Công nhân môi trường đô thị Thái Nguyên sẽ cầm cự đến bao giờ?

NDO -

Cuộc sống hằng ngày, trang trải chi tiêu gia đình của gần 500 công nhân môi trường đô thị TP Thái Nguyên (Thái Nguyên) trông chờ vào lương hằng tháng. Tuy nhiên, từ tháng 1-2021 đến nay, tức là đã bốn tháng liên tục, mỗi người chỉ được tạm ứng sáu triệu đồng, đời sống vô cùng khó khăn, không biết họ sẽ cầm cự được đến bao giờ?

Hằng ngày, trong quá trình quét dọn đường phố, chị Nguyễn Thu Hà tận dụng phế thải để bán thêm tiền mua xăng đi làm.
Hằng ngày, trong quá trình quét dọn đường phố, chị Nguyễn Thu Hà tận dụng phế thải để bán thêm tiền mua xăng đi làm.

Công việc nhọc nhằn

TP Thái Nguyên có 480 công nhân môi trường đô thị, bất kể mưa hay nắng, công việc hằng ngày của họ là quét dọn phố phường, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt của đô thị loại I đang phát triển sôi động này. Người đi đường và người dân sống hai bên phố, hằng ngày chứng kiến hình ảnh công nhân môi trường khoác trên mình trang phục bảo hộ, buổi tối khoác thêm tấm áo xanh phản quang, khăn trùm kín mặt chống nắng mưa và bụi đường, cần mẫn, cặm cụi làm cho đường phố khang trang, sạch sẽ.

Chị Trần Thị Lan, công nhân Đội vệ sinh môi trường số 6, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên (Công ty MT-ĐT Thái Nguyên), được giao đảm nhận quét dọn, vệ sinh môi trường, thu gom và vận chuyển rác thải dài hơn 2 km trên trục đường Cách mạng Tháng Tám, TP Thái Nguyên trong bất kỳ điều kiện thời tiết mưa hay nắng, lễ Tết hoặc ngày cuối tuần.

Chị Lan tâm sự: “Rác thải sinh hoạt không chỉ là nilong, cọng rau, cơm thừa canh cặn, mà có cả sản phẩm động vật để lâu hôi thối, rác thải mất vệ sinh đều phải quét dọn, thu gom, vận chuyển đến nơi tập kết, hôm nào trở về nhà mặt mũi, quần áo cũng lấm lem bụi bặm nên rất mệt mỏi. Trong quá trình lao động, nhất là vào ban đêm, nhiều lần bị người đi đường thiếu quan sát, đi ẩu va quyệt. Không thể làm công việc gì thêm, thu nhập hoàn toàn phụ thuộc vào đồng lương, vậy mà đã bốn tháng qua, tôi chỉ được tạm ứng vẻn vẹn sáu triệu đồng nên cuộc sống gia đình rất khó khăn”.

Tương tự như thế, chị Nguyễn Thu Hà, công nhân Đội vệ sinh môi trường số 3, Công ty MT-ĐT Thái Nguyên được giao quét dọn 2 km quốc lộ 3 trên địa bàn phường Tân Lập, tuyến đường xe cộ nườm nượp, sôi động suốt ngày đến tận đêm khuya, trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh thời tiết nào chị Hà cũng được đánh giá hoàn thành tốt công việc, được bà con hai bên đường đánh giá cao.

Chị Hà làm công nhân môi trường đô thị đến nay là 21 năm, nhưng chưa bao giờ cảm thấy cuộc sống vô cùng khó khăn, chật vật như thời gian vừa qua, bởi vì hai vợ chồng đều làm công nhân Công ty MT-ĐT Thái Nguyên, nuôi hai con ăn học lớp 12 và lớp 7, thế nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, hai vợ chồng mới chỉ được tạm ứng lương tháng 1 và 2, với mức ba triệu đồng/tháng, từ tháng 3-2021 đến nay chưa được tạm ứng đồng nào.

