Dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 57 tỉnh, thành phố

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, ngày và đêm 16-6, khu vực vùng núi Bắc Bộ đã có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cảnh báo, mưa lớn ở vùng núi Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 18-6; thời gian mưa lớn tập trung vào đêm và sáng sớm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi phía bắc (nhất là các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Cạn, Yên Bái, Lào Cai), ngập lụt vùng trũng. Cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 1.

★ Khu vực Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao. Nắng nóng ở khu vực này có khả năng kéo dài trong năm đến bảy ngày tới. Do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt kéo dài trong những ngày tới kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp, dẫn đến nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ. Ngoài ra, nắng nóng có tác động và gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

★ Trên các vùng biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang, vịnh Thái-lan và khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông rải rác, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2 đến 3 m, biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

★ Dự báo dài hạn, tại Bắc Bộ, từ tháng 7 đến tháng 10, trên các sông suối sẽ xuất hiện nhiều đợt lũ. Tại Trung Bộ và Tây Nguyên, trong nửa cuối tháng 6 đến tháng 7, trên các sông ở Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đến hai đợt lũ nhỏ, các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện một đến hai đợt lũ; mực nước trên các sông ở Trung Bộ biến đổi chậm. Trong mùa lũ năm 2019, ít có khả năng xuất hiện lũ sớm và lũ lớn ở đầu nguồn sông Cửu Long, nhưng tiềm ẩn nguy cơ cường suất lũ lên nhanh hơn bình thường do tác động điều tiết dòng chảy từ thượng lưu.

★ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư Phòng chống thiên tai tiếp tục đôn đốc các tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía bắc và trung du Bắc Bộ chủ động ứng phó mưa lớn, lũ, lũ quét và sạt lở đất; tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ các bản tin và diễn biến thiên tai để triển khai các biện pháp phòng tránh.

★ Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã có 10 xã công bố hết dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Từ đầu tháng 2 đến nay, dịch đã bùng phát và lây lan ra 151 trong số 161 xã, thị trấn. Toàn tỉnh đã tiêu hủy hơn 163 nghìn con lợn, trọng lượng hơn 9.500 tấn của hơn 13 nghìn hộ chăn nuôi. Tại tỉnh Cà Mau, theo thông báo của Chi cục Thú y vùng VII, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm tại một hộ chăn nuôi ở ấp Nhà Diệu, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển dương tính với vi-rút DTLCP. Đây là ổ dịch thứ hai được phát hiện tại huyện Ngọc Hiển. Như vậy, đến nay tỉnh Cà Mau có bảy xã thuộc năm huyện và thành phố xuất hiện DTLCP gồm: Đầm Dơi, Trần Văn Thời, Năm Căn, Phú Tân và Ngọc Hiển. Tại Long An, sáng 16-6, huyện Đức Hòa đã công bố DTLCP. Như vậy, Long An là tỉnh thứ 12 ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long có DTLCP.

★ Tính đến chiều 16-6, DTLCP đã xuất hiện tại 57 tỉnh, thành phố trên cả nước với tổng số lợn mắc bệnh và phải tiêu hủy hơn 2,5 triệu con. Hiện còn sáu tỉnh chưa có dịch gồm: Phú Yên, Bến Tre, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh.

★ Sáng 16-6, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết, hiện tượng cá chết hàng loạt tại hồ Thạc Gián (quận Thanh Khê) những ngày qua là do chỉ số DO (lượng ô-xy hòa tan trong nước) trong hồ rất thấp, khiến cho cá bị thiếu ô-xy.

★ Cục Kiểm lâm cảnh báo nguy cơ cháy rừng tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên, Thừa Thiên - Huế và Khánh Hòa. Cục Kiểm lâm đề nghị các địa phương thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.

★ Tỉnh Bình Dương vừa ban hành văn bản về tăng cường kiểm soát loài tôm hùm nước ngọt. Theo đó, tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến cộng đồng dân cư về nhận biết và tác hại của tôm hùm nước ngọt đối với môi trường và đa dạng sinh học. Tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp lưu giữ, mua bán, vận chuyển, lưu thông tôm hùm nước ngọt và phát tán loài tôm này ra môi trường.