Doanh nghiệp đã ký quỹ 300 triệu đồng được cấp phép hoạt động dịch vụ việc làm

NDO -

Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 300 triệu đồng là đáp ứng một trong những điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm. 

Phiên giao dịch việc làm trực tuyến tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Ảnh minh họa: HCES).
Phiên giao dịch việc làm trực tuyến tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Ảnh minh họa: HCES).

Đây là một trong những nội dung của Nghị định số 23/2021/NĐ-CP quy định chi tiết khoản 3 Điều 37 và Điều 39 của Luật Việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL), doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm (DVVL) vừa được Chính phủ ban hành.

Đối tượng áp dụng là TTDVVL theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 37 của Luật Việc làm. Đó là TTDVVL do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định thành lập;  TTDVVL do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập;  TTDVVL do người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp trung ương quyết định thành lập. Ngoài ra còn có doanh nghiệp hoạt động DVVL theo quy định tại khoản 1 Điều 39 của Luật Việc làm.

Điều kiện thành lập của TTDVVL cần đáp ứng một số tiêu chí sau.

Thứ nhất, có mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công về việc làm.

Thứ hai, phù hợp quy hoạch mạng lưới TTDVVL đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ ba, có trụ sở làm việc hoặc đề án cấp đất xây dựng trụ sở làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp xây dựng trụ sở mới).

Thứ tư, có trang thiết bị để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 7 Nghị định này phù hợp với tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng do cấp có thẩm quyền ban hành;

Thứ năm, có ít nhất 15 người làm việc là viên chức.

Thứ sáu, cơ quan có thẩm quyền thành lập bảo đảm kinh phí cho các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công về việc làm theo quy định của pháp luật.

TTDVVL được thành lập mới, tổ chức lại phải thực hiện phương án về trụ sở làm việc, trang thiết bị và nhân sự trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày có Quyết định thành lập. Trường hợp cần thiết thành lập mới TTDVVL thì TTDVVL phải tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư.

Trình tự, thủ tục, hồ sơ thành lập, tổ chức lại, giải thể TTDVVL thực hiện theo quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Nhiệm vụ của TTDVVL gồm có các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động (NLĐ); cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động (NSDLĐ);  Thu thập và cung cấp thông tin thị trường lao động (TTLĐ); Phân tích và dự báo TTLĐ; Thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm; Đào tạo kỹ năng tham gia phỏng vấn, tìm kiếm việc làm và các kỹ năng làm việc khác; giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật; Thực hiện các chương trình, dự án về việc làm.

TTDVVL thực hiện theo cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Kinh phí của TTDVVL từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; kinh phí quản lý Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với các TTDVVL thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 6 Điều 7 Nghị định này;  nguồn thu từ hoạt động dịch vụ của TTDVVL theo quy định của pháp luật và nguồn thu hợp pháp khác.

Trách nhiệm của TTDVVL là thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ và cung cấp thông tin TTLĐ miễn phí; Bảo đảm chất lượng dịch vụ sự nghiệp công về việc làm theo các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; Tổ chức thực hiện các hoạt động giao dịch việc làm, xây dựng dữ liệu người tìm việc, việc làm trống để kết nối cung - cầu lao động; Thực hiện đúng quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của TTDVVL.

Điều kiện cấp giấy phép cho TTDVVL là có địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh để tổ chức hoạt động DVVL thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc được doanh nghiệp thuê ổn định theo hợp đồng từ ba năm (36 tháng) trở lên. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 300 triệu đồng.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện hoạt động DVVL phải có trình độ từ đại học trở lên, hoặc đã có thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý DVVL hoặc cung ứng lao động từ đủ hai năm (24 tháng) trở lên trong 5 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.

UBND tỉnh hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được UBND cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính ủy quyền (sau đây gọi chung là cơ quan nhà nước có thẩm quyền) cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy phép đối với doanh nghiệp.

Thời hạn của giấy phép hoạt động DVVL tối đa là 60 tháng. Giấy phép được gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối đa 60 tháng. Thời hạn giấy phép được cấp lại bằng thời hạn còn lại của giấy phép đã được cấp trước đó.

Văn bản có hiệu lực từ ngày 1-6-2021.

Nghị định số 196/2013/NĐ-CP ngày 21-11-2013 của Chính phủ quy định thành lập và hoạt động của TTDVVL; Nghị định số 52/2014/NĐ-CP; Điều 10, Điều 12 Nghị định số 140/2018/NĐ-CP hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Lao động và việc làm