Đẩy mạnh chi hỗ trợ lao động bị dịch Covid-19 ảnh hưởng trong gói 62 nghìn tỷ đồng

NDO -

NDĐT- Trước mắt, cần đẩy mạnh chi trả tiền hỗ trợ trong gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng cho nhóm người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 quy định trong Quyết định số 15/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Ảnh minh họa: Duy Linh.
Ảnh minh họa: Duy Linh.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các giải pháp thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 (sau đây gọi tắt là Quyết định số 15) của Thủ tướng Chính phủ

Trên cơ sở báo cáo của các địa phương và kết quả kiểm tra của các đoàn công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện Quyết định số 15 quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đến nay, về cơ bản, các địa phương đã tiến hành rà soát các đối tượng và chi trả cho các đối tượng đã được phê duyệt. Tuy nhiên, việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, người lao động trong doanh nghiệp hiện nay vẫn còn khá chậm. Nhiều doanh nghiệp phản ánh các cấp, ngành địa phương chưa thực sự quan tâm thực hiện; vẫn xảy ra tình trạng trục lợi chính sách, bỏ quên đối tượng.

Để kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng theo Quyết định số 15, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực thực hiện các công việc sau.

Trước hết, đẩy mạnh triển khai công tác chi trả tiền hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Cùng với đó, xử lý nghiêm đối với các hành vi lợi dụng, trục lợi chính sách trong quá trình thực hiện nhiệm vụ (nếu có).

Ngoài ra, tăng cường xử lý hồ sơ đề nghị hỗ trợ qua dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia nhằm rút ngắn thời gian xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng trong quá trình xác nhận và phê duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Xây dựng cơ sở dữ liệu về các đối tượng hỗ trợ, cập nhật thông tin báo cáo trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Cuối cùng, tiếp tục báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc có liên quan tới phạm vi quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị để có hướng dẫn, giải đáp kịp thời.