Doanh nghiệp chậm hoàn thổ sau khai thác khoáng sản

Trên địa bàn TP Đà Nẵng, không khó để nhận ra các khu vực đang có doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản (KTKS) hoạt động. Những quả đồi bị ngoạm sâu nham nhở, nhiều diện tích đất nông nghiệp, đất trồng rừng của người dân sau khai thác không thể sử dụng... Việc các DN cố tình chậm trễ hoặc né tránh cam kết hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác khiến nhiều người dân không khỏi bức xúc.

Nhiều mỏ khoáng sản lộ thiên trên địa bàn xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang.
Nhiều mỏ khoáng sản lộ thiên trên địa bàn xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang.

Mất trắng đất nông nghiệp

Từ quốc lộ 1 qua địa bàn thôn Phước Thuận (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), không khó để nhìn thấy hình ảnh những ngọn đồi bị đào khoét nham nhở, trơ trụi. Khu vực này tập trung khá nhiều DN khai thác khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng. Con đường vào thôn Phước Thuận, mặc dù được cải tạo, nâng cấp, nhưng lưu lượng xe tải hoạt động dày đặc làm xáo trộn đời sống, sinh hoạt, môi trường sống của người dân. Những ngày nắng ráo, đường vào thôn phủ một lớp dày bụi cát, đá nghiền, ngày mưa lầy lội, bẩn thỉu. Trở lại Phước Thuận lần này, chúng tôi vẫn chứng kiến cảnh bụi bặm mù mịt, mặc dù trong thôn đã có nhiều đơn vị KTKS đóng cửa mỏ để khôi phục, hoàn thổ.

Người dân đã nhiều lần có ý kiến với chính quyền, phản ánh lên phương tiện truyền thông nhưng sự việc không biến chuyển. Không ít lần, vì quá bức xúc, người dân đã mang vật dụng ra chặn đường, ngăn không cho xe tải chở đất đá, khoáng sản đi qua. Câu chuyện này đã xảy ra với người dân hơn chục năm qua, chính quyền địa phương nhiều lần có văn bản yêu cầu các DN khẩn trương nộp tiền hỗ trợ người dân đúng hạn nhưng chưa được giải quyết triệt để. Người dân sống trong cảnh ô nhiễm, mất tư liệu sản xuất vì đất nông nghiệp bị hoang hóa, khô cằn, không thể cải tạo, trở thành những vùng "đất chết". Các mỏ khoáng sản bị khai thác ồ ạt không theo quy hoạch đã gây nên nhiều hậu họa khó lường. Hàng chục héc-ta đất, trong đó đất nông nghiệp chiếm phần lớn bị hoang hóa, không thể cải tạo, phục hồi, chưa có cơ chế chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang trồng các loại cây phù hợp khác khiến đời sống người dân hết sức bấp bênh.

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Nguyễn Tấn Phát, qua rà soát, đến nay, trên địa bàn toàn xã có gần 35 ha đất nông nghiệp không thể sản xuất được do hoạt động KTKS làm bồi lấp. Có 10 xứ đồng của bốn thôn gồm Phước Thuận, Phước Hậu, Thạch Nham Ðông và Hòa Khương Ðông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các DN chỉ khắc phục hậu quả bằng cách hỗ trợ tiền mùa vụ cho người dân hằng năm. Riêng tại xứ đồng Hố Rái (thôn Phước Thuận), số tiền hỗ trợ không đầy đủ. Trong giai đoạn 2013 - 2017, người dân xứ đồng Hố Rái chưa nhận được tiền chi trả hỗ trợ vụ mùa, các DN còn nợ dân gần 340 triệu đồng. Nhiều mỏ khoáng sản đã hết hạn sử dụng từ lâu nhưng DN chậm cải tạo, phục hồi môi trường để đóng cửa mỏ, khiến tình trạng bồi lấp tiếp tục tăng, gây bức xúc trong nhân dân.

Trên địa bàn TP Ðà Nẵng còn nhiều vùng hiện có các DN được cấp giấy phép KTKS như xã Hòa Ninh, các phường Hòa An, Hòa Thọ Tây, Hòa Ðông (quận Cẩm Lệ), Hòa Minh, Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu). Ðến nay, toàn thành phố có 31 giấy phép KTKS đã hết hiệu lực, buộc phải tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường. Tuy nhiên, hiện mới có 23 mỏ thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường theo Ðề án đóng cửa mỏ đã được UBND thành phố Ðà Nẵng phê duyệt. Còn lại các mỏ khác, một số mới đang lập hồ sơ đề án đóng cửa mỏ theo kiểu đối phó, thậm chí một số mỏ còn chưa lập hồ sơ.

