Dịch tả lợn châu Phi lây lan tất cả các huyện, thị tại Phú Thọ

NDO -

NDĐT - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, tính đến thời điểm hiện tại, 13/13 huyện, thị, thành phố của tỉnh Phú Thọ đã có dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).

Tiêu hủy lợn nhiễm bệnh tại huyện Hạ Hòa.
Tiêu hủy lợn nhiễm bệnh tại huyện Hạ Hòa.

Đến nay, tổng số lợn tại tỉnh Phú Thọ phải tiêu hủy gần 8.000 con với tổng trọng lượng gần 472 tấn. Như vậy, tính từ ngày 16- 5 đến nay (thời điểm TP Việt Trì công bố ổ dịch đầu tiên), chỉ trong vòng một tháng, đã có khoảng 100 xã, phường, thị trấn xuất hiện ổ dịch.

Ngoài việc tiêu hủy lợn tại các hộ chăn nuôi có lợn ốm, chết do dịch tả lợn châu Phi theo quy định và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, tỉnh Phú Thọ còn thành lập 166 chốt kiểm soát tại các xã công bố dịch, vùng uy hiếp, vùng đệm...

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, hiện tại, tình hình dịch bệnh trên địa bàn còn diễn biến hết sức phức tạp, số điểm có lợn ốm, chết gia tăng nhanh hằng ngày gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng thú y trong việc bố trí lực lượng đáp ứng yêu cầu trong ngày để kiểm tra, giám sát, lấy mẫu (trung bình hằng ngày có 9 - 10 huyện báo cáo phát sinh dịch bệnh, số hộ phát sinh từ 40 - 50 hộ, với 100 - 200 con lợn, nhiều nhất là hơn 400 con).

Ngay khi bệnh DTLCP xảy ra trên địa bàn, tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo và triển khai các phương án hành động cụ thể nhằm ngăn chặn, ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh.

Ông Nguyễn Tất Thành, Chi cục trưởng Chi cục thú y và chăn nuôi tỉnh Phú Thọ cho biết, để khống chế bệnh dịch lây lan trên diện rộng, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ đã phối hợp chặt chẽ các địa phương xây dựng phương án cụ thể tổ chức chống dịch. Đồng thời, rà soát tổng số hộ chăn nuôi lợn, tổng đàn lợn, đặc biệt tại các xã đã có dịch để tránh tình trạng khai báo không trung thực nhằm trục lợi chính sách hỗ trợ. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ vận chuyển, buôn bán, kinh doanh lợn giống, lợn thịt và các sản phẩm từ thịt lợn tại các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến; điều tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán lợn và các sản phẩm từ lợn làm lây lan dịch bệnh.

Cùng với đó, các cơ quan truyền thông tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền hằng ngày về diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn để người dân nắm bắt kịp thời, chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, phối hợp với cơ quan chuyên môn giám sát, phát hiện dịch bệnh, tố giác các hành vi giấu dịch, bán chạy làm lây lan dịch bệnh; không vứt xác lợn chết, lợn bệnh ra nơi công cộng gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.