Cùng tìm giải pháp chung tay “chống hạn” cho Cà Mau

NDO -

NDĐT - Sau khi đi thị sát thực tế, chiều 24-2, các chuyên gia trực thuộc các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Trường đại học Cần Thơ… đã cùng dự hội thảo bàn các giải pháp nhằm chung tay giúp tỉnh Cà Mau khắc phục các thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra…

Hội thảo bàn giải pháp ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn tại Cà Mau chiều 24-2.
Hội thảo bàn giải pháp ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn tại Cà Mau chiều 24-2.

Nhiều hệ lụy từ hạn-mặn

Đến thời điểm hiện tại, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài đã khiến mực nước trên hệ thống kênh, rạch vùng ngọt tỉnh Cà Mau khô cạn. Thực tế trên không chỉ phương hại đến sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu các công trình về giao thông, thủy lợi của tỉnh Cà Mau.

Qua thống kê của tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh Cà Mau đã có: Hơn 18 nghìn ha lúa bị thiệt hại và diện tích thiệt hại vụ đông xuân đang tiếp tục gia tăng; lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh gần 43 nghìn ha đã có hơn 23 nghìn ha (hơn 50%) diện tích báo cháy cấp bốn (cấp nguy hiểm) và cấp năm (cấp cực kỳ nguy hiểm); hơn 900 vị trí sụp, lún ven kênh, rạch và đường giao thông ven kênh, rạch bị sụp lún, sạt lở với chiều dài gần 22 km. Trong đó có các công trình quy mô lớn như: tuyến Tắc Thủ-Vàm Đá Bạc (tuyến đường BT), tuyến đường trên đê biển Tây; một số cống ngăn mặn vùng ngọt tỉnh Cà Mau bị soi mọt, rò rỉ đáy…

Những thiệt hại nêu trên, theo nhận định ban đầu từ UBND tỉnh Cà Mau là do: vùng ngọt hóa của tỉnh bị thiếu nước phục vụ sản xuất, kênh rạch khô cạn, chênh lệch mực nước giữa trong và ngoài vùng ngọt quá lớn. Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, hạn hán năm nay sẽ kéo dài đến tháng 5, thậm chí tháng 6, nên thiệt hại tiếp tục xảy ra nghiêm trọng trong thời gian tới.

Đây không phải là lần đầu tiên Cà Mau đối mặt với hạn-mặn khốc liệt mà từng xuất hiện vào cao điểm mùa khô hạn năm 2016, gây nên nhiều hệ lụy khôn lường. Số liệu tổng hợp từ UBND tỉnh Cà Mau, trong mùa khô năm 2016: Tổng diện tích các trà lúa bị thiệt hại hơn 64 nghìn ha, trong đó thiệt hại từ 30 đến 70% hơn 22.500 ha, thiệt hại hơn 70% hơn 41.600 ha; hơn 43.500 ha rừng tràm bị khô hạn, nguy cơ cháy cấp năm; đàn gia súc bị chết 2.046 con, gia cầm là 7754 con; toàn tỉnh có 94 tuyến công trình xảy ra sạt lở, sụp lún, làm hư hỏng 113 km đường giao thông; 9.843 hộ dân thiếu nước sạch sử dụng. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 1.500 tỷ đồng.

Công bố thiên tai phải đúng luật

Cùng tìm giải pháp chung tay “chống hạn” cho Cà Mau ảnh 1

Nhiều chuyên gia khảo sát thực tế hiện tượng sụp lún hư hỏng đường BT Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc.

Trước những tàn phá nặng nề do hạn hán, xâm nhập mặn và dự báo tình hình sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu, tại hội thảo, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau cầu khẩn các chuyên gia, nhà khoa học đến từ nhiều viện, tổng cục trực thuộc bộ, ngành Trung ương bàn luận, giúp Cà Mau có giải pháp hữu hiệu về trước mắt và lâu dài nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây nên ở vùng ngọt hóa của tỉnh.

Giáo sư Tăng Đức Thắng, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, nhận định: Qua khảo sát thực tế, tôi nhận thấy hạn hán ở Cà Mau là do thiếu nước ngọt. Vì thế, giải pháp mà ông Thắng đề xuất là phương thức canh tác hợp lý (chuyển trồng lúa ở vùng ngọt sang mô hình tôm-lúa); chủ động dẫn nước ngọt từ Sông Hậu về cấp cho vùng Cà Mau, đồng thời tính thêm các cách thức khoa học trong việc trữ nước mưa cung cấp cho người dân vùng ngọt.

Về vấn đề sụp lún, sạt trượt ven kênh rạch làm hư hỏng kết cấu công trình giao thông, Viện trưởng Viện địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Trần Tân Văn cho rằng: Hiện tượng sụp lún ở Cà Mau có điểm chung là khô hạn làm kênh rạch cạn kiệt nước, khiến đất đai phần dưới công trình (lộ, đường) nằm dọc hệ thống kênh, mương bị co ngót nhất định, qua đó tác động bất lợi đến kết cấu công trình.

Viện trưởng Tân dẫn dụ về hiện tượng sụp lún trên tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc là khá nghiêm trọng. “Nguyên nhân có thể là do mực nước ở dưới kênh dẫn bị hạ thấp quá nhiều so với hằng năm và việc sạt lở đường chỉ xảy ra ở từng đoạn, cho thấy phía sau đường chắc chắn sẽ có một cái ao hoặc hồ nước, dẫn đến sự chênh lệch mực nước giữa trong và ngoài gây ra sạt lở. Riêng về mặt kỹ thuật làm đường đều ổn định” - ông Văn chia sẻ quan điểm và đề xuất giải pháp khắc phục: Bên cạnh giải pháp bơm một lượng nước mặn nhất định đủ để tạo độ phản áp nhằm giảm thiểu mức độ sụp lún, chúng ta cũng cần xem xét đến phần kỹ thuật làm đường, xem xét gia cố độ chịu tải của công trình cho phù hợp trong điều kiện kênh mương dọc tuyến lộ bị khô cạn.

