Chưa thiếu hụt lớn lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19

NDO -

NDĐT- Về những tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona Covid-19 (trước đây gọi là nCoV) ảnh hưởng tới lĩnh vực lao động - việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, đến nay, toàn quốc không có biến động lớn về lao động, việc làm. Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn, sử dụng nhiều lao động vẫn ổn định, duy trì hoạt động bình thường, chưa xảy ra tình trạng thiếu hụt lớn lao động.

Doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc đo thân nhiệt, triển khai phòng, chống dịch Covid-19 (Ảnh minh họa: Đức Tùng).
Doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc đo thân nhiệt, triển khai phòng, chống dịch Covid-19 (Ảnh minh họa: Đức Tùng).

Chưa xảy ra tình trạng thiếu hụt lớn lao động

Báo cáo tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona Covid-19 (trước đây gọi là nCoV) của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội liên quan tới lĩnh vực lao động, người có công và xã hội nhận định, tính đến nay, trên toàn quốc không có biến động lớn về lao động, việc làm.

Hầu hết các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn, sử dụng nhiều lao động vẫn ổn định, duy trì hoạt động bình thường, chưa xảy ra tình trạng thiếu hụt lớn lao động. Ngoại trừ không tổ chức các phiên giao dịch việc làm tập trung đông người tìm việc và doanh nghiệp, hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm vẫn duy trì các hoạt động cung cấp dịch vụ cho người lao động và doanh nghiệp bình thường, không có bất kỳ xáo trộn nào.

Theo báo cáo của 30/63 địa phương, trong tổng số 181.597 doanh nghiệp, có 322 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động (chiếm 0,18%), 553 doanh nghiệp giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh (chiếm 0,3%).

Bên cạnh đó, số liệu từ 22 địa phương cho hay, trong tổng số 8.773 lao động bị ảnh hưởng, ngành nông, lâm và thủy sản có 3.227 người (chiếm 36,8%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải có 2.252 người (chiếm 25,7%); ngành vận tải, kho bãi có 1.121 người (chiếm 12,8%); ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô-tô, mô-tô, xe máy và xe có động cơ khác có 665 người (chiếm 7,6%). Với một số ngành khác, số lao động bị ảnh hưởng không nhiều.

Ngoài ra, theo tổng hợp từ 22/63 địa phương, số lao động bị mất việc là 1.027 người; chủ yếu rơi vào ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Số mất việc làm còn lại rải rác ở một số ngành khác.

Các địa phương đã cấp giấy phép lao động cho 33.775 lao động Trung Quốc làm việc tại các địa phương. Trong số này, 26.388 lao động Trung Quốc về nước ăn Tết.

Cập nhật số liệu từ các địa phương, đến 16 giờ ngày 10-2, có 15.018 lao động Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam. Trong đó, 7.388 lao động ở lại Việt Nam dịp Tết và 7.630 lao động Trung Quốc quay trở lại sau dịp Tết Nguyên đán (chiếm 22,59% lao động Trung Quốc làm việc tại Việt Nam).

Theo báo cáo nhanh của 41 địa phương, có 5.112 trường hợp đang được cách ly, theo dõi. Trong đó, có 248 trường hợp đã vào Việt Nam 14 ngày; 1.085 trường hợp vào Việt Nam trong khoảng thời gian từ 10 đến dưới 14 ngày và 3.779 trường hợp vào Việt Nam dưới 10 ngày. Các trường hợp cách ly chủ yếu tại khu ký túc xá doanh nghiệp, khách sạn. Một số trường hợp nghi nhiễm được địa phương theo dõi, cách ly tại các cơ sở y tế.

Đến nay, đa số lao động Trung Quốc chưa quay lại Việt Nam sau Tết Nguyên đán do dịch bệnh Covid-19. Việc quản lý và điều hành doanh nghiệp của lao động Trung Quốc chủ yếu thực hiện qua điện thoại và mạng internet, nên các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc quản lý và điều hành doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các nước chỉ công bố số liệu về công dân nhiễm Covid-19, không công bố vùng có dịch. Do đó, các địa phương gặp khó khăn trong xác định lao động nước ngoài đến từ các vùng có dịch để không cấp giấy phép lao động mới cho lao động trong thời gian này.

Hơn 1.600 cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên nghỉ học

Đến ngày 10-2, có 1.603 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục thường xuyên - trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp… cho học sinh, sinh viên nghỉ học đến giữa tháng 2.

