Đưa trẻ em vào vị trí trọng tâm trong ứng phó với dịch Covid-19 tại Việt Nam

NDO -

NDĐT- Đại dịch Covid-19 không chỉ gây ra khủng hoảng nặng nề kinh tế, mà còn khủng hoảng về phát triển. Và ngoài tác động của Covid-19 đối với sức khỏe, có cả bóng dáng của trẻ em trong những ảnh hưởng này. Báo Nhân Dân điện tử có cuộc phỏng vấn bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam về vấn đề này.

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam.
Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam.

Phóng viên: Bà đánh giá thế nào về việc Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19?

Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam Rana Flowers: Tôi thực sự rất ấn tượng công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam trong thời gian qua. Là một trong những quốc gia đầu tiên bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã lấy ý kiến của người dân và điều phối một kế hoạch ứng phó chiến lược và từng bước khống chế sự lây lan của virus. Với những hành động ứng phó nhanh và quyết liệt, Việt Nam xứng đáng được cộng đồng quốc tế ca ngợi.

Đưa trẻ em vào vị trí trọng tâm trong ứng phó với dịch Covid-19 tại Việt Nam ảnh 1

Bà Rana Flowers tới thăm trường học ở Lào Cai dịp cuối tháng tư để xem các trường đã sẵn sàng đón trẻ em quay lại trường học chưa.

Là Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, tôi đánh giá cao sự chỉ đạo chiến lược của lãnh đạo Chính phủ. Và sự chỉ đạo mang tầm chiến lược này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giải quyết những thách thức phía trước. Bởi vì, như tất cả chúng ta đều nhận thấy, tác động của đại dịch này có ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế toàn quốc trong một thời gian nữa.

Với vai trò Chủ tịch ASEAN, đây là thời khắc quan trọng Việt Nam đặt trẻ em vào vị trí trung tâm của mọi nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 cũng như giảm thiểu tác động xã hội mà cuộc khủng hoảng của đại dịch này gây ra trong tương lai.

Phóng viên: Thưa bà, vậy những tác động xã hội mà bà vừa đề cập tới là gì?

Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam Rana Flowers: Đại dịch Covid-19 không những gây ra khủng hoảng kinh tế, mà còn tạo nên khủng hoảng về phát triển, ngoài tác động đối với sức khỏe thì đại dịch này ảnh hưởng nặng nề đối với trẻ em. Tôi xin nêu ra đây một vài thách thức về phát triển.

Đưa trẻ em vào vị trí trọng tâm trong ứng phó với dịch Covid-19 tại Việt Nam ảnh 2

Đại diện UNICEF tại Việt Nam trò chuyện với trẻ em ở Lào Cai dịp cuối tháng tư.

Từ đầu tháng hai, yêu cầu giãn cách xã hội đã khiến việc học tập của hơn 21 triệu trẻ em Việt Nam bị ảnh hưởng do trường học đóng cửa. Và chúng ta cũng nhận thấy rằng, cha mẹ cũng gặp nhiều khó khăn trong chăm sóc trẻ ở quãng thời gian này. Khi việc học tập trực tuyến bắt đầu được triển khai, cuộc khủng hoảng này lại cho thấy sự chênh lệch mang tên công nghệ số - đó là khoảng cách giữa những người có thiết bị và vào được internet và những người không có cả hai điều kiện trên. Đối với những trẻ em không tiếp cận được với công cụ trên mạng, sự chênh lệch liên quan đến công nghệ số ngày càng lớn. Còn đối với những trẻ em có thể học tập và giải trí trên mạng, nguy cơ bị xâm hại trên mạng của các em lại tăng lên. Vì hoàn cảnh khó khăn, nhiều trẻ em sẽ phải lao động sớm. Điều quan trọng cần làm bây giờ là bảo đảm trẻ em có thể quay trở lại trường học.

Tính đến giữa tháng tư, gần năm triệu công nhân Việt Nam bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đại dịch này cũng có thể làm tăng gấp đôi tỷ lệ hộ nghèo. Không có thu nhập, cha mẹ phải xoay xở một cách khó khăn để lo bữa ăn đủ bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ, bảo đảm cho con em mình được phát triển khỏe mạnh cả về trí não bộ lẫn cơ thể. Khó khăn này sẽ ảnh hưởng xấu đến khả năng học tập, thu nhập và trở thành những công dân hiệu quả trong tương lai của trẻ…

Bên cạnh đó, Việt Nam có hơn sáu triệu trẻ khuyết tật. Cùng với các trẻ em nghèo, trẻ em di cư, trẻ dân tộc thiểu số tạo thành một con số không nhỏ các em dễ bị tổn thương, và đây chính là những nhóm trẻ có nhiều nguy cơ bị bạo lực, lao động sớm, bóc lột, mua bán và xâm hại trong đại dịch này.