Lay lắt sống để làm việc

Chồng chị Lan, anh Quản Chí Bằng là công nhân Đội điện chiếu sáng, cũng thuộc Công ty MT-ĐT Thái Nguyên, sức khỏe yếu, vì thời gian gần đây bị tai biến hai lần, chia sẻ hoàn cảnh khó khăn, công ty bố trí công việc phù hợp để anh Bằng có việc làm, thu nhập chữa bệnh. Tuy nhiên, đến nay anh Bằng cũng chỉ được tạm ứng lương tháng 1 và 2-2021, mỗi tháng ba triệu đồng, từ tháng 3 và 4 đến nay chưa được tạm ứng đồng nào.

Phản ánh với phóng viên, chị Lan sụt sùi nước mắt khi nói về hoàn cảnh gia đình mình: “Chồng ốm đau, thường xuyên phải chữa trị, nuôi con thứ 2 học lớp 10 với nhiều chi phí, vậy mà từ năm 2021 đến nay, hai vợ chồng mới được tạm ứng vỏn vẹn 12 triệu đồng nên tôi đôn đáo vay tiền anh em, bạn bè để chồng chữa bệnh, nợ nần để nuôi con ăn học”.

“Lương thực, thực phẩm thời gian qua phải nợ quán, ngày nào cũng mong ngóng công ty cho tạm ứng hoặc thanh toán lương để trang trải cuộc sống, chữa bệnh cho chồng. Cứ tình trạng này không biết sẽ cầm cự được đến khi nào. Nếu không vì say mê công việc, yêu thành phố thì tôi đã không gắn bó với công việc vệ sinh phố phường suốt 27 năm qua để làm việc khác đỡ nhọc nhằm, thu nhập khá hơn”- chị Lan ngậm ngùi. Đang học Đại học Công nghiệp Thái Nguyên năm thứ 4, con đầu chị Lan đã xin bảo lưu kết quả để xung phong đi bộ đội đầu năm 2021. Chị Lan bảo, cháu yêu thích quân đội nên xung phong nhập ngũ, giảm gánh nặng nuôi dạy cho bố mẹ.

Thời gian qua, tiền tạm ứng của hai vợ chồng chị Nguyễn Thu Hà chỉ đủ nuôi hai con ăn học, còn cuộc sống của cả gia đình thì phải vay mượn, mua chịu quán xá. Chị Hà chia sẻ: “Quét dọn phố phường vốn nhọc nhằn, làm đêm thì ngày phải nghỉ ngơi mới có sức nên không thể làm thêm được, thu nhập hoàn toàn phụ thuộc vào đồng lương, nhà không có tích lũy nên thời gian qua phải vay mượn trang trải chi tiêu gia đình, nợ tiền mua lương thực, thực phẩm, xoay đủ cách để cầm cự, lay lắt sống để làm việc. Nhưng vay mượn, nợ nần có giới hạn thôi chứ, cứ tình hình này không biết rồi sẽ ra sao”. Trong quá trình quét dọn, thu gom rác thải, chị Hà tận dụng tất cả những gì có thể bán được để có thêm tiền xăng xe đi làm hằng ngày.

Cũng như chị Hà, chị Lan, 480 công nhân Công ty MT-ĐT Thái Nguyên đang rất khó khăn, hằng ngày mong ngóng được tạm ứng lương tháng 3 và 4- 2021, thanh toán lương từ tháng 1-2021 đến nay để trang trải cuộc sống, trong khi đó công việc vệ sinh môi trường thành phố thì không thể lơi lỏng, vì như vậy thành phố sẽ  nhếch nhác.

Với tình trạng khó khăn như thế, thời gian gần đây gần 10 công nhân đã nghỉ việc, nhiều người làm đơn, thư gửi Công đoàn Công ty, Công đoàn thành phố mong muốn được bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Được biết, trước bức xúc của công nhân, lãnh đạo Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên đã tổ chức đối thoại, giải thích với công nhân nguyên nhân chậm chi tạm ứng, thanh toán lương là do Công ty chưa được thanh toán công nợ vệ sinh môi trường mà TP Thái Nguyên đã đặt hàng từ năm 2018 đến nay.

Để tránh ảnh hưởng đến dịch vụ công ích TP Thái Nguyên và đề phòng tình trạng đình công, giãn công, đề nghị lãnh đạo Công ty MT-ĐT Thái Nguyên tích cực phối hợp, làm việc với các cơ chức năng TP Thái Nguyên để giải quyết quyền lợi hợp pháp, chính đáng, tháo gỡ khó khăn về đời sống cho người lao động.