Diễn tập chữa cháy rừng cấp quốc gia

Ngày 22-11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức diễn tập chữa cháy rừng cấp quốc gia năm 2019 tại xóm Chanh, xã Trường Sơn, huyện Lương Sơn.

Nông sản an toàn được trưng bày tại lễ phát động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn của tỉnh Thái Nguyên.
Nông sản an toàn được trưng bày tại lễ phát động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn của tỉnh Thái Nguyên.

Quy mô diễn tập chữa cháy rừng trên diện tích 3 ha rừng trồng keo 5 năm tuổi thuộc lô 12 khoảnh 10 tiểu khu 86 với hơn 1.000 người tham gia. Buổi diễn tập nhằm nâng cao vai trò chỉ huy phòng cháy, chữa cháy (PCCC); các lực lượng phối hợp nhuần nhuyễn để có phương án, kế hoạch chủ động ứng phó khi có cháy rừng xảy ra. Tại hiện trường vụ cháy rừng, dưới sự chỉ huy của Trưởng Ban Chỉ đạo diễn tập PCCC rừng Trung ương, tất cả các lực lượng được huy động đã kịp thời vào hiện trường tham gia chữa cháy. Kết quả, trong thời gian ngắn đám cháy đã được khống chế và dập tắt hoàn toàn.

Trong quá trình chữa cháy, bảo đảm an toàn về mọi mặt; đặc biệt là các loại phương tiện, tài sản, con người được huy động tham gia chữa cháy rừng.

* Ngày 22-11, tỉnh Thái Nguyên tổ chức lễ phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng. Tỉnh hiện có hơn hai nghìn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, trong số đó có khoảng 10% cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Tại lễ phát động, đại diện nông dân ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt; không dùng chất cấm trong bảo quản, chế biến thực phẩm; không tiêu dùng thực phẩm bẩn.

* Hiện, thành phố Hà Nội đã thiết lập được cơ sở dữ liệu quản trị cho 3.068 cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp, cửa hàng sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông sản an toàn. Trong đó, đã hoàn thiện thủ tục quản lý, tập hợp hồ sơ đăng ký tham gia hệ thống và cấp mã QR code minh bạch thông tin cho 6.949 bộ mã truy xuất nguồn gốc nông sản đủ tiêu chí về an toàn thực phẩm lên Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản trên địa bàn Hà Nội.

* Tối 22-11, UBND huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) tổ chức khai mạc “Ngày hội hoa quả tươi” lần thứ nhất - năm 2019. Tham gia ngày hội có 30 gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản đặc trưng của các xã, thị trấn trong huyện. Tại ngày hội, Ban tổ chức tôn vinh 10 hộ nông dân làm vườn tiêu biểu; trao chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho ba sản phẩm nem nướng, măng bát độ và quả tươi Hữu Lũng... Ngày hội diễn ra đến hết ngày 23-11.
* Năm 2019, diện tích cây có múi của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đạt khoảng 6.700 ha, tổng sản lượng ước đạt 58 nghìn tấn. Hiện, địa phương có 1.800 ha cây có múi được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Thời gian tới, huyện sẽ phấn đấu 100% diện tích cây có múi được sản xuất theo các quy trình này.

* Niên vụ 2019-2020, diện tích mía nguyên liệu của tỉnh Tuyên Quang giảm xuống còn hơn 4.540 ha (niên vụ 2018-2019 là 8.470 ha), tổng diện tích mía bị phế canh hơn 3.600 ha. Nguyên nhân là do Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương có lượng đường tồn kho lớn dẫn đến chậm thanh toán tiền mua mía nguyên liệu, đồng thời giảm giá thu mua khiến nhiều người không trồng mía nữa.

* Sáng 22-11, tàu cá PY-96217 TS trên đường đi khai thác đã bị mắc cạn tại cửa biển Đà Diễn (Phú Yên). Tàu bị sóng đánh, phá nước phần lái nên trôi dạt vào bãi đá bờ kè xóm Rớ hư hỏng nặng. Lực lượng chức năng cùng người dân đã cứu hộ, đưa tàu cá vào bờ. Ngoài ra, có hai tàu cá khác cũng bị phá nước được lai dắt vào cảng Vũng Rô ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa.