Phần lớn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thành lập tổ công tác phòng, chống dịch bệnh và triển khai tổ chức khử trùng trường học, phòng học. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội địa phương cũng thường xuyên tiến hành kiểm tra. Đến thời điểm này, chưa có trường hợp nào mắc bệnh hay có triệu chứng nhiễm bệnh.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã ban hành hai văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, chủ động ứng phó hiệu quả; đồng thời hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tạm dừng cấp giấy phép lao động mới cho lao động nước ngoài đến từ các vùng có dịch

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đề nghị, trong thời gian tới, thực hiện nghiêm túc các biện pháp, chủ động phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát không để dịch bệnh lây lan rộng; và địa phương cần chỉ đạo quyết liệt, và tiến tới dập dịch thành công theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg và số 06/CT-TTg.

Cùng với đó, chú trọng truyền thông, khuyến cáo cách phòng, chống dịch bệnh nhằm nâng cao hiểu biết, ổn định tâm lý của người dân. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền để người lao động phòng chống dịch và ổn định tâm lý bảo đảm hoạt động lao động, sản xuất bình thường, hạn chế ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Dừng tổ chức các hoạt động, sự kiện tập trung đông người liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành; không tổ chức hội nghị, hội thảo, phiên giao dịch việc làm tập trung đông người…

Các địa phương tiếp tục rà soát, kiểm soát số lượng lao động Trung Quốc, khuyến cáo lao động nước này về quê dịp Tết không nên quay trở lại Việt Nam làm việc. Nếu quay trở lại, phải cách ly 14 ngày theo quy định của ngành y tế.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các địa phương phối hợp các doanh nghiệp có sử dụng lao động Trung Quốc lập danh sách cụ thể và báo cáo về số lượng lao động Trung Quốc, số lao động về nước dịp Tết, số người quay trở lại và kiểm soát chặt chẽ số quay trở lại, có báo cáo thường xuyên. Với trường hợp nghi nhiễm hoặc đã nhiễm bệnh, cần báo cáo liên tục, chi tiết, phối hợp Sở Y tế ở địa bàn để tiến hành theo đúng quy trình, quy định. Tạm dừng cấp giấy phép lao động mới cho lao động nước ngoài đến từ các vùng có dịch trong thời gian Việt Nam công bố dịch bệnh Covid-19.

Tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch ở một số địa phương tập trung nhiều lao động, đặc biệt là lao động Trung Quốc.

Với lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh tại các nước tiếp nhận và tạm lùi thời gian xuất cảnh. Nếu thật cần thiết, phải kiểm soát được số lao động xuất cảnh trong thời gian này.

Khuyến cáo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phun thuốc khử trùng các lớp học, nếu phát hiện nghi có trường hợp nhiễm cần cho học sinh, sinh viên nghỉ học để bảo đảm tình hình phòng chống dịch tốt; các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trung tâm điều dưỡng người có công với cách mạng tiến hành phun thuốc khử trùng và có biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo, hướng dẫn của ngành y tế.

Có giải pháp ứng phó nếu dịch bệnh kéo dài

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng nhấn mạnh, các đơn vị chức năng liên quan tới lĩnh vực lao động - việc làm xây dựng các kịch bản quản lý điều hành trong trường hợp dịch bùng phát tại Việt Nam.

Cụ thể như, dự báo thị trường lao động trong quý I và năm 2020, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, dự báo khả năng thiếu hụt lao động và dịch chuyển lao động trong bối cảnh các doanh nghiệp đóng cửa hoặc thu hẹp sản xuất do chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng nguyên liệu ngừng hoạt động. Đây chủ yếu là các doanh nghiệp gia công cho các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp có đầu vào nguyên liệu phụ thuộc vào Trung Quốc…

Các cơ quan quản lý cũng cần dự báo những thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc sẽ ngừng nhập cảnh, hoặc dừng tiếp nhận lao động nước ta. Xây dựng kế hoạch đào tạo lao động, chuyển đổi lao động đi làm việc tại một số thị trường khác, hoặc cung ứng cho doanh nghiệp trong nước.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch bệnh để chủ động phối hợp các lực lượng quân đội, y tế và các địa phương nắm bắt tình hình đời sống nhân dân, nhất là những địa phương có khả năng bùng phát dịch bệnh. Từ đó, có phương án trợ giúp kịp thời người dân bị ảnh hưởng.

* Chưa có lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bị nhiễm Covid-19

* Lùi thời gian xuất cảnh với lao động Việt Nam sang làm việc tại các nước có ca nhiễm nCoV

* Học sinh, sinh viên trường nghề có thể được nghỉ học để phòng, chống dịch nCoV

* Tuyên truyền thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nCoV