Đông đảo người dùng mạng VCNet tham gia thi “Chung tay vì an toàn giao thông”

Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay vì an toàn giao thông” trên mạng xã hội VCNet nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, hướng tới mục tiêu tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông và chống ùn tắc giao thông.

Đông đảo người dùng mạng VCNet tham gia thi “Chung tay vì an toàn giao thông”

Tiến sĩ Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo VCNet, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi đã nhấn mạnh nội dung trên khi trả lời phỏng vấn về Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay vì an toàn giao thông” trên mạng xã hội VCNet. Cuộc thi diễn ra từ ngày 7-9 đến ngày 28-12, hiện đang thu hút sự tham gia của đông đảo người dùng mạng VCNet tại khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết ý nghĩa, sự cần thiết tổ chức Cuộc thi “Chung tay vì an toàn giao thông” trên mạng xã hội VCNet? 

Đồng chí Trần Doãn Tiến: Như các bạn đã biết, Đảng, Nhà nước, Chính phủ nhiều năm qua đặc biệt quan tâm đến vấn đề trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), coi đây là một vấn đề mang tính xã hội cấp bách, cần sự vào cuộc tổng lực của cả hệ thống chính trị - xã hội và sự chung sức của tất cả các bên liên quan.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội, trong những năm gần đây, tình hình TTATGT đã có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông (TNGT) liên tục được kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Tuy nhiên, tình hình TTATGT vẫn diễn biến phức tạp. TNGT mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, khiến hàng chục nghìn người chết và bị thương mỗi năm. Thời gian gần đây vẫn liên tục xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, khiến nhân dân lo lắng. Ùn tắc giao thông vẫn diễn ra tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Tình trạng lái xe sử dụng ma túy, chất kích thích, vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn còn xảy ra khá phổ biến...

Kết luận số 45-KL/TW ngày 1-2-2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông đã yêu cầu tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, đề cao trách nhiệm tự giác chấp hành Luật Giao thông, thực hiện tốt nếp sống văn hóa giao thông, đấu tranh lên án các hành vi vi phạm TTATGT.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tuyên truyền về An toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở giai đoạn 2020 – 2025, trong đó nêu rõ quan điểm: “Tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng, chống tác hại của rượu, bia trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở là khâu quan trọng góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội…”. Đề án cũng đặt ra mục tiêu: “Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông; phòng, chống tác hại của rượu, bia phải thường xuyên, liên tục, dễ tiếp cận và hiệu quả đối với từng đối tượng; phù hợp với truyền thống, văn hóa, bản sắc dân tộc, tôn giáo và phong tục tập quán…”.

Được sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay vì an toàn giao thông” trên mạng xã hội VCNet. Cuộc thi diễn ra từ ngày 7-9 đến ngày 28-12.

Thông qua cuộc thi nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT; qua đó nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của mọi người dân, nhất là thế hệ trẻ. Đồng thời, góp phần xây dựng văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông, tạo điều kiện để đông đảo các tầng lớp nhân dân góp ý, chia sẻ các giải pháp tăng cường bảo đảm TTATGT; biểu dương, nhân rộng gương người tốt, việc tốt trong công tác bảo đảm TTATGT; hướng tới mục tiêu tiếp tục kéo giảm TNGT và chống ùn tắc giao thông.

PV: Đây là lần đầu tiên một cuộc thi về ATGT được tổ chức trên mạng xã hội VCNet, đồng chí đánh giá như thế nào về hiệu quả, sức lan tỏa của cuộc thi?

Đồng chí Trần Doãn Tiến: Mạng xã hội VCNet do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) xây dựng, giao cho Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp quản trị. Mặc dù mới ra mắt người dùng hơn một năm qua (khai trương ngày 11-6-2019), đến nay VCNet đã trở thành diễn đàn để cán bộ, đảng viên và nhân dân chia sẻ ý kiến, trao đổi thông tin tích cực; góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản bác thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch…

Trong bối cảnh phải song hành với những “người khổng lồ” về công nghệ, tài chính và có bề dày nhiều năm hoạt động như Facebook, Twitter, Instagram… và các mạng xã hội trong nước, song đến nay VCNet đã có hơn 1,42 triệu người dùng; khẳng định vai trò, sức sống, triển vọng phát triển trong hệ thống các mạng xã hội “made in Việt Nam”.

Cùng với việc phát triển nhanh về số lượng người dùng, mặc dù mới ra đời, VCNet đã có những đóng góp thiết thực trong công tác tuyên giáo. Từ tháng 8 đến tháng 12-2019, Cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam” trên mạng VCNet đã thu hút trên 3,2 triệu lượt người dự thi, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tuyên truyền, phổ biến sâu rộng lịch sử vẻ vang của Đảng đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Tiếp đó, Cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng” diễn ra từ ngày 23-3 đến ngày 13-7 cũng đã thu hút hơn 6,3 triệu lượt người dự thi.

Từ kinh nghiệm của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc tổ chức thành công hai cuộc thi nêu trên, đồng thời với ý nghĩa, tầm quan trọng, tính thiết thực của vấn đề ATGT đối với toàn xã hội, tôi tin rằng Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay vì an toàn giao thông” trên mạng xã hội VCNet sẽ tiếp tục nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân, đặc biệt là các bạn trẻ, những người thường xuyên sử dụng internet và mạng xã hội. Tham gia cuộc thi này, người dự thi không chỉ có cơ hội nhận được các giải thưởng có giá trị, mà điều ý nghĩa hơn, đó là được nâng cao kiến thức pháp luật về TTATGT, trang bị thêm cho bản thân những hiểu biết, kỹ năng để tham gia giao thông an toàn. Từ đó, những người dự thi sẽ chia sẻ, lan tỏa nhận thức của mình đến người thân và những người chung quanh, góp phần thay đổi hành vi của người tham gia giao thông theo hướng tích cực, xây dựng văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông.

Mặc dù cuộc thi vừa được triển khai, số liệu thống kê của Ban Tổ chức đã cho thấy những kết quả bước đầu đáng mừng: Tại thời điểm 10 giờ ngày 11-9, tức chỉ sau bốn ngày diễn ra cuộc thi, số lượt người tham gia thi trên hệ thống đã đạt con số gần 43.288 lượt. Các tỉnh, thành phố có số người dự thi nhiều nhất là: Lâm Đồng, Nghệ An, Bình Phước, Hà Nội, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Tây Ninh, Quảng Bình, An Giang, TP Hồ Chí Minh…

Tôi hy vọng và tin tưởng rằng số lượng người dự thi sẽ tiếp tục tăng cao trong những ngày tới. Bởi vì, đây là vấn đề thời sự, vấn  đề “nóng” được cả xã hội quan tâm.

PV: Thưa đồng chí, để bảo đảm thành công của cuộc thi, Ban Tổ chức đã triển khai những công việc gì?

Đồng chí Trần Doãn Tiến: Là đơn vị được Ban Tuyên giáo Trung ương giao nhiệm vụ quản trị, vận hành mạng xã hội VCNet, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia xây dựng kế hoạch tổ chức và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho cuộc thi, trong đó có việc chuẩn bị bộ câu hỏi cho 16 tuần thi sao cho đạt được yêu cầu đề ra. Báo cũng đã phối hợp với đối tác kỹ thuật thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) xây dựng, hoàn thiện phần mềm cuộc thi, tăng cường công tác an toàn, an ninh mạng VCNet để bảo đảm hệ thống hoạt động ổn định trong suốt thời gian diễn ra cuộc thi.

Trước khi diễn ra cuộc thi, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã có văn bản đề nghị Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai một số nội dung như: có văn bản đề nghị các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, trường học tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên tham gia hưởng ứng cuộc thi; phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh và truyền hình, báo địa phương tuyên truyền, phổ biến về cuộc thi để đông đảo nhân dân tham gia. Vừa qua, Ban An toàn giao thông một số tỉnh, thành phố như Hà Tĩnh, Đồng Nai, Quảng Bình… đã có văn bản chỉ đạo về việc hưởng ứng cuộc thi tại địa phương. Ban Tổ chức cuộc thi trân trọng cảm ơn và rất mong Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện tốt chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về việc triển khai cuộc thi.

Chúng tôi cũng rất mong các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương tích cực thông tin, tuyên truyền về cuộc thi, tạo sức lan tỏa rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, qua đó góp phần bảo đảm thành công cho cuộc thi.

PV: Với tư cách là Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi, đồng chí có thể chia sẻ với những người dự thi về cách thức, kinh nghiệm làm bài thi sao cho đạt kết quả tốt?

Đồng chí Trần Doãn Tiến: Trước hết, người dự thi cần đọc kỹ Thể lệ Cuộc thi đăng trên mạng VCNet, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và các cơ quan báo chí phối hợp để hiểu rõ cách thức làm bài thi, yêu cầu đối với bài thi được trao giải. Đồng thời, người dự thi cần đọc kỹ các tài liệu tham khảo, các văn bản pháp luật do Ban Tổ chức cung cấp được đăng tải trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, mạng VCNet và các nguồn chính thống. (đường link để đọc tài liệu trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: http://dangcongsan.vn/cuoc-thi-trac-nghiem-chung-tay-vi-an-toan-giao-thong/tu-lieu-tham-khao/tai-lieu-tham-khao-cuoc-thi-trac-nghiem-chung-tay-vi-an-toan-giao-thong-562786.html)

Để đạt kết quả thi trắc nghiệm tốt, người dự thi cần trả lời đúng và đủ 10 câu hỏi trong một bài thi. Bộ câu hỏi của mỗi tuần tập trung vào các kiến thức pháp luật cơ bản, thiết thực nhất đối với những người tham gia giao thông, trong đó ngoài nội dung trọng tâm là giao thông đường bộ, còn có một số câu hỏi về giao thông đường sắt, đường thủy, hàng hải và hàng không. Bên cạnh đó, để bổ sung kiến thức và tạo cảm hứng, tâm thế vui tươi, thoải mái cho người dự thi, có một số câu hỏi về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác bảo đảm TTATGT, các ca khúc hay nhất về ngành giao thông vận tải.

Đối với câu hỏi cuối cùng là dự đoán số người trả lời đúng, kinh nghiệm của một số người dự thi đoạt giải tại các cuộc thi trước là dự thi nhiều lần và mỗi lần đưa ra một con số dự đoán khác nhau, qua đó tăng xác suất trúng giải. Tuy nhiên, cũng có người may mắn làm bài thi chỉ một lần đã đưa ra được con số dự đoán chính xác và được trao giải.

Để cuộc thi thành công, góp phần tăng cường công tác bảo đảm TTATGT, Ban Tổ chức mong muốn đông đảo mọi người tích cực tham gia dự thi và chia sẻ rộng rãi thông tin về Cuộc thi trên các mạng xã hội để tiếp tục có thêm nhiều người tham gia.

Chúc quý vị và các bạn đoạt giải của cuộc thi và tham gia giao thông an toàn!

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí