Doanh nghiệp vận tải lao đao trước đại dịch

NDO -

NDĐT - Ngày 27-2, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã chủ trì họp đánh giá thiệt hại của ngành GTVT do dịch Covid-19. Theo đánh giá của lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc bộ, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến các doanh nghiệp trong ngành lao đao; trong đó, các doanh nghiệp lĩnh vực hàng không bị thiệt hại nặng nề nhất.

Doanh nghiệp vận tải lao đao trước đại dịch

Hàng không thiệt hại nặng

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhận định, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục bị ngừng đột ngột tác động mạnh đến hoạt động của các hãng hàng không. Không chỉ thị trường Trung Quốc, nhiều thị trường khác như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản,… cũng bị ảnh hưởng.

Cục trưởng Hàng không Việt Nam (HKVN) Đinh Việt Thắng cho hay: Theo đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), ước tính doanh thu ngành hàng không toàn cầu giảm 4 - 5 tỷ USD, xuất phát từ việc giảm khoảng 40% tổng công suất hành khách trong quý 1, tương ứng gần 20 triệu khách. Theo ước tính mới nhất của Cục HKVN, thay vì dự báo thiệt hại 10 nghìn tỷ đồng như cách đây nửa tháng, nhiều khả năng các hãng hàng không trong nước bị giảm doanh thu lên tới 25 nghìn tỷ đồng.

Từ cuối tháng 1, thị trường vận tải hàng không đã bắt đầu giảm mạnh. Tính đến ngày 26-2, các hãng HKVN đã cắt toàn bộ các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục, các chuyến bay đến Đài Loan và Hồng Công (Trung Quốc) cũng giảm tương ứng 34% và 92% số chuyến. Dù chưa cắt giảm các chuyến bay đến Nhật Bản (vẫn giữ 160 chuyến/tuần), tuy nhiên khả năng cao sẽ phải cắt giảm trong giai đoạn tới. Riêng đối với Hàn Quốc, các hãng đã cắt giảm 41% chuyến bay.

Trong trường hợp khả quan nhất, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 4, Cục HKVN đưa ra kịch bản tổng thị trường sẽ đạt 67 triệu khách (giảm 15,4% so với năm 2019). Trong đó các hãng Việt Nam vận chuyển được 12,7 triệu khách quốc tế (giảm 28,3%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 48 triệu khách (giảm 9,2% so với cùng kỳ).

Trong trường hợp xấu hơn, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6, có tính đến hủy toàn bộ các chuyến bay đi, đến Hàn Quốc, tổng thị trường chỉ đạt 62,1 triệu khách (giảm 22,6% so với 2019). Trong đó, các hãng Việt Nam vận chuyển được 10,4 triệu khách quốc tế (giảm 41,2%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 45,7 triệu khách (giảm 17% so với cùng kỳ).

Ngoài ra, việc dừng khai thác hơn 640 chuyến bay/tuần thường lệ và không thường lệ giữa hai nước của các hãng HKVN và Trung Quốc cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị: Tổng công ty Cảng HKVN, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Vân Đồn.

Theo báo cáo của Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), ngoài mất toàn bộ lượng khách Trung Quốc trong giai đoạn tạm ngừng khai thác đường bay Việt Nam - Trung Quốc, hãng cũng sẽ bị giảm lượng khách trên các đường bay quốc tế khác đi/đến châu Âu, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á,... cũng như trên mạng bay nội địa do tâm lý lo ngại dịch bệnh. Hiện ngày càng nhiều đoàn khách đã đặt vé nhưng thực hiện hủy chuyến.

“VNA phải điều chỉnh phương án khai thác, hủy toàn bộ các đường bay thường lệ và thuê chuyến đi Trung Quốc và Ma Cao (Trung Quốc), Hồng Công (Trung Quốc), giảm tần suất bay, giảm tải cung ứng trên các đường bay đi hầu hết các đường bay quốc tế khác. Việc cắt giảm khai thác làm giảm doanh thu, lợi nhuận đối với hoạt động vận tải của hãng và 17 doanh nghiệp thành viên, gây ra những biến động lớn về khai thác tàu bay, phi công, tiếp viên, tài chính, dòng tiền và các hoạt động với các bên cung ứng,” lãnh đạo VNA cho hay.

Đường bộ, đường sắt, đường biển cũng "lao đao"

Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, trong tháng 2, số lượng xe xuất bến và sản lượng hành khách vận chuyển giảm rất mạnh. Sản lượng vận tải hàng hoá đường bộ trong tháng 2 giảm 6,4%, sản lượng hành khách giảm 16,3% so với tháng 1 và giảm 5,9% so cùng kỳ năm 2019. Một số địa phương bị ảnh hưởng lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, đặc biệt, ở Khánh Hoà, sản lượng vận chuyển khách vận tải du lịch giảm tới 70%...

Lĩnh vực hàng hải, Phó Cục trưởng Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang đánh giá, hoạt động xuất nhập khẩu đã giảm mạnh với lý do nhiều thị trường lớn hiện nay như Trung Quốc sụt giảm, việc vận chuyển hàng hóa trên đường biển hay hoạt động của các doanh nghiệp, kinh doanh cảng, kho bãi cũng ảnh hưởng theo. Trong lĩnh vực hàng hải, sản lượng vận tải hàng hoá giảm 30% so với tháng 1 và giảm 0,3% so với cùng kỳ; sản lượng hành khách giảm tương ứng 17,8% và 3,4%. Các doanh nghiệp vận tải biển trong nước đứng trước nguy cơ thiếu nguồn cung đầu vào (nguyên vật liệu) cho hoạt động sản xuất, kinh doanh,...

Lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam cũng thừa nhận, đường sắt nội địa bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì hoạt động du lịch, đi lại của người dân giảm. Đường sắt có đặc thù độc đạo, không thể mở thêm tuyến mới, hành khách ở trong các toa khép kín nên người dân sợ lây nhiễm dịch trong các toa. Theo thống kê trong tháng 2, sản lượng hành khách đi đường sắt giảm 45% so với tháng 1 và giảm 47,4 % so với cùng kỳ năm 2019.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan liên quan cần rà soát kỹ những ảnh hưởng do dịch Covid-19. Diễn biến dịch thay đổi từng ngày nên số liệu cũng cần được cập nhật kịp thời, để từ đó đưa ra các đề xuất hợp lý, phù hợp quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị trực thuộc cần nhanh chóng đánh giá sát thực, nghiên cứu để đưa ra những đề xuất, kiến nghị phù hợp ứng phó dịch hiệu quả, các số liệu ảnh hưởng phải “chính xác, không chung chung, không thổi phồng”. Những đề xuất, kiến nghị nào thuộc thẩm quyền của Bộ, Bộ sẽ quyết ngay, nếu thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội thì Bộ sẽ tiếp tục kiến nghị.

Cục trưởng HKVN Đinh Việt Thắng đề xuất Bộ GTVT báo cáo Chính phủ cho phép ban hành chính sách hỗ trợ như áp dụng chính sách giảm 50% giá cất - hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi - đến, miễn giảm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với các chuyến bay nội địa, dự kiến áp dụng từ ngày 1-3 đến 31-5 tới và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh. Đồng thời, cho phép áp dụng mức giá 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá,… nhằm giúp các hãng giảm bớt một phần gánh nặng chi phí, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cục HKVN cũng đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, xem xét việc miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong thời hạn 3 tháng. Trường hợp cân đối ngân sách gặp khó khăn thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách; xem xét nới lỏng chính sách visa nhập cảnh đối với khách từ các thị trường quốc tế đến Việt Nam,…

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho các đơn vị vận tải, bến xe như giảm lãi suất vay, giãn thời gian trả nợ tại các ngân hàng; cho phép lùi thời gian đóng các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp... để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Khẳng định ngành GTVT không được phép chủ quan trong bất cứ thời điểm nào, cuộc chiến chống dịch phải triển khai thường xuyên liên tục, kịp thời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, các đơn vị cần có giải pháp cách ly, kiểm soát không lây bệnh nhưng hàng hóa phải được lưu thông để bảo đảm sản xuất. Để khắc phục thiệt hại, Bộ trưởng gợi ý các hãng hàng không nghiên cứu mở thêm các đường bay quốc tế mới, chú trọng các đường bay đến thị trường tiềm năng như Ấn Độ với dân số 1,3 tỷ người. Ngoài ra, khi các đường bay quốc tế đang dừng và cắt giảm tần suất, cần nghiên cứu tăng khai thác nội địa tới các sân bay nhỏ như từ Cần Thơ đi Tây Nguyên. Để giảm bớt khó khăn, các hãng cần tái cơ cấu đội máy bay, tìm cách bán máy bay cũ, kéo dài thời gian nhận tàu, đàm phán giảm giá thuê và dừng hợp đồng thuê,...