“Dự báo thời tiết cần nâng “chất” để phục vụ đời sống dân sinh”

NDO -

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng, công tác dự báo thời tiết cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Giải pháp nào để dự báo thời tiết thực sự đóng góp cho quá trình thích nghi với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai và phục vụ đời sống dân sinh. TS Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng - Thủy văn, chia sẻ một số thông tin về chủ đề này.

Quan trắc viên tại trạm Hồi Xuân, Thanh Hóa (Ảnh: KTTV).
Quan trắc viên tại trạm Hồi Xuân, Thanh Hóa (Ảnh: KTTV).

Phóng viên: Thưa ông, ông có thể đánh giá tầm quan trọng của công tác dự báo thời tiết trong giai đoạn hiện nay, khi hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng tác động rõ rệt tới môi trường?

Ông Hoàng Đức Cường: Thông tin khí tượng thủy văn (KTTV) nói chung và thời tiết nói riêng có vai trò rất quan trọng trong đời sống.

Dự báo, cảnh báo trước về các thiên tai và những tác động của nó giúp bảo vệ sự an toàn tính mạng, tài sản của người dân, của đất nước. Là thông tin đầu tiên, quan trọng nhất để Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống thiên tai (PCTT) và Ban chỉ đạo PCTT các cấp chỉ đạo, điều hành công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn mỗi khi thiên tai có dấu hiệu xuất hiện. 

Biến đổi khí hậu (BĐKH) tác động rõ rệt đến thời tiết, khí hậu làm gia tăng thiên tai về tần suất, cường độ, và đặc biệt là tính trái quy luật. Vì vậy, thông tin dự báo sớm về thời tiết nguy hiểm và thiên tai KTTV càng cần thiết cho công tác ứng phó.

Trong cuộc sống hằng ngày, thông tin dự báo KTTV phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội của hầu hết các các ngành, lĩnh vực.

Thông tin thời tiết rất cần thiết cho mọi người nhằm lập kế hoạch lao động, sản xuất, du lịch và tham gia các hoạt động ngoài trời. Đơn giản nhất là để trả lời câu hỏi: Hôm nay sẽ mặc gì, mang theo ô hay không của mỗi người sau mỗi sáng thức dậy. 

giankhoan-1601445945768.jpg
Lắp đặt thiết bị quan trắc khí tượng trên nhà giàn DK04 (Ảnh: Tổng cục Khí tượng - Thủy văn). 

Phóng viên: Vậy công tác dự báo thời tiết của nước ta hiện nay đáp ứng được đến đâu, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Cường: Công tác dự báo phục vụ những năm gần đây đã từng bước được nâng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội, kể cả trong phòng, chống thiên tai và ứng dụng thông tin vào sản xuất hằng ngày của các cơ quan, ngành, địa phương. 

Thí dụ, trong dài hạn, các cảnh báo, dự báo về khả năng thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn trước hai, ba tháng đã giúp chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại ở Nam Bộ trong năm qua. Chúng tôi tiếp tục cảnh báo diễn biến xâm nhập mặn cao trong năm nay ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). 

Các dự báo, cảnh báo trước 3-5 ngày đối với bão/áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đã giúp cho công tác ứng phó trên biển tốt. 

Nhiều năm nay, hầu như không có thiệt hại về người trên biển do bão/ATNĐ. Các dự báo mưa lũ lớn, không khí lạnh, nắng nóng gay gắt cũng đạt yêu cầu phòng, chống. Dự báo thời tiết đến 10 ngày cho hơn 650 điểm (quận, huyện) của các đơn vị dự báo trong Tổng cục KTTV đã và đang được tham khảo rộng rãi trong cộng đồng.

Hiện nay, KTTV Việt Nam đã được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) tín nhiệm, giao nhiệm vụ thực hiện dự báo hỗ trợ hằng ngày cho các nước Đông - Nam Á về các thiên tai như bão, mưa lớn, gió mạnh, lũ quét.

Tuy nhiên, đến nay, một số thiên tai có quy mô nhỏ, diễn nhanh trong phạm vị hẹp, độ tin cậy vẫn chưa được cao như lốc, mưa lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất. Hạn chế này không chỉ ở Việt Nam mà cũng đang là vấn đề của các nước trên thế giới, kể cả các nước có nền khoa học - công nghệ phát triển. Khoa học dự báo thời tiết cực đoan còn nhiều vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới.

Ngoài ra, mức độ chi tiết của các thông tin dự báo cho các điểm cụ thể, và nhất là các dự báo càng xa, thì độ tin cậy còn hạn chế, cần liên tục cập nhật các bản tin vì có sự thay đổi, điều chỉnh theo biến động của thời tiết.

Phóng viên: Độ chính xác của dự báo dựa vào những yếu tố nào, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Cường: Thứ nhất, phụ thuộc tính khó dự báo của các thiên tai KTTV, vì chúng luôn có sự biến động mạnh trong khí quyển. Các hiện tượng có biến động rất mạnh, bất liên tục theo không gian và thời gian thì càng khó dự báo. Đặc biệt là mưa lớn cục bộ, lũ quét diễn ra rất nhanh trong phạm vị hẹp.

Thứ hai là thông tin, số liệu quan trắc. Hiện nay, mạng lưới quan trắc của chúng ta còn thưa ở vùng núi và vùng biển nên sẽ gây khó khăn cho dự báo, cảnh báo các hiện tượng xảy ra nhanh, cục bộ như dông sét, mưa lũ lớn cục bộ và lũ quét, sạt lở đất vùng núi và cường độ bão ở trên biển.

