Đà Nẵng chuyển hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ

Ngày 23-2 vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã công bố quyết định chuyển đổi khu phụ trợ dự án Khu công nghệ cao Đà Nẵng thành Khu công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Đây là một trong những bước đi thể hiện quyết tâm của Đà Nẵng trong việc tạo động lực thu hút đầu tư, có chiến lược tổng thể phát triển ngành CNHT ổn định, bền vững.

Sản xuất các thiết bị cơ khí chính xác tại Nhà máy Tokyo Kieki (Nhật Bản) đóng tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Sản xuất các thiết bị cơ khí chính xác tại Nhà máy Tokyo Kieki (Nhật Bản) đóng tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Thiếu hụt ngành công nghiệp hỗ trợ chủ lực
 
 Kể từ khi trở thành đô thị loại I trực thuộc T.Ư, bên cạnh công cuộc chỉnh trang và phát triển đô thị, phát triển du lịch, TP Đà Nẵng đã có nhiều chính sách ưu tiên thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp, trong đó đặc biệt chú trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện môi trường. Đà Nẵng cũng trở thành đầu mối hỗ trợ các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm miền trung cũng như khu vực miền trung - Tây Nguyên. Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng Phạm Trường Sơn, thời gian qua mặc dù công nghiệp Đà Nẵng có bước phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn thiếu các ngành CNHT để phục vụ cho các ngành công nghiệp chủ lực, khi mà các loại nguyên liệu, phụ liệu, vật tư chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước. Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Đà Nẵng Phạm Bắc Bình, ngành CNHT của Đà Nẵng còn nhiều hạn chế bởi số lượng ít, năng lực sản xuất thấp, thiếu nguồn tài chính và công nghệ để nâng cao năng suất, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, nên chủ yếu chỉ tiêu thụ được ở thị trường trong nước. Các sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp FDI cung cấp, còn sản phẩm CNHT ở trong nước và Đà Nẵng thì chủ yếu vẫn là linh kiện, chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.
 
 Thí dụ, trong ngành sản xuất, lắp ráp ô-tô ở Đà Nẵng, Quảng Nam, phần lớn doanh nghiệp CNHT trong nước chỉ cung ứng sản phẩm, linh kiện để lắp ráp ô-tô trong nước; tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến chín chỗ ngồi đạt thấp, chỉ từ 7 đến 10%; hơn 90% linh kiện, phụ tùng ô-tô còn lại vẫn do các công ty mẹ hoặc từ công ty xuyên quốc gia ở nước ngoài cung cấp, trong khi thông thường, để hoàn thiện lắp ráp một chiếc xe ô-tô phải cần từ 30 nghìn đến 40 nghìn linh kiện. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi, hỗ trợ tuy đã được ban hành, song việc tổ chức thực hiện còn gặp nhiều vướng mắc, chủ yếu do cơ chế về ưu đãi tín dụng đầu tư, ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, nhất là phân bổ nguồn lực để triển khai các chính sách về CNHT chưa được cụ thể hóa. Có thể thấy, trên “bức tranh” ngành CNHT của Đà Nẵng chưa có sản phẩm gì nổi bật, hầu hết đều phải nhập các loại linh kiện, vật tư từ nước ngoài hoặc ở hai đầu đất nước, vừa tốn thêm chi phí, vừa làm tăng thời gian, nhân công,... ảnh hưởng đến phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như sản xuất ô-tô, cơ khí, điện tử, dệt may,…
 
 Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, phát triển CNHT đòi hỏi sự tính toán dựa trên nhu cầu thực tế của các ngành công nghiệp chủ lực, không thể chủ quan, duy ý chí, tập trung đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực nào đó. Với Đà Nẵng hay Vùng kinh tế trọng điểm miền trung, cần đánh giá kỹ nhu cầu của doanh nghiệp chủ lực như Thaco Trường Hải, Nissan Đà Nẵng, Doosan Vina Quảng Ngãi, hay các doanh nghiệp dệt may, giày da Phong Phú, Hòa Thọ, Hữu Nghị,... Cùng quan điểm, ông J. Y. Chiu (Jeong Young Chil), Tổng Giám đốc Công ty Doosan Vina Quảng Ngãi cho biết: Theo chủ trương của Chính phủ Việt Nam và nhu cầu của doanh nghiệp, Doosan Vina đang đẩy mạnh việc nội địa hóa sản phẩm. Công ty hiện đang sử dụng nhiều nhà cung cấp cả địa phương lẫn quốc tế, tùy thuộc vào tình hình sản phẩm, giá cả và chất lượng. Để bảo đảm sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt của mình, đơn vị thực hiện việc chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về kiểm soát chất lượng, quản lý cũng như chuyển giao kỹ thuật và công nghệ cho đối tác. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp phải cử kỹ sư và nhân viên đến làm việc tại các công ty đó để hướng dẫn và giám sát, đồng thời giúp các công ty địa phương phát triển chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn chứng nhận của các tổ chức quốc tế.
 