Cần giải pháp mạnh

Ðể giải quyết vấn đề này, chính quyền TP Ðà Nẵng đã nhiều lần ra "tối hậu thư" cho các DN, trong đó, nhiều lần xử phạt, quyết định đóng cửa mỏ để buộc DN hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác. Năm 2015, UBND thành phố Ðà Nẵng ra quyết định yêu cầu các DN nộp tiền ký quỹ 500 triệu đồng/mỏ. Năm 2017, Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng Huỳnh Ðức Thơ ký Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn TP Ðà Nẵng. Các sở, ngành liên quan đã phối hợp chặt chẽ Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, phần nào hạn chế được tình trạng KTKS trái phép trên địa bàn.

Tính đến tháng 2-2019, trên địa bàn TP Ðà Nẵng có 29 mỏ được cấp giấy phép KTKS. Trong đó, bốn mỏ đá xây dựng đang lập hồ sơ gia hạn; 25 mỏ có giấy phép đang còn hiệu lực, gồm 21 giấy phép khai thác đá, còn lại là khai thác đất đồi, cát sông và vàng gốc. Các DN đã đóng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường hơn 24,2 tỷ đồng. Một số DN nghiêm túc chấp hành đúng tiến độ nộp tiền ký quỹ theo quy định, nhưng không ít DN cố tình vi phạm hợp đồng ký quỹ, lặng lẽ "tháo chạy" khỏi địa bàn, bỏ lại những quả đồi trước đây phủ xanh cây rừng, sau quá trình khai thác bị đào xới nham nhở, nhiều hố sâu hoắm.

Trước thực trạng này, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Ðà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời tham mưu, đề xuất UBND thành phố xử lý các vấn đề phát sinh. Từ năm 2017 đến nay, Sở đã xây dựng kế hoạch, thành lập các đoàn giám sát, kiểm tra với sự tham gia của chính quyền cơ sở, đơn vị liên quan trong công tác đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt theo Ðề án đóng cửa mỏ. Trong năm 2018 vừa qua, các đoàn giám sát đã kiểm tra 22 mỏ, mới có sáu mỏ hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường, một số mỏ đang triển khai và vẫn còn bốn mỏ chưa triển khai cải tạo môi trường.

Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND thành phố Ðà Nẵng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính gần 450 triệu đồng đối với tám đơn vị về hành vi khai thác vượt công suất thiết kế, đồng thời xử lý vi phạm đối với các đơn vị chưa chấp hành nghiêm nội dung của Ðề án và chậm lập hồ sơ đóng cửa mỏ. UBND thành phố đã ban hành quyết định xử phạt Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Fococev (mỏ đá Phước Thuận 3, xã Hòa Nhơn) số tiền 100 triệu đồng; xử phạt Công ty cổ phần An Tâm, Công ty cổ phần Tập đoàn Nguyễn Phan Chánh mỗi đơn vị 120 triệu đồng về hành vi chậm lập hồ sơ đóng cửa mỏ...; đồng thời, tiếp tục làm việc, xử lý vi phạm đối với Công ty TNHH Thạch Toàn (mỏ đá Hố Sanh, xã Hòa Nhơn); Công ty TNHH Hoàng Khoa (mỏ đá Phước Hậu, xã Hòa Nhơn) và Công ty cổ phần Ðá xây dựng Hòa Phát (mỏ đá Hòa Phát, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ).

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng, việc trồng cây cải tạo, phục hồi môi trường trên địa bàn hiện gặp một số khó khăn do nắng nóng kéo dài, cây cối bị gia súc phá hỏng nhiều do trồng tại đồi núi không được bảo vệ. Thời gian chăm sóc để cây phát triển kéo dài tới 36 tháng, gây ảnh hưởng đến việc bàn giao mỏ cho địa phương quản lý sau khai thác. Trong năm nay, Sở sẽ tiếp tục thành lập đoàn giám sát, kiểm tra công tác đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường theo Ðề án đã được phê duyệt, tham mưu UBND thành phố xử lý nghiêm các đơn vị chây ỳ và không thực hiện đúng tiến độ cải tạo, phục hồi môi trường.

Chính quyền TP Ðà Nẵng cần có biện pháp mạnh hơn buộc DN thực hiện cam kết hoàn thổ, cải tạo môi trường đúng thời gian quy định, giải quyết dứt điểm những bất cập về cảnh quan, môi trường sau khai thác, nhanh chóng ổn định đời sống người dân vùng bị ảnh hưởng, đồng thời bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.