Điện Biên bảo đảm chất lượng quy hoạch cán bộ nguồn các cấp

Tỉnh Điện Biên đang tập trung chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp để chọn được những người có đức, có tài đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện, đúng quy trình, quy định. Công tác chuẩn bị nguồn ủy viên Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh, huyện và cán bộ chủ chốt tỉnh, huyện được chú trọng rà soát, quy hoạch thường niên, quy hoạch bổ sung. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh dự kiến có 50% đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (26/52 đồng chí) tái cử. Hiện nay, nguồn ủy viên Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh có 85 đồng chí và 23 đồng chí được quy hoạch vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện; có cân nhắc, tính toán tỷ lệ nữ, cơ cấu dân tộc, cán bộ trẻ.

Dạy nghề may cho phụ nữ dân tộc Khmer ở huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Ảnh: PHƯỚC LIÊU
Dạy nghề may cho phụ nữ dân tộc Khmer ở huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Cùng với việc chủ động rà soát, quy hoạch cán bộ nguồn các cấp, tỉnh đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng nguồn cán bộ, nhất là nguồn nhân sự cho nhiệm kỳ tới. Từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020 đến nay, tỉnh đã cử 529 cán bộ đi đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị, hoàn chỉnh kiến thức cao cấp lý luận chính trị; 4.442 cán bộ đi đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị; 46 cán bộ đi đào tạo bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp; 488 cán bộ được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính và 2.075 cán bộ được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên.

* Tỉnh Sóc Trăng có hơn 425 nghìn đồng bào thuộc 25 dân tộc thiểu số (DTTS). Thời gian qua, các chương trình, chính sách, dự án đầu tư vào vùng DTTS đã được các cấp, ngành tỉnh Sóc Trăng triển khai kịp thời, có hiệu quả. Từ năm 2014 đến nay, Chương trình 135 đã đầu tư hơn 446 tỷ đồng để thực hiện duy tu bảo dưỡng công trình, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở, cộng đồng. Các chương trình hỗ trợ với tổng vốn hơn 1.675 tỷ đồng đã giúp 4.054 hộ nghèo có đất ở, chuộc lại đất sản xuất và vay vốn tạo việc làm, phát triển kinh tế; hỗ trợ 7.846 hộ đồng bào DTTS nghèo được học nghề. Các chính sách an sinh xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai; công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của đồng bào DTTS được giữ gìn... đã góp phần làm cho cuộc sống của đồng bào DTTS được nâng lên, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh còn 5%, trong đó tỷ lệ hộ DTTS nghèo còn dưới 10%.

Tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2024, 100% xã có đường ô-tô đến trung tâm xã; 50% đường trục ấp, xã được bê-tông hóa; 54% vùng có đông đồng bào DTTS có trường học kiên cố; 99% hộ gia đình DTTS có điện và nước sạch sử dụng. Hằng năm, giải quyết việc làm cho 28.000 lao động, trong đó người DTTS chiếm 25%; giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm từ 2% đến 3%, trong đó tỷ lệ hộ đồng bào DTTS giảm từ 3% đến 4%.