Ðề phòng lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh miền núi

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén và đẩy dần xuống phía nam kết hợp hội tụ gió lên đến mực 3.000 m, cho nên ở Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to; riêng vùng núi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa phổ biến 40-80 mm/24 giờ, có nơi hơn 120 mm/24 giờ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nam Bộ và Nam Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Lượng mưa phổ biến 40-100 mm/24 giờ, có nơi hơn 150 mm/24 giờ.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của vùng xoáy thấp kết hợp hoạt động của gió mùa tây nam, khu vực giữa và nam Biển Ðông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái-lan có mưa rào và dông; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Hiện, mực nước trên các sông, suối khu vực Bắc Bộ đang biến đổi chậm, phổ biến thấp hơn báo động 1 từ 1- 3m. Cảnh báo, từ nay đến ngày 28-9, Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to; riêng vùng núi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Trên lưu vực hệ thống sông Hồng - Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ nhỏ, với biên độ lũ lên ở thượng lưu 2-3 m, hạ lưu từ 1-2 m. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh miền núi khu vực Bắc Bộ.

* Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình, mưa lớn trong mấy ngày qua trên địa bàn huyện Tân Lạc đã làm 14 ngôi nhà và 117 ha lúa, hoa màu bị ngập, một số tuyến đường liên xã bị ngập, sạt lở. Hiện, các cấp chính quyền địa phương đang khẩn trương khắc phục hậu quả, giúp người dân ổn định đời sống.

* UBND huyện Lý Nhân (Hà Nam) vừa có Quyết định công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Phú Phúc. Trước đó, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại một hộ chăn nuôi của xã Văn Xá, huyện Kim Bảng ngày 27-2-2019 và lan rộng 111 xã, thị trấn của sáu huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Theo đó, 9.800 hộ chăn nuôi đã phải tiêu hủy hơn 132 nghìn con lợn.

* UBND tỉnh Nghệ An đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch cúm gia cầm A/H5N6. Theo đó, tổ chức tiêu hủy gia cầm nếu phát hiện dịch bệnh nhằm kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch tái phát, lây lan ra diện rộng. Chủ động giám sát, lấy mẫu gửi xét nghiệm để phát hiện sớm các loại dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng...

* Ðể phòng, chống bệnh lở mồm long móng cho trâu, bò, đơn vị chức năng huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng cho đàn gia súc. Theo thống kê, toàn huyện có 13.325 con trâu bò; trong đó, số phải tiêm phòng dịch trong
đợt 2 là 11.326 con. UBND huyện chỉ đạo các địa phương điều động cán bộ thú y các xã thành lập tổ tiêm phòng theo cụm xã, tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng và dự kiến hoàn thành trước ngày 12-10.

* Ngành Thú y tỉnh Quảng Trị đang khẩn trương khoanh vùng dập dịch, khống chế dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N6 bùng phát tại xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh. Nguyên nhân bùng phát dịch cúm gia cầm có khả năng do người chăn nuôi mua con giống không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch, thời tiết diễn biến bất lợi. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo người dân khi mua giống phải rõ nguồn gốc; đồng thời thực hiện kê khai đăng ký với UBND xã để được hỗ trợ nếu xảy ra dịch bệnh.

* Cuối tháng 8, đàn gà của người dân ở đội 9, thôn Bình Ðẳng, xã Tịnh Ấn Ðông (TP Quảng Ngãi) chết bất thường không rõ nguyên nhân. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm, kết quả dương tính với vi-rút cúm A/H5N6. Toàn bộ đàn gà 1.300 con được nuôi đến 110 ngày tuổi bị tiêu hủy. Nhằm chủ động trong việc phòng, chống cùng với tập trung tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang thực hiện việc tiêm phòng vắc-xin đợt 2 trong năm 2020.