Khi xây dựng các hoạt động ứng phó, chúng ta cần nhớ rằng, tác động của khủng hoảng đối với trẻ em không giống nhau. Không đủ dinh dưỡng, không được đến trường trong thời gian dài có thể để lại những tác động cả đời - và điều này không chỉ hủy hoại chính trẻ em mà còn tác động đến thế hệ sẽ làm chủ nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Bởi lẽ, chính những trẻ em gái và trai này sẽ trở thành những nhà đổi mới sáng tạo, doanh nhân, bác sĩ, nhà khoa học, giáo viên và những nhà hoạch định chính sách trong tương lai.

Đầu tư cho trẻ em không chỉ là một hành động thông minh; đây là hành động đúng đắn.

Phóng viên: Vậy UNICEF có những khuyến nghị gì nhằm giải quyết vấn đề này?

Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam Rana Flowers: Theo khuyến cáo của Ủy ban Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em và Tổng Thư ký Liên hợp quốc, lợi ích tốt nhất của trẻ em là nguyên tắc định hướng cho những nhà hoạch định chính sách ở tất cả các cấp khi xây dựng chính sách. Tôn trọng và thúc đẩy quyền và nhu cầu phát triển của trẻ em cần phải được đặt vào vị trí trọng tâm của các hoạt động ứng phó với đại dịch Covid-19. Nói cách khác, lợi ích tốt nhất của trẻ em Việt Nam hôm nay là chính lợi ích tốt nhất của tương lai của đất nước.

Để đạt được mục tiêu nói trên, trong thời điểm quan trọng này, UNICEF xin đề xuất một kế hoạch hành động khẩn trương gồm ba nội dung chính.

Thứ nhất, trợ cấp tiền mặt trên diện rộng cho trẻ em. Điều này rất quan trọng. Trong khi các dịch vụ bị ngừng lại và công ăn việc làm của người dân bị đe đọa, cần phải khẩn trương hỗ trợ để các gia đình có tiền mặt để mua thực phẩm dinh dưỡng, được chăm sóc y tế, chăm sóc trẻ em và được tiếp cận các dịch vụ khác nữa. Chúng tôi hy vọng, chính sách hỗ trợ tiền mặt dồi dào của Chính phủ sẽ hướng vào trẻ em nhằm bảo vệ các trẻ em khỏi nghèo đói, tổn thương và thiếu dinh dưỡng, để trẻ em có thể phát triển hết tiềm năng của mình.

Thứ hai, cần khẩn trương có những chính sách tài chính mạnh mẽ để tiếp tục cung cấp những dịch vụ xã hội có chất lượng, dễ dàng tiếp cận và với giá hợp lý. Đó là, chính sách cho Bộ Giáo dục và Đào tạo bảo đảm duy trì học tập cho tất cả trẻ em trong đó có trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật và trẻ em gái; cho Bộ Y tế bảo đảm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và tại cộng đồng - các hoạt động tại cơ sở như tiêm chủng định kỳ, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh, và theo dõi tăng tăng trưởng và dinh dưỡng; cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tăng cường nước sạch và vệ sinh tại cộng đồng, cơ sở y tế và trường học, đặc biệt là ở những vùng bị ảnh hưởng bởi hạn hán; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để quy định những dịch vụ bảo vệ trẻ em nào là thiết yếu để những dịch vụ này phát huy chức năng tại các trung tâm cách ly và bệnh viện, đồng thời cải thiện hoạt động chuyển tuyến qua đường đây điện thoại nóng và ứng phó cho phụ nữ và trẻ em.

Và cuối cùng, tiếp cận toàn xã hội là hết yếu tố hết sức quan trọng để hỗ trợ trẻ em và gia đình dễ bị tổn thương nhất. Chỉ cung cấp được dịch vụ nếu có đủ đầu tư để bảo đảm các chuyên gia được đào tạo - giáo viên, nhân viên y tế và cán bộ xã hội - làm việc tại cộng đồng nơi họ sẽ tiếp cận tất cả trẻ em và gia đình bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!