Đề xuất nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp

NDO -

NDĐT- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, tập trung vào một số chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khi tham gia lĩnh vực này.

Ảnh minh họa: Trường Cao đảng công nghệ quốc tế Lilama 2.
Ảnh minh họa: Trường Cao đảng công nghệ quốc tế Lilama 2.

Dự thảo Nghị định này hướng tới quy định cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Qua đó, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các hình thức hợp tác cụ thể giữa doanh nghiệp với cơ sở GDNN; đào tạo tại doanh nghiệp; hoạt động của Hội đồng kỹ năng ngành trong việc dự báo thị trường lao động, tư vấn quá trình đổi mới nghề nghiệp và xây dựng các quy định về đóng góp của doanh nghiệp trong việc phát triển nguồn nhân lực ở các trình độ GDNN thông qua thành lập Quỹ Đào tạo nghề nghiệp.

Hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp khi tham gia giáo dục nghề nghiệp

Hiện nay, các chính sách ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp khi tham gia vào hoạt động GDNN còn bất cập, nằm rải rác ở các văn bản khác nhau. Do đó, các chính sách ưu đãi về thuế; giao đất, cho thuê đất; cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất dành cho doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động GDNN cần quy định thống nhất trong Nghị định của Chính phủ điều chỉnh cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN.

Thông qua các chính sách ưu đãi về thuế; giao đất, cho thuê đất; cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất dành cho doanh nghiệp sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho GDNN (người dạy, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, máy móc, vật liệu thực hành…) nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của nguồn nhân lực ở cá trình độ của GDNN.

Các giải pháp đề xuất là xây dựng các khoản thuế được khấu trừ cho doanh nghiệp khi xác nhập thu nhập chịu thuế đối với các khoản chi trả cho người dạy, tài liệu học tập, chi phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, máy móc, vật liệu thực hành phục vụ hoạt động GDNN. Xác định số năm, tỷ lệ phần trăm miễn thuế đối với các doanh nghiệp hoạt động ở những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn. Xác định đối tượng không phải chịu thuế giá trị gia tăng và các đối tượng được miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu; xác định các ưu đãi về giao đất, cho thuê đất; cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất trong GDNN.

Xây dựng chính sách về hợp tác giữa doanh nghiệp và trường nghề

Trong thực tế, một số cơ chế hợp tác giữa doanh nghiệp với cơ sở GDNN đã hình thành. Cụ thể như: được phép phối hợp với cơ sở GDNN tổ chức đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo thường xuyên; được tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực tập và đánh giá kết quả học tập của người học tại cơ sở GDNN…; được liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.

Tuy nhiên, chưa quy định cụ thể về nguyên tắc, nội dung hợp đồng liên kết đào tạo, thời gian tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp; nhà giáo, người hướng dẫn trong các chương trình liên kết đào tạo, quyền và trách nhiệm của các bên khi tham gia hợp tác…

Bên cạnh đó, mặc dù Luật Giáo dục nghề nghiệp cho phép doanh nghiệp được đặt hàng đào tạo với cơ sở GDNN để đào tạo người lao động được tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp, nhưng các quy định cụ thể nguyên tắc đặt hàng, nội dung hợp đồng đặt hàng, thời gian tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của các bên chưa được luật hóa.

Đặc biệt, vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ, quyền lợi và trách nhiệm của nhà giáo, người hướng dẫn đào tạo của doanh nghiệp tham gia giảng dạy trong GDNN cũng chưa được quy định cụ thể trong bất kỳ văn bản nào.

Do đó, việc hình thành chính sách về cơ chế hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN hết sức cần thiết.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất một số giải pháp cho vấn đề này. Đó là xây dựng nguyên tắc, nội dung và các thành tố thực hiện quyền và trách nhiệm cụ thể của mỗi bên khi tham gia liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp với cơ sở GDNN. Xây dựng các yêu cầu về đặt hàng đào tạo giữa doanh nghiệp với cơ sở GDNN. Xây dựng tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo, người hướng dẫn đào tạo của doanh nghiệp giảng dạy ở các trình độ trung cấp, cao đẳng trong GDNN.

Qua đó, hướng tới cụ thể hóa về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động GDNN thông qua liên kết đào tạo, đặt hàng đào tạo, tham gia giảng dạy trong GDNN theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Chú trọng đào tạo tại doanh nghiệp

Luật Giáo dục nghề nghiệp cho phép doanh nghiệp được phép tổ chức đào tạo trong lĩnh vực GDNN. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đã xác định phát triển mạnh đào tạo nghề và hỗ trợ đào tạo kỹ năng cho chuyển đổi công việc. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể về đào tạo tại doanh nghiệp (thành lập trung tâm đào tạo, tuyển sinh, thời gian đào tạo, chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo, người dạy các chương trình đào tạo, tổ chức và quản lý đào tạo, cấp phát chứng chỉ cho người lao động tham gia các khóa đào tạo tại doanh nghiệp). Do vậy, xây dựng chính sách về đào tạo tại doanh nghiệp rất quan trọng.

Mục tiêu hướng tới là tạo cơ sở pháp lý quản lý và phát triển đào tạo tại doanh nghiệp phục vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia trong đào tạo mới, đào tạo lại người lao động chuyển đổi công việc thích ứng với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất thành lập trung tâm đào tạo tại doanh nghiệp; quản lý tuyển sinh, thời gian, giáo trình, phương pháp đào tạo, người dạy các chương trình đào tạo, tổ chức và quản lý đào tạo, cấp chứng chỉ cho người học tham gia các khóa đào tạo tại doanh nghiệp ở các trình độ của GDNN.

Điều này nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực GDNN. Tiến tới góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Trong quá trình biên soạn, Nghị định cũng đề cập chính sách về tổ chức và hoạt động của Hội đồng kỹ năng ngành, lập quỹ đào tạo cho GDNN cũng như quy định đóng góp của doanh nghiệp cho quỹ này.

* Tính đến hết năm 2018, cả nước có 1.948 cơ sở GDNN.

Trong đó: 397 trường cao đẳng; 519 trường trung cấp; 1.032 trung tâm GDNN.

Số lượng cơ sở GDNN của doanh nghiệp trong cả nước còn hạn chế. Chỉ có 46/397 trường cao đẳng thuộc doanh nghiệp, chiếm 11,6%. Ngoài ra có 84/519 trường trung cấp thuộc doanh nghiệp, chiếm 16,1%. 181/1.032 trung tâm GDNN thuộc doanh nghiệp, chiếm 17,5%.

Những cơ sở GDNN thuộc doanh nghiệp, chủ yếu đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Thí dụ như: Trường Cao đẳng Việt Nam - Singapore (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, Bình Dương); Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Dung Quất (Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi); Trường Cao đẳng nghề Chu Lai - Trường Hải (Khu Phức hợp sản xuất và lắp ráp ô-tô Chu Lai - Trường Hải, Quảng Nam).