Dấu ấn bác sĩ trẻ

Thông qua Dự án "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)" (gọi tắt là Dự án 585) do Bộ Y tế triển khai, 20 bác sĩ trẻ của tỉnh Lào Cai đã được cử đi đào tạo.

Theo dõi sức khỏe cho bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện đa khoa Sa Pa (Lào Cai).
Theo dõi sức khỏe cho bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện đa khoa Sa Pa (Lào Cai).

Sau khi trở về địa phương, các bác sĩ đang góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

Năm 2016, khi biết thông tin Dự án 585 đang được Bộ Y tế triển khai và dựa trên việc khớp "cung - cầu" của tỉnh Lào Cai, bác sĩ Sùng Seo Tỏa (người dân tộc H’Mông) công tác tại Bệnh viện đa khoa Mường Khương (tỉnh Lào Cai) đăng ký và may mắn là một trong những bác sĩ đầu tiên công tác tại các huyện khó khăn của tỉnh Lào Cai được dự án chọn tài trợ đào tạo. Sau gần hai năm (từ 2016 đến 2018) phải sống xa gia đình, xa đồng nghiệp, cùng nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ tận tâm của các thầy, cô giáo, bác sĩ, chuyên gia đầu ngành thuộc Trường đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản T.Ư (Bộ Y tế), với phương châm "cầm tay, chỉ việc", "một thầy, một trò", bác sĩ Sùng Seo Tỏa đã được trang bị kiến thức chuyên sâu, kỹ thuật hiện đại về chuyên ngành sản khoa. Với những kiến thức được trang bị, sự ủng hộ, đầu tư của lãnh đạo bệnh viện, bác sĩ Sùng Seo Tỏa và các đồng nghiệp công tác tại Khoa Sản từng bước xây dựng và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của Bệnh viện đa khoa Mường Khương.

Sùng Seo Tỏa giờ đã chững chạc hơn nhiều. Bác sĩ trẻ ngày nào, nay là Trưởng khoa Phụ sản. Tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ đa khoa (Trường đại học Y Thái Bình), nhưng khi được dự án chọn, bác sĩ Tỏa đăng ký học chuyên ngành Phụ sản tại Trường đại học Y Hà Nội. Ước mơ của bác sĩ Tỏa là, sau khi tốt nghiệp khóa học với kiến thức được trang bị sẽ cùng đồng nghiệp triển khai, áp dụng được nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong lĩnh vực sản khoa, giúp người dân trên địa bàn không phải chuyển lên tuyến trên, nhất là những ca bệnh nặng. Hiện bệnh viện đã làm chủ được một số kỹ thuật hiện đại, kỹ thuật khó mà trước đây bác sĩ Tỏa và các đồng nghiệp chưa thực hiện được như: Phẫu thuật u xơ tử cung, phẫu thuật sa sinh dục, phẫu thuật chửa ngoài tử cung bị vỡ…

Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn tại bệnh viện, bác sĩ Tỏa còn thường xuyên tư vấn, hướng dẫn công tác cấp cứu sản khoa, chăm sóc, điều trị người bệnh tại các trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực trên địa bàn. Ðến nay, bác sĩ Tỏa tham gia trực tiếp hơn 800 ca phẫu thuật và luôn bảo đảm an toàn, sức khỏe của người bệnh.

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lào Cai, BSCKI Phạm Bích Vân cho biết: Thông qua Dự án 585, từ năm 2016 đến 2019 đã đào tạo được 20 BSCKI cho các bệnh viện đa khoa tuyến huyện như: Mường Khương, Bắc Hà, Bát Xát, Sa Pa, Văn Bàn, với các chuyên ngành như: Ngoại khoa, sản khoa, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, chẩn đoán hình ảnh…

Ngay khi tiếp nhận các bác sĩ trẻ trở về sau khóa đào tạo, Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện sớm ổn định cuộc sống và công việc, bố trí chỗ ở cho các bác sĩ trong quá trình công tác. Qua công việc thực tế, các bác sĩ trẻ tình nguyện đều nỗ lực hết mình hoàn thành nhiệm vụ, luôn có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn vững vàng, nhiệt tình trong công việc, được đồng nghiệp và người dân trên địa bàn yêu mến. Nhiều kỹ thuật mới được triển khai, qua đó góp phần giảm tỷ lệ chuyển tuyến của đơn vị, giảm chi phí xã hội của người bệnh.

TS, BS Phạm Văn Tác, Cục trưởng Khoa học công nghệ và Ðào tạo (Bộ Y tế), Giám đốc Dự án 585 cho biết: Dự án đã thành công và ghi dấu ấn rất quan trọng, khi đào tạo 354 bác sĩ cho các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, hai năm qua do khó khăn về nguồn kinh phí nên chương trình bị ngắt quãng. Thời gian qua, Cục Khoa học công nghệ và Ðào tạo, Dự án 585 đã kết nối và được Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) đồng ý tài trợ kinh phí, tiếp tục triển khai dự án. Không chỉ giúp kinh phí hỗ trợ đào tạo, Quỹ sẵn sàng hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở, vật chất, trang thiết bị cho các đơn vị y tế khó khăn, để khi cán bộ được đào tạo về sẽ chủ động triển khai hoạt động chuyên môn hiệu quả.

Để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn lực cho các địa phương, nhất là gỡ "nút thắt" về tiêu chí bác sĩ phải tốt nghiệp chính quy loại khá, giỏi mới được chọn đưa đi đào tạo, Bộ trưởng Y tế quyết định mở rộng đối tượng tham gia như bác sĩ biết tiếng dân tộc nơi mình sinh sống, có gia đình và tình nguyện tham gia; các bác sĩ tốt nghiệp chính quy trở lên, các bác sĩ tốt nghiệp khá, giỏi hệ liên thông (chuyên tu) có thể tham gia đào tạo. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp các bác sĩ phải cam kết phục vụ ít nhất 5 năm tại đơn vị mình trước khi được cử đi đào tạo... Ðây là một trong những giải pháp, nhằm góp phần cung cấp nguồn nhân lực y tế là bác sĩ đủ về số lượng, đáp ứng được chất lượng cho vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn ở nước ta hiện nay.

TRUNG TUYẾN