phụ nữ Việt Nam có số lượng đông đảo nhất, chiếm 38% trong tổng số hơn 16.600 cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài được thống kê tại Hàn Quốc. Với tỷ lệ ly hôn trung bình là 30%, các cô dâu Việt Nam thuộc nhóm quốc tịch có tỷ lệ cao thứ hai (cứ 10 cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc lại có ba người ly hôn), gây ảnh hưởng đến hạnh phúc của trung bình 410 trẻ em sinh ra từ các cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài mỗi năm.

Tuy nhiên, khi trở về Việt Nam, nhiều phụ nữ phải đối mặt những khó khăn trong quá trình tái hòa nhập, bao gồm thiếu cơ hội việc làm và các lựa chọn sinh kế, cũng như gặp phải những định kiến và kỳ thị xã hội. Một vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến quá trình tái hòa nhập của phụ nữ di cư hồi hương là sự hạn chế trong việc hỗ trợ pháp lý để hợp pháp hóa ly hôn và tư cách pháp lý cho những người con được sinh ra ở nước ngoài của họ. Ðiều đó ngăn cản con cái họ tiếp cận các dịch vụ giáo dục và y tế, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm lý của bản thân phụ nữ hồi hương cũng như con của họ. Thực tế nêu trên, có thể đẩy những người phụ nữ trở lại nghèo đói, tổn thương nếu không có sự can thiệp và hỗ trợ thích đáng.

Với mỗi loại hình di cư khác nhau khi trở về cần có sự trợ giúp khác nhau. Tuy nhiên, nhiều người di cư trở về chưa nắm rõ các thủ tục, giấy tờ pháp lý để sớm ổn định cuộc sống. Chính vì vậy, để giải quyết các vấn đề đặt ra đối với phụ nữ di cư hồi hương, với tư cách là tổ chức đại diện cho phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam phối hợp Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), với nguồn tài trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư và gia đình của họ tại Việt Nam” ở năm địa bàn: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Cần Thơ và Hậu Giang.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, dự án tập trung: cải thiện môi trường hỗ trợ chính sách, bao gồm: tư vấn chính sách, hội thảo nâng cao nhận thức cho các bên liên quan; xây dựng khuyến nghị về các chương trình phát triển và chính sách trong tương lai, bao gồm lộ trình để Hội LHPN Việt Nam trở thành trung tâm dịch vụ cho phụ nữ di cư hồi hương và xây dựng cơ sở dữ liệu về phụ nữ di cư hồi hương ở Việt Nam; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội LHPN Việt Nam. Ðồng thời, thành lập và vận hành văn phòng dịch vụ hỗ trợ một điểm dừng, giúp đỡ phụ nữ di cư hồi hương. Ông Cho Han Deog, Giám đốc Quốc gia của KOICA Việt Nam cho biết: “Hôn nhân di cư không phải lúc nào cũng mang lại kết quả tốt đẹp. Khi đó, những người phụ nữ muốn trở về nhà, được ở bên cạnh những người thân cũng như cần có sự hỗ trợ từ phía gia đình, cộng đồng. Hội LHPN Việt Nam có mạng lưới rộng khắp từ T.Ư đến cơ sở, vì thế, tôi tin tưởng rằng, Hội có thể hỗ trợ phụ nữ tốt nhất, tạo thành nền tảng vững chắc cho dự án”.

Là một trong năm địa bàn thực hiện dự án, TP Cần Thơ có nhiều phụ nữ di cư hồi hương, nhất là phụ nữ di cư hồi hương kết hôn từ các nước Hàn Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc. Hầu hết phụ nữ di cư quay trở về là do gặp phải bất hạnh trong hôn nhân, sự khác biệt về văn hóa, mâu thuẫn với chồng và gia đình chồng… Có trường hợp đơn phương mang con về nước vì sợ mất quyền nuôi con. “Phụ nữ di cư kết hôn ở nước ngoài trở về rất cần được hỗ trợ về tư vấn pháp lý, hỗ trợ học nghề và vốn làm ăn, ổn định cuộc sống tại địa phương. Chúng tôi mong muốn các bộ, ngành T.Ư có sự chỉ đạo đồng bộ để các sở, ngành tại năm tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Hội LHPN trong quá trình thực hiện dự án”. Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Cần Thơ Nguyễn Thị Thu Lam chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa, đây là dự án rất ý nghĩa trong bối cảnh di cư trong nước và quốc tế có xu hướng gia tăng, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết ở cấp độ quốc gia và liên quốc gia để có thể bảo vệ quyền lợi của các phụ nữ di cư hồi hương và các thành viên của gia đình họ, đặc biệt là trẻ em. Ngoài các mục tiêu của dự án, Hội LHPN mong muốn tập trung thêm vào việc đào tạo nghề, kết nối và giới thiệu các cô dâu di cư trở về với các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Dự án sẽ có hợp phần quan tâm tới việc duy trì ngôn ngữ tiếng Hàn và văn hóa Hàn Quốc đối với con em và các gia đình đa văn hóa Việt - Hàn. Qua đó, góp phần bảo đảm sự tái hòa nhập bền vững của phụ nữ và lưu giữ giá trị văn hóa kết nối giữa hai dân tộc.