Chủ động ứng phó lũ quét, sạt lở đất

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hôm nay (21-8) khu vực đồng bằng trung du Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, phổ biến từ 50 đến 100mm/24 giờ, có nơi hơn 150mm/24 giờ và có khả năng kéo dài đến ngày 23-8. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An kiểm tra tình hình thiệt hại trên lúa hè thu tại xã Diễn Thọ (Diễn Châu).
Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An kiểm tra tình hình thiệt hại trên lúa hè thu tại xã Diễn Thọ (Diễn Châu).

Cảnh báo, từ hôm nay (21-8) đến 24-8, trên các sông ở Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng xảy ra một đợt lũ với biên độ từ 1 đến 3 m(trên các sông ở Bắc Bộ), từ 2 đến 6 m (trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An). Mực nước đỉnh lũ thượng lưu các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng lên mức báo động 1 và hơn báo động 1; hạ lưu các sông chính khu vực Thanh Hóa, Nghệ An và các sông chính khu vực Bắc Bộ dưới mức báo động 1.

* Ðể chủ động ứng phó mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngày 20-8, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai (PCTT) đã có Thông báo số 393/TƯPCTT-VP gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An. Theo đó, các địa phương nêu trên cần rà soát phương án ứng phó mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng các biện pháp ứng phó khi có tình huống thiên tai. Theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về thời tiết để thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân chủ động các biện pháp phòng, tránh phù hợp…

* Chiều 20-8, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang ký Quyết định 2027/QÐ-UBND tạm ứng cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh An Giang 24 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng của tỉnh để xử lý sạt lở khẩn cấp quốc lộ 91. Theo đó, yêu cầu Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh An Giang khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, tổ chức xử lý sạt lở quốc lộ 91 đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang và giải ngân khoản tạm ứng theo quy định. Sở Giao thông vận tải tỉnh An Giang chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương làm việc với Bộ Giao thông vận tải để được hỗ trợ vốn và hoàn trả ngân sách tỉnh.

Trước đó, khoảng 5 giờ sáng cùng ngày, một đoạn đường nhựa dài hơn 30 m của quốc lộ 91 đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú tiếp tục sạt lở và đang có dấu hiệu phát triển thêm. UBND huyện Châu Phú đã huy động các lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân di dời nhà cửa đến nơi an toàn; đồng thời phối hợp các đơn vị liên quan di dời các trụ điện và hệ thống viễn thông ra khỏi khu vực sạt lở. Tính đến nay, UBND tỉnh An Giang đã chi 49 tỷ đồng để xử lý sự cố sạt lở quốc lộ 91.

* Tại tỉnh Lào Cai, hiện nay, giá ngô hạt khô giảm còn khoảng 3.500 đến 3.800 đồng/kg, gây thiệt hại lớn cho người sản xuất. Ðược biết, mỗi năm tỉnh Lào Cai trồng gần 37.000 ha ngô, năng suất bình quân đạt 4,7 tấn/ha, sản lượng đạt hơn 175 nghìn tấn.

* Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) cho biết, tổng diện tích cây sơn tra toàn huyện khoảng 4.500 ha. Năm nay, dự kiến sản lượng chỉ còn từ 20 đến 25% so với năm 2018. Sơn tra mất mùa do nhiều nguyên nhân, bên cạnh yếu tố thời tiết còn do người dân không quan tâm đầu tư, chăm sóc, bón phân cho cây sau thời kỳ thu hoạch.

* Vụ nhãn năm nay, sản lượng nhãn tươi của tỉnh Hưng Yên giảm hai phần ba so năm trước khiến các nhà vườn thất thu nặng. Cụ thể, tại các vùng trồng nhãn tập trung như huyện Khoái Châu, TP Hưng Yên, sản lượng quả tươi chỉ bằng 30% so với năm 2018; nhiều vùng trồng nhãn ở các huyện Tiên Lữ, Kim Ðộng, Ân Thi sản lượng chỉ đạt 20%. Tại các địa phương này, chỉ có từ 30 đến hơn 40% diện tích cho thu hoạch; các diện tích còn lại không có quả.

* Tại tỉnh Nghệ An, hiện nhiều diện tích lúa hè thu bị lép hạt, mất trắng hoàn toàn. Tính sơ bộ tại một số huyện như Diễn Châu, Nghi Lộc, Yên Thành đã có khoảng 3.000 ha bị lép hạt và mất trắng. Ngoài ra, các huyện khác là Nam Ðàn, Thanh Chương, Ðô Lương và Hưng Nguyên cũng nằm trong tình cảnh tương tự.

* Nắng nóng kéo dài làm cho nhiều diện tích cây thanh trà ở tỉnh Thừa Thiên - Huế bị sụt giảm mạnh về sản lượng, bình quân giảm từ 40 đến 50%, có nơi 70 đến 80%, gây thiệt hại lớn cho người dân. Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có hơn 850 ha thanh trà.

* Theo Liên hiệp các Hợp tác xã nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, hiện có ba loại trái cây tại địa phương này bị rớt giá nặng nề là dưa hấu, dừa xiêm và thanh long. Cụ thể, dưa hấu chỉ ở mức hơn 6.000 đồng/kg, giảm 50% so tháng trước, dừa xiêm từ 90.000 đồng/chục, giảm xuống còn 40.000 đồng/chục; giá thanh long ruột trắng chỉ còn 6.000 đến 7.000 đồng/kg, giảm 50% so tháng trước. Với mức giá này nhà vườn không có lãi, thậm chí thua lỗ.

* Tại tỉnh Ðồng Tháp, hiện lúa hè thu đã thu hoạch gần xong nhưng giá lúa đang giảm mạnh. Giá lúa loại một từ 4.850 đến 4.950 đồng/kg, lúa loại hai là từ 4.550 đến 4.650 đồng/kg. So cùng kỳ năm 2018, giá lúa hiện nay thấp hơn khoảng 1.000 đồng/kg.

Ðà Nẵng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng

Hơn 10 ngày qua, nước trên sông Cầu Ðỏ (Ðà Nẵng) có độ mặn từ 1.000mg/lít trở lên, mức độ nhiễm mặn ngày càng có chiều hướng gia tăng. Ðến sáng 20-8 mức độ mặn ở ngưỡng 1.400 mg/lít. Vì vậy, Công ty cổ phần cấp nước Ðà Nẵng (DAWACO) phải bơm nước thô từ trạm bơm An Trạch cách nhà máy hàng chục km để xử lý. Tuy nhiên, công suất của trạm bơm không thể cung cấp đủ nước cho nhà máy. Hiện, nhu cầu nước sinh hoạt của người dân Ðà Nẵng mỗi ngày khoảng 305.000 m3, trong khi trạm bơm An Trạch chỉ có thể cung cấp khoảng 210.000 m3/ngày, dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.