Trong khi đó, theo PGS.TS Doãn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam: Đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc là sự cố công trình trên nền đất yếu mang tính cục bộ. Do đó, giải pháp đưa nước mặn vào chỉ là một giải pháp mang tác dụng tạo thêm phản áp ở mức độ nhất định chứ chưa tạo nên tác dụng lớn. Do đó, nhà đầu tư, đơn vị thi công nghiên cứu xử lý cục bộ các điểm sụp lún bằng giải pháp công trình.

Về xử lý sự cố đê biển Tây bị sụp lún, sạt trượt, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn cho rằng: Phải thực hiện song hành hai việc, gồm: khảo sát thiết kế để làm rõ nguyên nhân để khắc phục, đồng thời thực hiện phương án hộ đê ở khu vực sụp lún bởi không lâu nữa là đến mùa mưa bão.

Riêng về tình huống thiên tai, ông Nguyễn Trường Sơn nói rõ: Phải thực hiện theo luật và theo quy định. Ông Sơn lo ngại: Thiên tai sụp lún, sạt lở, lũ quét… do mưa quá lớn vượt mức cho phép đã có quy định trong luật, nhưng sạt lở, sụp lún đất làm hư hỏng đường giao thông do kênh, rạch cạn nước như ở Cà Mau thì cá biệt và không nằm trong luật.

Dự tính đưa nước mặn vào vùng ngọt...?

Cùng tìm giải pháp chung tay “chống hạn” cho Cà Mau ảnh 2

Chuyên gia khảo sát hiện tượng sụp lún trên tuyến đê biển Tây Cà Mau.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đánh giá cao những đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học. Ông Sử đúc kết, gần 20 ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo về hạn hán, xâm nhập mặn đặt ra cho Cà Mau ba nhóm nhiệm vụ: Quy hoạch sản xuất lâu dài cho vùng ngọt hóa; giải quyết vấn đề nước sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân vùng ngọt hóa; khắc phục vấn đề sụp lún trên địa bàn vùng ngọt Cà Mau.

Có những nhiệm vụ cần phải có thời gian, dựa trên cơ sở nghiên cứu của nhiều ngành khác nhau, nhưng có những nhiệm vụ liên quan đến trước mắt để làm tiền đề cho lâu dài, trong đó có vấn đề sản xuất hợp lý cho vùng ngọt. Vì vậy, ông Lê Văn Sử cho biết, sau hội nghị lần này, sẽ có báo cáo cụ thể đến tập thể lãnh đạo tỉnh tiếp tục mời chuyên gia tham vấn để có quyết định sau cùng cho sản xuất về lâu về dài.

Riêng về vấn đề cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, ông Sử cho rằng phụ thuộc rất lớn đến quy hoạch vùng. Ở góc độ địa phương sẽ lưu ý trong việc khai thác, điều tiết nước ngọt một cách hợp lý, trong đó có việc trữ nước mưa vào mùa mưa sử dụng cho mùa hạn hán. Về vấn đề này, ông Sử nói rõ, Cà Mau thừa nước vào mùa mưa nhưng lại thiếu nước ngọt vào mùa khô. Xử lý vấn đề này cần phải có giải pháp công trình nhưng đến nay Cà Mau chỉ mới khép kín được một phần nhỏ của vùng ngọt hóa Bắc Cà Mau.

Về nhóm nhiệm vụ khắc phục sạt lở (tuyền đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc, công trình trên đê biển Tây), ông Sử nêu quan điểm: Trong khi chờ kết quả của cơ quan chức năng, Cà Mau chưa khẳng định đúng sai thế nào nhưng có thể thấy rõ, sụp lún đã và đang xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh. “Chúng tôi đang rất lo liệu sụp lún có dừng ở mức độ hiện tại hay tiếp tục xấu hơn, phạm vi rộng hơn. Do đó, chúng tôi phải có đối sách trước mắt” - ông Lê Văn Sử quan ngại và cho biết, Cà Mau sẽ tiếp tục mời chuyên gia đi khảo sát để tiến đến việc xem xét bơm một lượng nước mặn nhất định vào kênh rạch khô cạn nhằm giảm thiểu vấn nạn sụp, lún ảnh hưởng xấu đến kết cấu công trình. Song hành với đó, sẽ báo cáo đề xuất tập thể lãnh đạo tỉnh công bố tình huống hạn hán cấp hai để có cách xử sự hợp lý.

Việc bơm nước mặn vào kênh, rạch vùng ngọt chỉ là giải pháp tình thế, Cà Mau rất cân nhắc và sẽ rửa mặn vào mùa mưa. Tuy nhiên, hiệu quả đã chứng minh thực tế: Thứ nhất, vùng mặn của tỉnh kênh, rạch đầy nước nên lộ giao thông không bị sụp, lún. Thứ hai, kênh trục vùng ngọt xã Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời) bị khô nước, sụp lún lộ xảy ra nhưng sau khi mặn rò rỉ qua cống Trùm Thuật Nam, kênh trục “no nước” và sụp lún lộ không còn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử.