Công trình nước sạch mới bàn giao đã hỏng ở Bạch Thông

NDO -

NDĐT - Năm 2018, tỉnh Bắc Cạn sử dụng vốn chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn đầu tư hơn 5,3 tỷ đồng xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt xã Lục Bình (Bạch Thông). Chỉ sau khi bàn giao một thời gian ngắn, công trình đã hỏng, nhiều hạng mục trong thiết kế không thấy, có dấu hiệu của hành vi “rút ruột” trong quá trình thi công.

Ở nhiều hộ dân có tình trạng chỉ có vòi dẫn đến, không thấy có trụ vòi, vòi đồng.
Ở nhiều hộ dân có tình trạng chỉ có vòi dẫn đến, không thấy có trụ vòi, vòi đồng.

Mới bàngiao đã hỏng

Công trình cấp nước sinh hoạt xã Lục Bình được xây dựng trên cơ sở hệ thống cấp nước sinh hoạt đã có từ trước nhưng bị xuống cấp. Quy mô công trình gồm xây mới, cải tạo và nâng cấp bốn công trình là: Bản Piềng, Lủng Chang - Pác Chang, Bản Piềng - Nam Lanh, Chang - Bắc Lanh, Chang - Nà Nghịu và Cao Lộc - Nà Chuông. Công trình khởi công từ năm 2018, bàn giao tháng 6-2019 nhưng đến nay tất cả đều không có nước hoặc nước cấp phập phù.

Từ trung tâm thôn Lủng Chang đi ngược lên rừng khoảng 2 km là tới điểm đầu của công trình cấp nước sinh hoạt Lủng Chang - Pác Chang. Đập dâng của công trình hiện ngập đầy cát, sỏi. Công trình chỉ có một cửa thu nước, không có thêm bể, lưới ngăn rác. Đầu thu là ống nhựa đục lỗ nằm sâu dưới cát, phải bới lên mới thấy. Thò tay xuống nước có thể cảm nhận lượng nước vào đường ống ít. Ông Hoàng Văn Hỷ, nguyên trưởng thôn Lủng Chang, là người nhiều lần lên sửa nước cho biết, đáng ra cần có thêm một bể lắng cát rồi mới dẫn nước sang bể có cửa thu thì mới ngăn được tình trạng vùi lấp. Với cách thức thi công như vậy, chỉ mưa to là cát, sỏi, rác rưởi lấp đầy hố cửa thu nước, cứ liên tục phải sửa rất bất cập.

Xuôi về bể chứa cách cửa thu khoảng 500 m, trong bể nước về chưa đầy được 1/3, có vòi xả ngoài bể đã hư hỏng van khóa. Đường ống dẫn nước về có đoạn thay mới, đoạn tận dụng ống cũ. Trưởng thôn Lủng Chang Hoàng Văn Hiến cho biết, công trình cũ nước phập phù nhưng sau khi sửa chữa thì nước lại còn về ít hơn. Trong thôn hiện có hơn 20 hộ bị mất nước thường xuyên. Cả thôn có 89 hộ thì một nửa phải tự mua vòi dẫn nước suối trên núi về dùng. Trung bình mỗi hộ phải mua khoảng 500 m vòi, hộ xa hơn 1 km, với giá mua 3.500 đồng/m vòi thì cả thôn mất hàng trăm triệu đồng tự đầu tư trong khi thôn có tới 49 hộ nghèo và 15 hộ cận nghèo.

Ngoài cấp nước cho thôn Lủng Chang, công trình Lủng Chang - Pác Chang còn cấp nước cho cả thôn Pác Chang cách đó khoảng 4 km với số hộ hưởng lợi là 79 trên tổng số 82 hộ. Tuy nhiên, thời điểm chúng tôi có mặt thì gần như toàn bộ các hộ đều không có nước sạch từ công trình. Để có nước sinh hoạt, các hộ dân phải tự đầu tư mua vòi tự dẫn nước về hoặc khoan giếng. Theo bà con, ống dẫn nước về quá bé, dù có nước đi chăng nữa cũng không đủ đáp ứng nhu cầu.

Tình cảnh tương tự cũng diễn ra ở công trình cấp nước sinh hoạt Bản Piềng. Ông Hà Văn Toàn, người dân trong thôn cho biết, công trình cũ dù xuống cấp vẫn đáp ứng đủ nước cho nhân dân, trong khi sửa xong thành ra lại thiếu nước. Bản thân gia đình tôi vì không có nguồn nước nào khác nên cứ hỏng phải tự lên mà sửa. Nhiều hộ khác có lúc phải múc nước suối gần đó lên mà dùng. Tại công trình cấp nước sinh hoạt Cao Lộc - Nà Chuông tình trạng mất nước cũng diễn ra thường xuyên. Chị Nguyễn Thị Mần, thôn Cao Lộc cho biết, từ khi công trình đưa vào sử dụng chỉ có nước vài lần, mỗi lần vài tiếng. Chị và bốn nhà khác phải bỏ ra 15 triệu đồng đầu tư gần 2 km vòi tự dẫn nước về. Theo trưởng thôn Cao Lộc Chu Văn Huy, từ khi đưa vào sử dụng nước về rất ít nên nhiều hộ phải tự tìm nguồn dẫn nước về dùng.

Đến nay, cả bốn công trình cấp nước sinh hoạt đầu tư ở Lục Bình đều không phát huy hiệu quả sau đầu tư sửa chữa. Ngay cả khu vực trụ sở UBND xã, hưởng lợi từ công trình Bản Piềng - Nam Lanh, Chang - Bắc Lanh, Chang - Nà Nghịu cũng không có nước đều. Hệ thống ống dẫn chôn dọc, sát lòng đường trung tâm, nhiều đoạn lộ thiên, xe ô-tô đi qua dễ hư hại.

Có dấu hiệu bị “rút ruột”

Theo Quyết định số 1759/QĐ-UBND ngày 31-10-2016 của UBND tỉnh Bắc Cạn phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình thì kinh phí đầu tư chủ yếu là sửa chữa, tận dụng lại các bể cũ, lắp thêm một số đoạn ống thép và ống nhựa HDPE. Theo đó, đối với đường ống thép của cả bốn công trình sẽ lắp mới 293 m ống có kích cỡ (phi) 65; 406,4 m ống phi 50; 2.757,5 m ống phi 32; 73 m ống phi 25; 167,6 m ống phi 40 và 125 m ống phi 15. Đối với ống nhựa HDPE lắp mới 205 m ống phi 50; 4.589,75 m ống phi 32; 20.252 m ống phi 20 và 126 m ống phi 25. Dự án tận dụng lại hoàn toàn bể chứa của các công trình Lủng Chang - Pác Chang, Bản Piềng - Nam Lanh, Chang - Bắc Lanh, Chang - Nà Nghịu và Cao Lộc - Nà Chuông. Dự án chỉ trát, láng lại, thay nắp các bể ở ba công trình nói trên, duy nhất công trình Bản Piềng là xây mới bể lọc và bể chứa.

Làm việc với Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT) Bắc Cạn, đơn vị cung cấp báo giá vật liệu đưa vào công trình của các công ty TNHH thương mại Kiều Anh Thái Nguyên; công ty TNHH An Việt Phổ Yên và doanh nghiệp tư nhân đầu tư và thương mại Việt Kiên, đều ở tỉnh Thái Nguyên. Theo báo giá của công ty TNHH thương mại Kiều Anh Thái Nguyên, sản phẩm ống nhựa HDPE phi 20, dày 2 mm có giá sau thuế VAT là 8.300 đồng/m; phi 20, dày 2,3 mm có giá 10.000 đồng/m. Tuy nhiên, theo người dân ở các thôn khi mua ống tự dẫn nước về đều cho biết, ống nhựa HDPE kích cỡ này do họ mua không có giá cao đến vậy.

Cũng theo thiết kế của dự án, bốn công trình sẽ có 637 trụ vòi xây bằng bê-tông mác 150, đá 1x2, kích thước 30x30x30cm, van khóa và vòi đồng. Số trụ vòi, van khóa, vòi đồng này cấp đến đủ 637 hộ dân, trụ sở xã, nhà họp thôn, trường học, bưu điện văn hóa xã, trạm y tế. Theo biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành công trình xây dựng số 01/NT-HTCT ngày 8-11-2018 giữa chủ đầu tư với nhà thầu tư vấn giám sát và nhà thầu thi công thì hạng mục số 7: Trụ vòi gồm: sản xuất, lắp dựng hộp bảo vệ đồng hồ đá; các loại cấu kiện bê-tông đúc sẵn trọng lượng 50 kg; sản xuất, lắp đặt cốt thép hộp bảo vệ đồng hồ… Tuy nhiên, thực tế khi đi đến các thôn hưởng lợi từ bốn công trình trên, chúng tôi không thấy có bất cứ một trụ vòi, vòi đồng nào. Trưởng thôn Pác Chang Trương Thị Vinh cho biết, dự án khi thi công chỉ cấp cho một hộp bê-tông nói là để chứa đồng hồ đo nước, một đồng hồ đo nước, chứ không có bất cứ trụ vòi hay vòi đồng nào cả. Tương tự, ở các thôn hưởng lợi còn lại, tất cả các vòi dẫn đến từng hộ dân chỉ có đồng hồ đo nước, sau đồng hồ đo nước không có trụ vòi hay vòi đồng. Người dân nghi ngờ chất lượng cũng như sự thiếu minh bạch trong thi công của công trình này.

Theo Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường Bắc Cạn, công trình đã được bàn giao, đưa vào sử dụng từ tháng 6-2019. Tuy nhiên, ngay tại biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình hoặc công trình xây dựng đưa vào sử dụng cũng thể hiện sự thiếu chặt chẽ khi ở phần ngày, tháng lại ghi địa chỉ là Thuần Mang, ngày 12-6-2019, trong khi công trình là ở xã Lục Bình còn Thuần Mang là một xã của huyện Ngân Sơn. Trong tám thôn, còn thôn Bắc Lanh Chang chưa có chữ ký của trưởng thôn. Các biên bản xác nhận đều xác nhận từng hộ dân có trụ vòi có nước, đồng hồ hoạt động tốt… nhưng có bản không có chữ ký của trưởng thôn. Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Trung tâm NSVSMTNT Bắc Cạn Bế Ngọc Hùng cho biết, dự án đang làm thủ tục quyết toán, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại công trình.

Trước tình trạng công trình cấp nước sạch mới bàn giao đưa vào sử dụng đã hư hỏng, cộng với việc thiếu một số hạng mục theo thiết kế đã được duyệt thì những nghi ngại của nhân dân xã Lục Bình, huyện Bạch Thông là có cơ sở, cần được các ngành chức năng của tỉnh Bắc Cạn sớm làm rõ.