* Sáng 22-11, cách khu vực biển Cửa Sót 1 hải lý, thuyền đánh cá (chưa có số hiệu) do ông Hoàng Nhân ở xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà làm thuyền trưởng, có hai thuyền viên, đang đánh bắt cá thì bất ngờ bị sóng biển đánh chìm. Lực lượng biên phòng Trạm Cửa Sót (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) đã nhanh chóng tiếp cận, cứu nạn ba thuyền viên và trục vớt phương tiện bị chìm đưa vào bờ an toàn.

* Tối 21-11, tàu cá ĐNa - 90275 TS đang hành nghề tại vùng biển Đà Nẵng thì một thuyền viên bị vật nặng rơi trúng đầu làm bất tỉnh tại chỗ. Cục Hàng hải Việt Nam điều tàu SAR 412 đi cứu hộ, cùng đi có bác sĩ từ Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng. Đến 22 giờ cùng ngày, tàu SAR 412 đã đưa nạn nhân về tới Đà Nẵng an toàn và bàn giao cho cơ quan chức năng. Nhờ được cấp cứu kịp thời, nạn nhân đã vượt qua cơn nguy kịch.

* Từ nay đến năm 2023, tỉnh Kiên Giang sẽ xây dựng 18 cống trên đê biển, ven biển thuộc địa bàn bốn huyện An Minh, An Biên, Châu Thành và Kiên Lương với tổng vốn đầu tư 1.484 tỷ đồng. Các cống đê này sẽ giúp tăng cường khả năng thích ứng với điều kiện tự nhiên, nguồn nước và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho khu vực có diện tích 99 nghìn ha thuộc các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Châu Thành và khoảng 110 nghìn ha thuộc các huyện Kiên Lương, Giang Thành và Hòn Đất.

* Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đang khuyến cáo người dân không tự ý tái đàn lợn vì dịch bệnh đang diễn ra phức tạp. Chính quyền sẽ không hỗ trợ thiệt hại đối với các hộ dân tự ý tái đàn lợn khi xảy ra dịch bệnh, bị tiêu hủy. Thời gian qua, tỉnh đã xuất ngân sách gần 40 tỷ đồng phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; đồng thời, thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại cho nhiều hộ chăn nuôi có đàn lợn mắc bệnh phải tiêu hủy theo quy định.

* Theo Chi cục Thủy sản Trà Vinh, 5 năm gần đây, bình quân mỗi năm có hơn 2.100 hộ nông dân ở vùng nước ngọt và lợ trong tỉnh thả nuôi tôm càng xanh với diện tích gần 2.000 ha, tổng sản lượng thu hoạch hơn 1.500 tấn tôm càng thương phẩm. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích nông dân nuôi tôm càng xanh toàn đực, nhằm tăng năng suất, chất lượng tôm để tăng thêm mức lợi nhuận 1,5 lần so với nuôi tôm càng bình thường.

* Hiện, mô hình nuôi tôm hai giai đoạn đang được các doanh nghiệp và người dân tỉnh Bến Tre áp dụng với tổng diện tích hơn 780 ha, tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2018. Ưu điểm của mô hình này là cho năng suất, chất lượng vượt trội so với cách nuôi cũ, lợi nhuận từ 700 đến 800 triệu đồng/ha/vụ nuôi. Đến năm 2020, tỉnh sẽ mở rộng mô hình nuôi này lên 1.200 ha.

Hỗ trợ hạt giống cho bốn tỉnh

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 895 tấn hạt giống lúa, 133 tấn hạt giống ngô và 29 tấn hạt giống rau từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho bốn tỉnh: Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh và Thanh Hóa gieo trồng vụ đông 2019 và vụ đông xuân 2019 - 2020. Cụ thể, tỉnh Quảng Trị được cấp 395 tấn hạt giống lúa, 26 tấn hạt giống ngô và 6,6 tấn hạt giống rau; tỉnh Quảng Bình 50 tấn hạt giống lúa, bảy tấn hạt giống ngô và bốn tấn hạt giống rau; tỉnh Hà Tĩnh 350 tấn hạt giống lúa, 10 tấn hạt giống ngô và 3,4 tấn hạt giống rau; tỉnh Thanh Hóa 100 tấn hạt giống lúa, 90 tấn hạt giống ngô và 15 tấn hạt giống rau.