Thứ ba, các công cụ, mô hình tính toán, dự báo. Dù khoa học đã phát triển vượt bậc nhưng nhân loại vẫn chưa tìm được phương pháp giải đúng của hệ phương trình mô tả các chuyển động trong khí quyển. Các kết quả hiện có mới chỉ là gần đúng và nhiều khi sai số rất lớn. 

Thứ tư là nguồn nhân lực trình độ cao, yếu tố con người. Dù có nhiều số liệu quan trắc, nhiều phương án, mô hình dự báo; nhưng nếu thiếu các phân tích chuyên sâu, thiếu sự tổng hợp và phân tích hệ thống… để ra quyết định, để khai thác hiệu quả các số liệu và phương án dự báo, thì hiệu quả cuối cùng sẽ không cao.

Ngoài ra, tác động của BĐKH làm cho các hiện tượng cực đoan KTTV trở nên bất thường và khó dự đoán hơn. Đồng thời, tính dễ bị tổn thương trước thiên tai cũng gia tăng rất nhiều do quy mô nền kinh tế hiện nay được mở rộng và phát triển hơn nhiều so với trước đây.

Phóng viên: Ông vừa chia sẻ, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến độ chính xác của dự báo thời tiết. Vậy chúng ta có những giải pháp gì để khắc phục những hạn chế này?

Ông Hoàng Đức Cường: Trước hết, tiếp tục tăng cường năng lực giám sát, quan trắc. Đặc biệt là khu vực vùng núi, ngoài biển. Có thể triển khai theo hướng xã hội hóa, đồng thời các ngành, lĩnh vực chịu nhều tổn thương do thiên tai KTTV cũng cần xây dựng mạng lưới giám sát chuyên ngành, tích hợp với mạng lưới KTTV quốc gia để vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa dự báo thiên tai.

Để giám sát và cảnh báo các hiện tượng cực đoan, vấn đề hiện đại hóa ngành là một trong những giải pháp quan trọng. Thí dụ, các radar thời tiết có thể tăng khả năng giám sát và cảnh báo dông, mưa hạn cực ngắn cung như theo dõi bão khi vào gần bờ. Hệ thống đo mưa tự động chi tiết sẽ hỗ trợ tốt cho cảnh báo các tai biến địa chất như lũ quét, sạt lở đất.

Các mô hình toán và hệ thống siêu máy tính cho phép chúng ra vận hành nhiều các mô hình dự báo chi tiết về không gian và thời gian. Qua đó, có các phân tích cấu trúc, bản chất hiện tượng trong khí quyển tốt hơn để đưa ra những quyết định dự báo phù hợp.

Cần thiết tăng cường nghiên cứu khoa học theo hướng giải quyết tối đa các vấn đề còn tồn tại trong khoa học dự báo ở khu vực nhiệt đới gió mùa như nước ta. Đánh giá tác động của BĐKH đến các quy luật diễn biến của thời tiết nguy hiểm. Đồng thời, thông qua hợp tác quốc tế với các nước đi đầu trong lĩnh vực KTTV trên thế giới, chúng ta sẽ rút ngắn được thời gian và đầu tư nhằm nhanh chóng hiện đại hóa ngành KTTV.

Đồng thời, ngành KTTV sẽ phải đẩy mạnh đào tạo, tăng cường năng lực và trình độ các dự báo viên để tiếp thu và ứng dụng hiệu quả các công nghệ mới, hiện đại, cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm của họ. 

Phóng viên: Để phục vụ hiệu quả cho đời sống dân sinh, sự phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, công tác dự báo thời tiết cần “nâng chất” ra sao? 

Ông Hoàng Đức Cường: Chúng tôi xác định, ngành KTTV cần thực hiện vấn đề cốt lõi là tăng cường công tác dự báo theo hướng hiện đại, tiếp cận định hướng của WMO, thực hiện dự báo tác động của các hiện tượng và thiên tai KTTV đến các ngành nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội. 

Định hướng chung trong dự báo KTTV là sớm hơn, chi tiết hơn và tin cậy hơn.

Như vậy, các thiên tai sẽ được cảnh báo sớm hơn, mức chi tiết trước mắt cần đạt đến cấp quận/huyện sau đó cần chi tiết đến cấp xã trên phạm vi toàn quốc và bảo đảm độ tin cậy đối với tất cả các dự báo, đặc biệt là đối với các loại thiên tai có thể thiệt hại về người.

Để đạt được điều này, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về tăng mật độ trạm, tăng cường trang thiết bị tính toán, siêu máy tính, ứng dụng công nghệ tiên tiến thông qua nghiên cứu trong nước và hợp tác quốc gia, đào tạo phát triển nguồn nhân lực của ngành đủ năng lực, kinh nghiệm vận hành trang thiết bị, công nghệ mới. 

Đồng thời cần đổi mới hình thức bản tin phù hợp với các phương thức, công nghệ truyền tin hiện nay: bản đồ, đồ thị, số liệu, video,…phù hợp với hình thức tiếp cận thông tin dự báo thời tiết của cộng đồng.

Xin cảm ơn ông!

* Tháng 12 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định lấy ngày 3-10 hằng năm là “Ngày truyền thống ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam”. 
Sự kiện này đánh dấu sự hình thành, công nhận của toàn xã hội đối với KTVV, một lĩnh vực khoa học có tính ứng dụng, được gây dựng từ công sức cống hiến, hy sinh của nhiều thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, quan trắc viên, dự báo viên… hoạt động trên khắp đất nước.