Dịch tả lợn châu Phi ở Thái Bình tạm lắng, tỉnh yêu cầu các địa phương không lơ là

NDO -

Sau một thời gian bùng phát mạnh, ba ngày nay dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã tạm lắng. Tỉnh đang rốt ráo yêu cầu các huyện, thành phố không chủ quan trong phòng chống dịch bệnh.

Lực lượng thú y tiến hành thu gom, xử lý lợn ốm, chết do dịch tả lợn châu Phi tại xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, Thái Bình
Lực lượng thú y tiến hành thu gom, xử lý lợn ốm, chết do dịch tả lợn châu Phi tại xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, Thái Bình

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện nay trên địa bàn có tổng cộng 16 ổ dịch tả lợn châu Phi tại năm huyện. Tổng số lợn đã tiêu hủy là 705 con, tổng khối lượng là hơn 39 tấn. Số hóa chất đã sử dụng là hơn một nghìn lít và khoảng 19 tấn vôi bột để vệ sinh khử trùng vùng có ổ dịch.

Qua tổng hợp, từ ngày 19-10, ổ dịch đầu tiên tại xã Vũ Chính (TP Thái Bình) đã qua 21 ngày không phát sinh lợn ốm, chết. Ổ dịch phát sinh gần đây nhất là ngày 3-11 tại thị trấn Hưng Hà (huyện Hưng Hà). Nhìn chung, dịch đang được kiểm soát tốt với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trên tinh thần quyết liệt, không để lây lan rộng, ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi của tỉnh.

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hưng Hà cho biết: Hiện nay, địa phương chưa có điểm nào phải công bố dịch, tuy nhiên quan điểm của lãnh đạo huyện là áp dụng các biện pháp phòng chống cao nhất như đang có dịch. Tại năm xã, thị trấn xảy ra lợn ốm, chết đến thời điểm này được kiểm soát tốt, chỉ tiêu hủy lợn mắc bệnh hoặc có biểu hiện, triệu chứng của dịch tả lợn châu Phi, còn lại những con lợn khỏe mạnh tiếp tục được cách ly, theo dõi chặt chẽ.

Tại huyện Vũ Thư, trong tuần trước dịch có diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan cao với các ổ dịch ở xã Hòa Bình, Việt Hùng, Minh Khai, Tân Lập…, nhưng nay nhờ những chỉ đạo sát sao của lãnh đạo huyện, các cơ quan chuyên môn, sự hợp tác của hộ chăn nuôi, nên địa phương này khẳng định đã khống chế cơ bản tình hình.

Ông Nguyễn Tống Thìn, phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho biết, huyện coi việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Đã xây dựng kịch bản xử lý trong mọi tình huống trên phạm vi toàn huyện và quán triệt phương châm “bốn tại chỗ”, không để dịch lây lan, uy hiếp trực tiếp đến đời sống của người chăn nuôi.

Thời gian Tết đã cận kề, tâm lý người nuôi muốn phục hồi sản xuất bởi so với nhiều vật nuôi khác, thì lợn vẫn tạo ra giá trị tốt nhất bởi thời gian quay vòng nhanh. Theo tính toán, một con lợn nái nuôi trong một năm đã có thể sinh được từ 20-25 con; còn tính trung bình khoảng bốn đến năm tháng chăm sóc thì trọng lượng một con lợn có thể tăng được từ 1 đến 1,2 tạ.

Tuy nhiên, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình, diễn biến dịch còn rất khó lường, không thể nói trước điều gì bởi hiện nay khó khăn, trở ngại lớn nhất là vẫn chưa có vaccine ngăn ngừa.

Hiện nay, nhiều hộ dân có tư tưởng tái đàn, nhưng nếu vẫn chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún thì khó kiểm soát được dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc phòng chống dịch phải khép kín, đồng bộ, nếu chỉ một mình Thái Bình quyết liệt mà các tỉnh lân cận buông lỏng thì nguy cơ phát sinh, lây lan dịch tả lợn châu Phi là rất lớn.