Đề xuất tăng lương cơ bản năm 2020 từ 7%-8%

NDO -

NDĐT - Chiều 10-7, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức tọa đàm về mức sống tối thiểu, tình hình đời sống tối thiểu của người lao động, đề xuất phương án điều chỉnh lương năm 2020, trước khi Hội đồng tiền lương Quốc gia họp phiên thứ hai, một ngày. Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam vẫn giữ quan điểm đề xuất phương án tăng lương cơ bản 2020 từ 7%-8% mới có thể đáp ứng nhu cầu tối thiếu của người lao động hiện nay.

Đề xuất tăng lương cơ bản năm 2020 từ 7%-8%

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), mức tăng 5,3% trong năm 2019 hiện mới chỉ đáp ứng trên 95% nhu cầu người lao động (NLĐ). Trong khi đó, Nghị quyết số 27/TƯ đề ra đến năm 2020, quá trình xây dựng tiền lương tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ.

Trong lần đàm phán điều chỉnh lương tối thiểu cho năm 2020, Tổng LĐLĐ Việt Nam cơ bản nhất trí sử dụng phương pháp và các căn cứ để xác định mức sống tối thiểu của NLĐ dựa vào nhu cầu tiêu dùng tối thiểu mà Bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương Quốc gia đề xuất khi xây dựng phương án điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu vùng năm 2018, điều chỉnh năm 2019.

Theo đó, việc đề xuất này căn cứ vào: Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2012, quy định rõ: “Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ...”. Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội (GDP tăng khoảng 7%; CPI khoảng 4%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng hơn 5%). Tỷ lệ chi phí lương thực, thực phẩm và phi lương thực, thực phẩm của một số nước trên thế giới tương đồng với Việt Nam.

Theo các nghiên cứu, khảo sát từ phía tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ thì trong nhiều năm nay, tiền lương tối thiếu luôn chạy theo mức sống tối thiểu. Tại một cuộc khảo sát gần đây nhất của Viện Công nhân, công đoàn về tiền lương, thu nhập, mức sống của công nhân ngành may cho thấy, rất nhiều công nhân may có mức lương chưa đủ sống. Họ phải chi tiêu ở mức dè xẻn và hiếm khi chi tiền vào những khoản chưa thực sự cần thiết. Các chi tiêu cho giải trí, hoạt động xã hội và thậm chí đi lại về quê thăm gia đình và bạn bè ít công nhân có thể dám chi trong tiền lương hàng tháng của họ.

Khảo sát cũng cho thấy, có một số ít NLĐ ngành may nhận mức lương sản phẩm đạt 10-12 triệu, nhưng họ thường làm việc hết sức để đổi lại mức thu nhập như vậy. Hầu hết mong đợi của công nhân ngành may là có mức lương đủ sống trong điều kiện làm việc bình thường, trong giờ làm việc tiêu chuẩn và cường độ làm việc phù hợp.

Khi thảo luận về Lương tối thiểu, theo bà Đỗ Quỳnh Chi, Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động cho rằng: cần phân biệt giữa ‘mức sống tối thiểu để tồn tại’ và ‘mức sống tối thiểu cơ bản đủ sống’. Theo đó, ‘mức sống tối thiểu để tồn tại’ về lâu dài sẽ làm nhân rộng sự đói nghèo, tăng khoảng cách thu nhập giữa các nhóm xã hội. Do đó, tổ chức công đoàn khi tổ chức thương lượng tập thể cần dựa trên ‘mức sống tối thiểu cơ bản đủ sống’ ở cấp ngành và doanh nghiệp. Sử dụng phương pháp xác định ‘lương đủ sống’ để hỗ trợ các cấp công đoàn và doanh nghiệp trong thương lượng.

Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu đề xuất Chính phủ cần xây dựng lộ trình nâng mức lương tối thiểu hiện tại lên mức lương đủ sống. Tạo môi trường thuận lợi hơn để trao quyền cho công đoàn và thực hiện thương lượng tập thể về tiền lương và điều kiện làm việc. Vinh danh doanh nghiệp trả lương đủ sống. Bảo đảm an sinh xã hội phổ quát để hỗ trợ thực hiện lương đủ sống. Các đại biểu cũng đề xuất cần điều chỉnh mức lương tối thiểu phù hợp với từng vùng, địa phương; đưa thang, bảng lương vào thỏa ước lao động tập thể. Cần thiết có sự hỗ trợ của công đoàn cấp trên trong quá trình tham gia xây dựng thang, bảng lương; tăng mức lương cơ bản trong hệ thống tiền lương của doanh nghiệp…

65% công nhân cho biết họ thường xuyên làm thêm giờ.

22% không sử dụng thời gian nghỉ giữa giờ, nếu có đi vệ sinh thì nhanh chóng để quay về làm việc.

28% lo lắng về việc làm quá nhiều giờ trong ngày và ảnh hưởng của làm thêm giờ tới sức khỏe.

69% hay bị đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, tụt huyết áp…., ngồi nhiều và cúi nhiều nên hay đau đốt sống cổ.

36% đang bị một bệnh gì đó, như hen suyễn, dạ dày, huyết áp, tiểu đường, tim,…

53% không đủ tiền trang trải trải chi phí khám, chữa bệnh.

(Nghiên cứu của Viện Công nhân Công đoàn 2019 về thực trạng đời sống, thu nhập của công nhân ngành May)