 Cần cơ chế, chính sách vượt trội
 
 Đánh giá về những sản phẩm CNHT cần thiết nhất cho Đà Nẵng, khu vực miền trung - Tây Nguyên hiện nay và tương lai, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng Phạm Trường Sơn cho rằng, trước hết phải chú trọng các ngành tạo ra nguyên - phụ liệu cho ngành dệt may - da giày, như các loại vải (vải kỹ thuật, vải không dệt), hóa chất nhuộm, phụ liệu cho ngành may (cúc áo, khóa kéo…); da thuộc, vải giả da, hóa chất thuộc da, các loại phụ liệu trang trí. Đối với ngành điện tử, cần chú trọng về linh kiện điện tử - quang điện tử, vi mạch, pin và các loại dây cáp điện; ngành cơ khí - chế tạo là linh kiện và phụ tùng máy gia công cơ khí, máy hàn, thiết bị, chi tiết máy, thép chế tạo,... Đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô-tô, hiện rất cần các linh kiện chủ lực như động cơ, chi tiết động cơ; hệ thống bôi trơn, làm mát, cung cấp nhiên liệu, phụ kiện cho xe (khung, thân vỏ xe, bánh xe),... Đối với các sản phẩm CNHT phục vụ công nghệ cao: các loại khuôn mẫu có độ chính xác cao, các loại linh kiện điện tử, vi mạch, chi tiết nhựa chất lượng cao, cảm biến, các cơ cấu chấp hành có độ chính xác cao,…
 
 Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh nhận định, TP Đà Nẵng có nhiều tiềm năng phát triển các ngành CNHT, nhất là các ngành sản xuất nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng linh kiện, chất bán dẫn,... Việc có nhiều dự án FDI đầu tư các nhà máy chế tạo và lắp ráp tại Việt Nam cho thấy kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài về tiềm năng phát triển của thành phố trong việc tham gia chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu. Vừa qua, TP Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ chuyển đổi khu phụ trợ dự án Khu công nghệ cao Đà Nẵng thành Khu CNHT Khu công nghệ cao Đà Nẵng là bước đi hết sức quan trọng để góp phần thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào ngành CNHT của Đà Nẵng, trong đó ưu tiên các ngành có giá trị công nghệ, lợi nhuận cao và thân thiện môi trường. Những năm gần đây, hàng loạt dự án đầu tư vào lĩnh vực CNHT đã được triển khai tại Đà Nẵng, như Công ty Tokyo Kieki chuyên sản xuất các thiết bị cơ khí chính xác; Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (Tập đoàn UAC, Mỹ) cung cấp các bộ phận, chi tiết cho các loại máy bay Boeing 787, 777, 737 và động cơ cho Hãng Rolls Royce, nghiên cứu sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao Surface Mount Technology (Dự án công nghệ SMT). Gần đây, ba dự án quy mô lớn trong lĩnh vực CNHT được cấp phép đầu tư là Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprise (Mỹ), Trung tâm Nghiên cứu, phát triển và sản xuất Fujikin Đà Nẵng (Nhật Bản), dự án EPE Packaging Việt Nam (Nhật Bản) đã chứng minh sức hút của Đà Nẵng trong lĩnh vực đầu tư CNHT. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường trên toàn thế giới, ngành du lịch, dịch vụ và bất động sản đóng băng, thì chủ trương phát triển sản xuất công nghiệp, trong đó ưu tiên công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và CNHT là bước đi sáng suốt, kịp thời của Đà Nẵng nhằm vực dậy nền kinh tế, giảm đà tăng trưởng âm và từng bước chuyển dịch các ngành kinh tế theo hướng bền vững.
 
 Tuy nhiên, để làm được điều đó, bên cạnh nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, ưu tiên nguồn lực trong thu hút đầu tư, Đà Nẵng rất cần T.Ư dành cho những cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội về đất đai, chính sách thuế, phát triển nguồn nhân lực,… để thúc đẩy ngành CNHT phát triển nhanh. Trên cơ sở đó, Đà Nẵng xây dựng và ban hành các chương trình, đề án, có hệ thống và quy trình cụ thể như phát triển kỹ thuật, đào tạo nhân lực, hỗ trợ tài chính, khai thác thị trường,… để triển khai. Các doanh nghiệp ngành CNHT cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích thành lập các doanh nghiệp sản xuất, xây dựng các quỹ đặc thù riêng cho CNHT, hình thành tổ chức đầu mối để tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong việc dẫn dắt, liên kết các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo, trường đại học, viện nghiên cứu cần chú trọng xây dựng chương trình đào tạo gắn liền với thực tế thị trường, xây dựng một đội ngũ kỹ sư lành nghề, có khả năng nghiên cứu công nghệ để đưa CNHT phát triển, đáp ứng nhu cầu thị trường. Về phía địa phương, TP Đà Nẵng cần chủ động phối hợp các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền trung và khu vực miền trung - Tây Nguyên xây dựng chiến lược tổng thể về phát triển CNHT, hệ thống phân phối sản phẩm, hỗ trợ thị trường nội địa, hình thành mạng lưới cung cấp linh kiện, vật tư, nguyên liệu cho doanh nghiệp ổn định, xuyên suốt.