Đẩy mạnh chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua thẻ ATM

NDO -

Theo thống kê, đến hết năm 2019, số người trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), BH thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng tại khu vực đô thị ở nước ta đạt 33,8%, tăng 9,76% so với năm 2018 và đạt 67,6% so với mục tiêu đề ra đến năm 2021…

Đẩy mạnh chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua thẻ ATM

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23-2-2018 phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22-1-2020 về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 và Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26-5-2020 về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, thời gian qua, ngành BHXH đã đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng (thẻ ATM).

Những nỗ lực của ngành BHXH đã góp phần phục vụ người tham gia ngày càng tốt hơn; đồng thời gia tăng số người nhận chế độ với phương thức thanh toán hiện đại, thuận tiện, phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Bảo đảm an toàn, tiết kiệm thời gian, chi phí

Theo BHXH Việt Nam, cùng với việc chi trả bằng tiền mặt, hiện nay cả 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp qua tài khoản thẻ ATM với hàng trăm nghìn người hưởng hằng tháng. Với phương thức này, người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp, hằng tháng không cần phải đến địa điểm tập trung để nhận tiền và ký danh sách chi trả.

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 vừa qua, việc chi trả qua tài khoản thẻ ATM đã giúp người hưởng hạn chế đi lại, tiếp xúc, bảo đảm được an toàn và giãn cách xã hội theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với người lao động (NLĐ) hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, BHXH một lần, trợ cấp thất nghiệp, phương thức chi trả không dùng tiền mặt còn góp phần hạn chế tình trạng đơn vị sử dụng lao động chiếm dụng, chậm chi trả tiền chế độ cho NLĐ...

Với phương thức chi trả này, bảo đảm người tham gia được nhận chế độ đầy đủ, nhanh chóng, chính xác, kịp thời, an toàn, đúng thời gian quy định. Còn với cơ quan chi trả, việc tổ chức thực hiện phương thức này bảo đảm mục tiêu an toàn tiền mặt trong quá trình vận chuyển và lưu trữ, tránh được sai sót, giảm bớt áp lực, thời gian trong tổ chức chi trả và các bước trung gian qua chủ sử dụng lao động.

Khuyến khích người hưởng nhận chế độ qua thẻ ATM

Thời gian qua, ngành BHXH đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phát triển người hưởng qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng để phục vụ người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ngày càng tốt hơn.

Ngoài việc giao chỉ tiêu phấn đấu cho BHXH các địa phương, BHXH Việt Nam đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chi trả an sinh xã hội qua hệ thống ngân hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó tập trung tuyên truyền về hiệu quả, lợi ích của phương thức chi trả này; đề nghị Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam chỉ đạo Bưu điện các cấp phối hợp với cơ quan BHXH, ban hành các văn bản hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người hưởng hiểu rõ hơn về tiện ích của việc giao dịch qua thẻ ATM, từ đó tích cực đăng ký tham gia.

Đặc biệt, để khuyến khích người hưởng nhận lương hưu và trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp qua tài khoản thẻ ATM, cơ quan BHXH hỗ trợ người hưởng chi phí mở tài khoản cá nhân lần đầu và chi phí chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của người hưởng (nếu có).

BHXH Việt Nam đã đề xuất với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng có cơ chế ưu đãi cho người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp nhận tiền qua tài khoản cá nhân (giảm phí mở thẻ, thanh toán hóa đơn, rút tiền mặt, các giao dịch đều được giảm hoặc miễn phí); tăng cường lắp đặt mở rộng hệ thống trụ ATM, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa để NLĐ, người hưởng dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ của ngân hàng mọi lúc, mọi nơi một cách dễ dàng, hiệu quả; cung cấp đủ lượng tiền; thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng hệ thống máy ATM.

Với những nỗ lực của ngành BHXH, số người nhận trợ cấp BHXH, BHTN qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng đã gia tăng đáng kể: Năm 2019, số người hưởng tại khu vực đô thị ở nước ta đạt 33,8%, tăng 9,76% so với năm 2018, và đạt 67,6% so với mục tiêu đề ra đến năm 2021 (theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ về tiếp tục thục hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 20121, là phải đạt 50% số người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH qua tài khoản ATM ở khu vực đô thị); số tiền chi qua tài khoản cá nhân ước đạt 34%, hoàn thành vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 241/QĐ-TTg (đến năm 2020 là 20%)…

Có thể thấy, việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp qua tài khoản thẻ ATM đã mang lại nhiều tiện ích và đang được ngành BHXH tích cực đẩy mạnh, đạt những hiệu quả tích cực, góp phần thiết thực đem tới sự thuận tiện, hài lòng cho người tham gia.

Với những giải pháp và bước đi phù hợp, ngành BHXH không chỉ đạt mục tiêu mở rộng phương thức chi trả hiện đại mà còn góp phần tích cực hơn nữa trong việc thực hiện hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, qua đó đem lại những lợi ích thiết thực cho người hưởng và góp phần vào công cuộc hiện đại hoá nền kinh tế - xã hội đất nước.