Ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn và ùn tắc giao thông

"Cuộc chiến" chống uống rượu, bia khi lái xe

Việt Nam là quốc gia thuộc tốp đầu các nước sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Tình trạng sử dụng rượu, bia tràn lan ở nhiều nơi đã khiến trật tự an toàn giao thông (ATGT) trở thành vấn đề báo động và đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong cao khi xảy ra tai nạn giao thông (TNGT).

Cảnh sát giao thông Hà Nội đo nồng độ cồn với lái xe tham gia giao thông.
Cảnh sát giao thông Hà Nội đo nồng độ cồn với lái xe tham gia giao thông.

Nguy cơ gia tăng

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp, giới trẻ hiện nay đang có xu hướng gia tăng việc sử dụng rượu, bia và đây chính là nguyên nhân hàng đầu gây TNGT khi điều khiển phương tiện bởi người lái xe thường phản ứng chậm, buồn ngủ, thiếu tập trung, không còn phản xạ chống đỡ cho nên chấn thương thường nặng hơn. Người say cũng "bốc đồng", không còn khả năng kiểm soát tốc độ cho nên thường phóng nhanh, vượt ẩu, lấn đường rất dễ gây tai nạn...

Nước ta sản xuất khoảng 350 triệu lít rượu và 2,5 tỷ lít bia mỗi năm, bình quân mức tiêu thụ bia mỗi người gần 30 lít/năm, đứng đầu Ðông - Nam Á và đứng thứ tư ở châu Á. Theo tính toán, chi phí xã hội chi trả cho những tác hại do rượu, bia gây ra lớn gấp hai lần chi phí đóng góp của ngành đồ uống có cồn vào ngân sách nhà nước. Kết quả khảo sát tại hai bệnh viện lớn gồm Việt Ðức (Hà Nội) và Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cho thấy, hơn 30% số ca tử vong do TNGT đường bộ và 60% số người bệnh chấn thương nhập viện có nồng độ cồn trong máu (BAC) vượt quá giới hạn cho phép. Năm 2012, thiệt hại do TNGT trên cả nước chiếm 2,6% GDP (tổng sản phẩm quốc nội), tương đương 3,5 tỷ USD; trong đó, một phần ba liên quan rượu, bia. Vì thế, việc cấm uống bia, rượu khi lái xe là hoàn toàn hợp lý và mang tính cấp thiết trong tình hình hiện nay.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ- đường sắt (Bộ Công an) cho biết, tuy lực lượng CSGT đã xử phạt vi phạm nồng độ cồn qua nhiều đợt cao điểm, song kết quả còn hạn chế do lực lượng mỏng, không đủ phương tiện và kinh phí. Thiếu tướng Tuyên dẫn chứng: Một tổ cảnh sát ở Ô-xtrây-li-a sử dụng 800 ống thổi (mỗi ống trị giá khoảng 40 USD) để đo nồng độ cồn, ma túy, chỉ có thể phát hiện được bốn lái xe vi phạm, trong khi nước ta không thể làm như vậy do thiếu kinh phí cho nên chỉ có thể làm thí điểm. Lẽ ra, việc cấm uống rượu, bia đối với người điều khiển xe phải tiến hành sớm và ráo riết hơn, nhưng do điều kiện chưa cho phép, đến nay các cơ quan chức năng sẽ thực hiện đồng loạt các giải pháp "siết" những lái xe là "đệ tử Lưu Linh".

Ðồng loạt giải pháp mạnh

Việc cấm uống rượu, bia khi tham gia giao thông thật sự là một cuộc chiến đầy cam go và khó khăn hơn so với chiến dịch vận động toàn dân đội mũ bảo hiểm kéo dài trong 10 năm qua và đã thành công. Bởi rượu, bia đã ăn sâu vào tập quán, thói quen người Việt Nam ở khắp mọi nơi. Trong đợt cao điểm này, Cục CSGT sẽ vừa đẩy mạnh tuyên truyền vừa thực hiện nghiêm các chế tài xử phạt. Nhiều chuyên gia an toàn giao thông cho rằng, cần tăng mức xử phạt, cách thực hiện mềm mỏng nhưng kiên quyết, đặc biệt phải bảo đảm an toàn cho người xử lý. Trường hợp các đối tượng say xỉn, có hành vi chống đối, không hợp tác, CSGT sẽ phối hợp lực lượng chức năng đưa người vi phạm vào vị trí an toàn, sau đó cưỡng chế để xử lý. Thời gian qua, văn bản của Ủy ban ATGT Quốc gia thực chất chỉ mang tính vận động, đưa vào quy mô, tiêu chí khen thưởng, còn hiệu quả đến đâu vẫn chưa có con số đánh giá cụ thể. Trên thực tế, đối tượng công chức uống rượu, bia trong giờ nghỉ trưa rất phổ biến nhưng chỉ có một số địa phương, cơ quan xử lý. Nếu muốn xử lý triệt để, rất cần có quy định cấm từ cấp Chính phủ.

 Trong chiến dịch tuyên truyền và tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ kết hợp tổ chức tuyên truyền cấm sử dụng bia, rượu khi tham gia giao thông trên các phương tiện truyền thông, đồng thời tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, Ủy ban ký kết trách nhiệm xã hội của các đơn vị sản xuất và nhập khẩu rượu, bia tại Việt Nam phải có hình thức khuyến cáo, cảnh tỉnh người tiêu dùng không uống rượu, bia khi tham gia giao thông bằng cách in trên nhãn mác, bao bì sản phẩm thông tin: "Ðã uống bia, rượu, cấm tham gia giao thông". Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ có bốn doanh nghiệp đồng ý tham gia cuộc vận động này gồm Bia Larue, Heineken, Tiger, Bivina, tuyên truyền thông qua các khẩu hiệu khuyến cáo ghi trên chai nhưng dòng chữ khuyến cáo in trên nhãn mác quá nhỏ, người sử dụng khó phát hiện. Sắp tới, Ủy ban sẽ quyết tâm triển khai hoạt động này trên diện rộng, giống như việc ghi thông tin trên vỏ bao thuốc lá và tổ chức hội thảo về vấn đề này với các nhà sản xuất bia rượu.

Theo Cục CSGT đường bộ - đường sắt đề xuất, cần có văn bản quy định vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện là vi phạm hình sự, gây nguy hiểm cho xã hội, xâm hại trực tiếp đến tính mạng, tài sản hợp pháp của công dân. Ðại diện Bộ Tư pháp cũng cho rằng, cần tăng chế tài xử phạt hành chính, tước giấy phép lái xe, giữ phương tiện theo hướng nghiêm khắc hơn, chú ý áp dụng đồng bộ chế tài phạt chính, bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả. Trong trường hợp người vi phạm là cán bộ, công chức, cần kết hợp chặt chẽ xử lý hình sự, hành chính với trách nhiệm kỷ luật nhằm nâng cao ý thức kỷ luật của cán bộ, công chức.