Duy trì mức sinh thay thế đồng đều ở các vùng, miền

Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế và liên tục giữ vững tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) ở mức dưới 2,1 con hơn 10 năm qua (từ năm 2006). Tuy nhiên, cần có những chính sách phù hợp để điều chỉnh mức sinh, giữ vững quy mô và cơ cấu dân số một cách hài hòa nhất...

Cán bộ Trạm Y tế phường Tân Tiến, Trung tâm Y tế TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) tuyên truyền về dân số - kế hoạch hóa gia đình cho người dân.
Cán bộ Trạm Y tế phường Tân Tiến, Trung tâm Y tế TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) tuyên truyền về dân số - kế hoạch hóa gia đình cho người dân.

Theo dự báo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (năm 1990), nếu Việt Nam không có các giải pháp triệt để trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGD) thì số dân của Việt Nam sẽ đạt mức 121 triệu người vào năm 2017. Trước con số do Liên hợp quốc đưa ra, Việt Nam đã triển khai rất nhiều giải pháp nhằm đưa mức sinh về mức cân bằng (2,1 con/người mẹ). Theo cách tính toán của các nhà khoa học với tỷ suất sinh này, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế và kết quả kéo dài hơn mười năm cho đến nay; giữ vững được quy mô và cơ cấu dân số ổn định.

Nhiều ý kiến cho rằng, sau hơn 10 năm thực hiện thành công mức sinh thay thế, Việt Nam không cần tiếp tục kiểm soát tỷ lệ mức sinh. Tuy nhiên, trên thực tế con số hiện nay về mức sinh trên cả nước còn có nhiều khác biệt, không đồng đều cả về số lượng và chất lượng. Theo thống kê Tổng điều tra dân số và nhà ở T.Ư năm 2019, vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp hơn so mức sinh thay thế (dưới 1,6 con), riêng một số tỉnh, thành phố cũng đang trong tình trạng mức sinh rất thấp như: TP Hồ Chí Minh (1,36 con), Đồng Tháp (1,34 con), Bà Rịa - Vũng Tàu (1,37 con), Hậu Giang (1,53 con)... Khu vực trung du và miền núi phía bắc, Tây Nguyên là các vùng có mức sinh cao nhất cả nước, với tổng tỷ suất sinh mỗi vùng là 2,34 con/phụ nữ. Ngoài ra mức sinh của khu vực nông thôn (2,26 con/phụ nữ) cao hơn khu vực thành thị (1,83 con/phụ nữ) và cao hơn mức sinh thay thế.

"Bức tranh" mức sinh của Việt Nam là những mảng màu có sự chênh lệch khá lớn. Có vùng, có tỉnh mức sinh cao, thậm chí rất cao dẫn đến con đường giảm sinh rất gian nan. Nhưng ngược lại, có những vùng mức sinh thấp và tiếp tục có xu hướng giảm như là một trào lưu. Gia tăng dân số sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đầu tư cho an sinh xã hội, khó cải thiện đời sống nhân dân, hạn chế điều kiện phát triển văn hóa, thể lực của giống nòi. Nhưng nếu để mức sinh quá thấp và duy trì trong một thời gian dài sẽ dẫn đến ít trẻ em được sinh ra, dân số già hóa nhanh..., sẽ gây suy giảm dân số, thiếu hụt nguồn lực lao động nghiêm trọng làm suy giảm tăng trưởng kinh tế - xã hội. Nói chung, mức sinh tăng hay thấp đều ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Do đó, nhiệm vụ đặt ra là cần duy trì mức sinh thay thế, giữ vững mức sinh đồng đều giữa các vùng, khu vực và không để mức sinh xuống thấp; nhất là ở các tỉnh, thành phố đang có mức sinh thấp.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, điều chỉnh mức sinh hợp lý mang ý nghĩa sống còn không chỉ với chính sách dân số mà với các chính sách quốc gia, bởi con người là động lực, là mục tiêu của sự phát triển trong xã hội hiện đại. Sự bất ổn về cơ cấu, quy mô dân số sẽ gây hệ lụy, ảnh hưởng đến sự phát triển của mỗi quốc gia. Một Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, nhưng cũng đã bước vào thời kỳ già hóa dân số, sự tận dụng cơ cấu dân số vàng chưa được triệt để đã phải đón nhận một quốc gia nhiều người già... sẽ gây ra nhiều hệ lụy lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu phát triển đất nước. Vì vậy, điều chỉnh mức sinh hợp lý là giải pháp quan trọng nhất.

Để giải quyết tình trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng, miền, bảo đảm giữ vững mức sinh thay thế hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030". Quyết định đã đưa ra mục tiêu cụ thể: tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế. Như vậy, đối với địa phương có mức sinh cao, cần tiếp tục áp dụng và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích cộng đồng không có người sinh con thứ ba trở lên; hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ KHHGĐ. Đối với địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp, trước mắt cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh con ít. Từng bước ban hành, thực hiện chính sách khuyến khích sinh đủ hai con áp dụng cho các gia đình, cộng đồng... Quyết định cũng đưa ra các yêu cầu nhiệm vụ, hoạt động cần ưu tiên thực hiện đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ ba trở lên; sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con. Giao chính quyền các địa phương nghiên cứu, ban hành hỗ trợ, tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình cho các cặp vợ chồng sinh đủ hai con...

Duy trì mức sinh thay thế, bảo đảm mức sinh hợp lý giữa các vùng, miền để trong tương lai, Việt Nam sẽ có được một quy mô dân số phù hợp diện tích lãnh thổ, bảo đảm cân đối, hài hòa giữa các độ tuổi. Việc duy trì tương đối ổn định tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động sẽ kéo dài cơ cấu "dân số vàng"; làm chậm lại thời gian chuyển đổi sang giai đoạn "già hóa dân số", cải thiện chất lượng dân số, góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước...