Dồn sức tìm kiếm nạn nhân ở Quảng Nam

Bão số 9 gây mưa lũ, sạt lở đất đã làm hàng chục người dân ở huyện Nam Trà My và huyện Phước Sơn chết và mất tích. Trong hơn hai ngày qua, cơ quan chức năng của tỉnh cùng các đơn vị quân đội, công an đã huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương thông đường vào hiện trường tìm kiếm số nạn nhân còn lại.

Nỗ lực tìm kiếm nạn nhân mất tích tại thôn 1, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My).
Nỗ lực tìm kiếm nạn nhân mất tích tại thôn 1, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, từ cơn bão số 5 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, nhất là tại các huyện ở khu vực miền núi tỉnh liên tục có mưa lớn, kéo dài làm cho vùng đồi núi bị ngâm nước, dẫn đến sụt nứt. Đáng nói, những trận mưa lớn trong bão số 9 đã làm cho tình trạng sạt lở đất xuất hiện nhiều nơi trên địa bàn các huyện miền núi, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng cuộc sống sinh hoạt của người dân. Trong đó có những trận sạt lở đất kinh hoàng, gây thiệt hại nặng về người tại hai huyện miền núi cao là Nam Trà My và Phước Sơn.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lúc 3 giờ ngày 29-10, Trung đoàn 885 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), Lữ đoàn Công binh 270 (Quân khu 5) đã huy động cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều phương tiện (gồm một máy đào, một máy xúc lật, máy phát điện nhỏ, cưa máy, cuốc, xẻng)… từ TP Tam Kỳ lên huyện Nam Trà My để tìm kiếm các nạn nhân mất tích do sạt lở đất tại thôn 1, xã Trà Leng và thôn 1, xã Trà Vân. Để tạo thuận lợi trong công tác tìm kiếm, trong sáng 29-10, Cơ quan Quân sự huyện Bắc Trà My huy động lực lượng bộ đội, dân quân tự vệ để tiến hành khơi thông tuyến quốc lộ 40B từ dưới lên.

Cùng với đó, Cơ quan Quân sự huyện Nam Trà My cũng đang huy động lực lượng nỗ lực khắc phục từ trên xuống để thông đường vào hiện trường điểm sạt lở. Đến 14 giờ chiều cùng ngày, lực lượng cứu hộ của Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam và các binh chủng chủ lực mới tiếp cận được hiện trường điểm sạt lở đất tại thôn 1, xã Trà Leng. Với sự chi viện của các lực lượng quân đội, sự nỗ lực của lực lượng tại chỗ, công tác tìm kiếm người dân bị vùi lấp, mất tích tại xã Trà Vân và Trà Leng đã được kết quả bước đầu. Đến cuối ngày 29-10, công tác tìm kiếm tại xã Trà Vân đã kết thúc, tám thi thể của người dân được bàn giao cho gia đình lo mai táng. Đáng mừng là, tại điểm sạt lở làng Ông Đề, thôn 1, xã Trà Leng đã cứu được 33 người, trong đó có 16 người bị thương phải đưa đi điều trị.

Ngồi ôm đứa con nhỏ vừa mới thoát chết trong vụ sạt lở đất tại thôn 1, xã Trà Leng, chị Hồ Thị Hà (thôn 2, xã Trà Leng) rưng rưng nước mắt. Chiều tối 28-10, khi chị đang ở trong nhà thì nghe trên núi có tiếng nổ lớn, sau đó đất, đá ào xuống, chị may mắn thoát nạn. Chị liền chạy sang nhà cha mẹ (trước đó chị gửi hai đứa con cho cha mẹ), nhưng vừa đến nơi thấy, bùn đất đã vùi lấp căn nhà và cả cha mẹ cùng hai đứa con của chị. May mắn sau đó, người dân đào bới, tìm được mẹ và hai đứa con của chị, nhưng người cha đã qua đời.

Còn ông Hồ Văn Hiệp (thôn 1, xã Trà Leng) chỉ tay về khu làng bị sạt lở bùn đất, giọng nghẹn ngào: “Từ khi xảy sự việc, tôi không ngủ được, liên tục ra hiện trường để tìm người thân đang mất tích”. Ông còn đến bảy người thân đang mất tích, trong đó có ông Lê Hoàng Việt (Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng) là em rể...

Trong khi các cơ quan chức năng của tỉnh và Quân khu 5 và các đơn vị liên quan đang huy động lực lượng, phương tiện dồn sức cho việc thông đường huyết mạch từ quốc lộ 40B vào hiện trường, tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích trong vụ sạt lở đất tại xã Trà Leng, thì lại nhận được một thông tin từ miền núi huyện Phước Sơn (Quảng Nam) đã xảy ra hai vụ sạt lở đất trong chiều và tối 28-10, làm 13 người mất tích. Trong đó, một vụ xảy ra tại thôn 3, xã Phước Lộc làm 11 người dân bị cuốn trôi, mất tích và một vụ khác làm hai cán bộ xã Phước Lộc trong khi đi làm nhiệm vụ sơ tán dân trong cơn bão số 9 cũng bị vùi lấp, mất tích.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhìn nhận, công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn) đang gặp nhiều khó khăn, do đường giao thông huyết mạch từ trung tâm huyện Phước Sơn vào xã Phước Lộc đang bị sạt lở quá nặng, chưa thông được. Sáng 30-10, Đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam do đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dẫn đầu đã đến Phước Sơn để triển khai các phương án tìm kiếm cứu nạn. Tại đây, đồng chí Phan Việt Cường lưu ý, các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Phước Sơn cần tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung khắc phục sạt lở tuyến giao thông, sớm tiếp cận hiện trường vụ sạt lở để tìm kiếm các nạn nhân còn đang mất tích. Cùng với đó, các cơ quan chức năng của huyện Phước Sơn cần phối hợp chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 2 và các đơn vị liên quan cần huy động lực lượng, phương tiện tìm mọi cách tiếp tế lương thực, thực phẩm vào hiện trường để chu cấp, hỗ trợ cho hơn 200 cán bộ, công nhân trong lúc bị cô lập tại khu vực Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 2; đồng thời lên phương án ứng cứu, hỗ trợ, giải thoát cán bộ, công nhân còn kẹt ra khỏi khu vực bị cô lập. Ngoài ra, huyện Phước Sơn cần có kế hoạch cứu trợ, hỗ trợ kịp thời về lương thực, thực phẩm cho người dân vùng bị cô lập, không được để người dân thiếu đói và bằng mọi cách thông đường để ổn định đời sống sau mưa bão.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Phước Sơn Nguyễn Quảng cho biết, ngôi làng xảy ra vụ sạt lở đất tại thôn 3, xã Phước Lộc nằm cách thị trấn Khâm Đức khoảng 60 km về phía tây nam (nằm tiếp giáp với tỉnh Kon Tum). Sau bão số 9, tuyến đường từ trung tâm huyện lên năm xã vùng cao của huyện bị sạt lở nghiêm trọng cho nên trong chiều 29-10, lực lượng cứu hộ của huyện và bộ đội biên phòng của tỉnh vào chưa được nửa chặng đường đành phải quay lại thị trấn Khâm Đức ngủ. Sáng sớm 30-10, lực lượng cứu hộ lại tiếp tục cuộc hành trình tiến vào khu vực sạt lở nhưng vẫn chưa thể đưa lực lượng chủ lực và cơ giới qua khỏi đoạn đường đang bị hư hỏng nặng. Do vậy, với phương châm “bốn tại chỗ”, huyện đã chỉ đạo chính quyền xã Phước Lộc huy động lực lượng công an xã, người dân địa phương tiếp tục tổ chức tìm kiếm. Với cách làm đó, trong ngày 29-10, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể năm nạn nhân và đang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm những nạn nhân còn lại.

Bài và ảnh: TẤN NGUYÊN

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam, trong đợt mưa bão số 9, tại khu vực các huyện miền núi của tỉnh có 22 người chết, 46 người bị thương và 24 người đang còn mất tích do sạt lở đất, nước cuốn trôi. Trong đó, tại thôn 1, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My) còn 14 người và xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn) còn tám người đang mất tích...