Chuyện về giống chó cộc đuôi của người Mông

NDO -

NDĐT - Người Mông ở Lào Cai có giống chó rất quý. Đặc điểm dễ nhận thấy nhất của giống chó này là không có đuôi hoặc đuôi cụt ngủn, chỉ có một đốt, ngẵn tũn…

Anh Châu A Tính và chú chó cộc đuôi của mình, ở xã Sử Pán, huyện Sa Pa (Lào Cai).
Anh Châu A Tính và chú chó cộc đuôi của mình, ở xã Sử Pán, huyện Sa Pa (Lào Cai).

“Đế tử tư” là tiếng người Mông gọi giống chó này, dịch nghĩa là “chó không đuôi”. Giống chó cộc đuôi chỉ có rất ít ở vùng người Mông sinh sống trên những đỉnh núi cao ở Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai (Lào Cai).

Lang thang trên những rẻo cao Sa Pa, lần tìm mãi, tôi mới bắt gặp “đế tử tư” ở bản Hòa Sử Pán 2, xã Sử Pán nằm ngang lưng núi Hoàng Liên hùng vĩ. Giống chó cộc đuôi người Mông có tầm vóc trung bình, toàn thân cơ bắp và đậm chắc, hơi dài, có khung xương rộng, đầu to và ánh mắt biểu cảm; tai có hình tam giác, luôn dựng đứng; hai chân sau luôn trong tư thế sẵn sàng tấn công. Nhìn tổng thể, một con chó cộc đuôi người Mông có thể hình hơi góc cạnh, thiếu các nét thanh tú và mềm mại nhưng luôn bộc lộ các đặc điểm về thể lực rất tốt, cũng như khả năng chịu đựng các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Giống chó cộc của người Mông được chia thành ba loại, gồm: cộc tịt, cộc thỏ và cộc lửng. Loại cộc tịt có cái đuôi khi sinh ra đã cụt ngủn, chỉ thừa lại mỗi chỏm lông. Loại cộc thỏ thì có đuôi hệt như đuôi con thỏ. Còn loại cộc lửng có mẩu đuôi chừng 8-15 cm. Trong đó, loại cộc tịt và cộc thỏ được giới chơi chó săn lùng nhiều nhất. Đó là về cái đuôi, còn về màu sắc, quý hiếm và khó săn tìm nhất vẫn là loài chó cộc đỏ, hay còn gọi là cộc lửa (lông màu đỏ sậm), sau đó mới đến lượt cộc đen, cộc vện, cộc kem… Ngoài ra, một con cộc chuẩn lưỡi phải đen hoặc đốm, đầu to, mõm ngắn, tai nhỏ, bộ răng phải đủ 42 cái chiếc, miếng cắn tạo thành hình cắt kéo.

Chuyện về giống chó cộc đuôi của người Mông ảnh 1

Chó cộc đuôi không sủa như nhiều con chó bình thường khác, chúng khá lì lợm, ít sủa nhưng khi có người lạ mà không có chủ ở đó thì chúng rất hung dữ.

Trong mờ mịt sương trắng và hơi lạnh vùng núi đá cao Hoàng Liên, ngồi bên hai chú chó cộc đuôi quý hiếm của mình bên hiên nhà, anh Châu A Tính, ở bản Hòa Sử Pán 2 (Sa Pa) say sưa nói về những đặc tính riêng biệt của “hua tai đế” (vua loài chó) gắn với người Mông từ bao đời nay.

Đầu tiên phải kể đến là bản năng bảo vệ lãnh thổ. Gọi là bản năng vì dường như chúng thành thạo công việc này từ rất bé (lúc mới được 2-3 tháng tuổi). Sau đó là sự trung thành, có không ít loài chó cũng rất trung thành, nhưng trung thành đến nỗi chỉ nghe lời của một chủ duy nhất, hay thà nhịn đói đến chết chứ không chịu ăn thức ăn từ người khác không phải là chủ thì chỉ có ở giống chó cộc đuôi của người Mông.

Ngoài ra, giống chó này còn có một trí nhớ rất tốt, đặc biệt là nhớ đường. Theo anh Tính, có thể đặc tính này được rèn luyện từ xa xưa, khi chúng cùng với người dân bản Tây Bắc trong những cuộc đi săn kéo dài hằng tháng, suốt từ cánh rừng này đến cánh rừng khác. Thêm nữa, chó cộc đuôi người Mông thường không sủa như nhiều con chó bình thường khác, chúng khá lì lợm, ít sủa nhưng khi có người lạ mà không có chủ ở đó thì chúng rất hung dữ. Vì vậy, giống chó này cũng là một lựa chọn không thể hoàn hảo hơn cho công việc trông giữ nhà ở miền núi cao, khí hậu khắc nghiệt.