Dịch Covid-19 và những vấn đề giới

Trong những cuộc khủng hoảng như đại dịch Covid-19, phụ nữ là những người chịu ảnh hưởng nặng nề hơn về y tế, kinh tế và xã hội. Tổ chức của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) vừa đưa ra những tác động về giới trong đại dịch Covid-19. Khi hệ thống y tế đang phải gồng mình trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh, việc đóng cửa tạm thời các trường học càng tăng thêm gánh nặng chăm sóc của người phụ nữ trong mỗi gia đình.

Bên cạnh đó, LHQ cảnh báo, nguy cơ bạo lực gia đình gia tăng. Bà Ð.Xi-mô-nô-víc - Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về bạo lực chống phụ nữ cho biết, đối với rất nhiều phụ nữ và trẻ em, nhà ở có thể là nơi đầy sợ hãi. Tình trạng đó trở nên tồi tệ hơn rất nhiều trong trường hợp bị cô lập như hệ quả ngoài ý muốn của lệnh phong tỏa thời đại dịch. Sự can thiệp của cảnh sát giảm đi, nhiều tòa án đóng cửa… là những nhân tố khiến bạo lực gia đình có khả năng gia tăng.

Cũng theo thống kê của UN Women, phụ nữ chiếm 70% lực lượng lao động trong lĩnh vực y tế và xã hội trên toàn cầu. Họ là những chiến sĩ trên tuyến đầu ứng phó dịch bệnh. Trong lĩnh vực này, vẫn đang có chênh lệch về tiền lương khi thu nhập của nam giới cao hơn 28% thu nhập của nữ giới trong lĩnh vực chăm sóc y tế. Các phương tiện truyền thông liên tục đưa ra những tấm gương hy sinh của họ như một nguồn cảm hứng tích cực, tạo hy vọng với cộng đồng. Theo khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), công việc ở bệnh viện vốn rất vất vả nhưng lại càng khắc nghiệt hơn với phái nữ. Có 8 trong 10 y tá là nữ giới. Do làm việc liên tục ngày đêm, nguồn cung cấp đồ dùng vệ sinh cơ bản nhất cũng trở nên khó khăn với các nữ y tá, bác sĩ tại các điểm nóng Covid-19 trên toàn cầu.

Dịch Covid-19 còn tác động đến việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ, việc làm của phụ nữ ở khu vực phi chính thức có thể làm tăng khoảng cách giới trong hoạt động sinh kế. Nhiều ngành công nghiệp trong nền kinh tế chính thức bị ảnh hưởng trực tiếp là du lịch, nhà hàng, sản xuất thực phẩm, nơi có sự tham gia của lực lượng lao động nữ rất cao. Phụ nữ cũng chiếm một tỷ lệ lớn trong nền kinh tế phi chính thức và nông nghiệp trên toàn thế giới mà ở đó, phụ nữ thường không có bảo hiểm y tế và không được hưởng lợi từ mạng lưới an sinh xã hội. Ðại dịch ảnh hưởng rất lớn đến lao động nữ di cư, nhất là những phụ nữ bán hàng rong, giúp việc gia đình… dẫn đến tình trạng mất hoặc giảm khả năng thu nhập cũng như khả năng hỗ trợ tài chính cho gia đình của họ.

Đứng trước thực trạng trên, tại nhiều quốc gia cũng xuất hiện những lời kêu gọi thay đổi chính sách hoặc pháp lý để giảm nguy cơ phụ nữ và trẻ em bị ngược đãi trong khu vực cách ly. Các tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ kêu gọi chống bạo lực gia đình trong thời dịch Covid-19 và đưa ra các biện pháp khẩn cấp hỗ trợ nạn nhân, gồm: bảo đảm quyền tiếp cận để bảo vệ nạn nhân thông qua các lệnh cấm, duy trì nơi trú ẩn an toàn và đường dây trợ giúp nạn nhân.

Các nhà hoạch định chính sách (chiếm đa số) cũng cần ủng hộ sự chia sẻ bình đẳng về gánh nặng chăm sóc giữa phụ nữ và nam giới. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự lãnh đạo và tham gia có ý nghĩa của phụ nữ, trẻ em gái trong tất cả các quá trình ra quyết định về ứng phó dịch Covid-19. Tăng cường công tác tuyên truyền, bảo đảm tất cả phụ nữ đều có thể nhận được những thông tin về cách phòng tránh, ứng phó dịch bệnh. Hỗ trợ tâm lý xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái trong giai đoạn này là rất cần thiết, vì đây là những đối tượng dễ bị tổn thương.