Còn nhiều khuyết điểm trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa đã ban hành Kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, TTCP thanh tra công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) và UBND sáu tỉnh gồm: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Hải Dương.

TTCP nêu rõ bên cạnh những thành tích đạt được, Bộ LĐ - TB và XH còn để xảy ra những hạn chế, khuyết điểm. Trong đó có việc không báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi không xây dựng được chiến lược, kế hoạch về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Chậm kiến nghị sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bộ chưa thật sự quan tâm đúng mức quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài; không có biện pháp giải quyết triệt để, không báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp đàm phán với nước ngoài để giảm chi phí cho người lao động; trong thời gian dài không quản lý, kiểm soát được mức thu phí, tiền môi giới của doanh nghiệp dẫn đến người lao động còn phải chi trả số tiền lớn... Bộ chưa ban hành quyết định, quy định chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Bộ trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra. Chưa chấn chỉnh công tác điều hành quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; trong thời gian dài không kiện toàn bộ máy quản lý quỹ...

Cục Quản lý lao động ngoài nước không quản lý, kiểm soát được doanh nghiệp trong việc thu phí thị trường Nhật Bản, dẫn đến trong thời gian dài, người lao động phải chi trả mức phí quá cao. Không tổ chức thực hiện quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng mã số; không tham mưu Bộ LĐ - TB và XH báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổng kết hằng năm về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bên cạnh đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước phát hiện nhiều doanh nghiệp không làm thủ tục cấp đổi giấy phép nhưng buông lỏng, không có phương án xử lý; không ban hành 22 kết luận thanh tra năm 2015...

Đối với UBND sáu tỉnh được thanh tra, TTCP nêu rõ,  có nhiều hạn chế khuyết điểm. Trong đó có việc tuyên truyền, phổ biến luật và văn bản hướng dẫn chưa triệt để, số lượng lao động của các tỉnh cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài còn nhiều, đặc biệt thị trường Hàn Quốc. Công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh chưa thường xuyên, việc quản lý lao động về nước còn hạn chế. Còn tình trạng doanh nghiệp ngoài tỉnh chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật khi giao nhiệm vụ cho chi nhánh; không thực hiện thông báo với Sở LĐ - TB và XH, chính quyền cấp huyện, xã nơi doanh nghiệp dịch vụ tuyển chọn lao động. Còn xảy ra hiện tượng người lao động tự ý hoặc thông qua môi giới bằng hình thức đi du lịch, thăm người thân, kết hôn giả để sang một số nước làm việc không có hợp đồng lao động và cư trú bất hợp pháp. Việc thực hiện trách nhiệm về đóng nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã được quy định nhưng người lao động chưa tham gia đóng đủ theo quy định. 

Từ những nội dung nêu trên, Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐ - TB và XH rà soát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài, bảo đảm hiệu quả, phù hợp thực tiễn và đối tượng áp dụng. Tăng cường quản lý, bảo vệ người lao động; ban hành cơ chế, chế tài quản lý lao động bỏ trốn; phát triển thị trường lao động có thu nhập cao. Hoàn thiện cơ chế pháp lý đăng ký hợp đồng trực tuyến, bỏ đăng ký hợp đồng thủ công. 

Về xử lý trách nhiệm, TTCP nêu rõ, Bộ LĐ - TB và XH  với trách nhiệm chung trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chịu trách nhiệm trước những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm được nêu trong kết luận thanh tra. Tổ chức kiểm điểm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với các đơn vị, cá nhân liên quan. Đối với  UBND các tỉnh được thanh tra, cụ thể là Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Nghệ  An tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp hoạt động đưa người lao động đi nước ngoài làm việc; việc mở văn phòng đại diện, chi nhánh điểm tư vấn trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, có biện pháp giảm số lượng lao động của tỉnh cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài, tránh ảnh hưởng đến uy tín chung về lao động xuất khẩu của tỉnh. UBND các  tỉnh Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Hải Dương có biện pháp xử lý đối với các doanh nghiệp ngoài tỉnh trong việc thực hiện chưa tốt các quy định của pháp luật về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Có biện pháp trong việc tuyển chọn lao động trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Vĩnh Phúc sắp xếp bộ máy quản lý của các trung tâm việc làm của tỉnh theo đúng quy định; duy trì và phát triển mô hình Trung tâm đào tạo lao động xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài...

Căn cứ vào một số nội dung trong kết luận thanh tra, TTCP đề nghị thu hồi giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Công ty cổ phần thương mại và cung ứng nhân lực quốc tế Bắc Việt,  Tổng công ty Thủy sản Hạ Long... Giao Thanh tra Bộ thanh tra toàn diện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với Công ty cổ phần nguồn nhân lực quốc tế Thuận An KYOTO...