Chủ động trước nguy cơ thiếu nước sản xuất

Từ 0 giờ ngày 20-1, các hồ chứa bắt đầu xả nước đổ ải đợt 1 phục vụ sản xuất vụ đông xuân tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, mực nước các hồ chứa cấp nước cho hạ du đang ở mức thấp, chỉ đạt trung bình khoảng 58% dung tích thiết kế. Nếu các bộ, ngành liên quan và địa phương không vào cuộc quyết liệt, nguy cơ thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp là rất lớn...

Công trình đập dâng Phú Lâm, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) giúp ngăn nước sông Ngũ Huyện Khê bị ô nhiễm, tạo nguồn nước sạch phục vụ sản xuất.
Công trình đập dâng Phú Lâm, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) giúp ngăn nước sông Ngũ Huyện Khê bị ô nhiễm, tạo nguồn nước sạch phục vụ sản xuất.

Hồ chứa đầu nguồn cạn kiệt

Theo Tổng cục Thủy lợi, lượng nước trữ của các hồ chứa thủy điện có nhiệm vụ cấp nước cho sản xuất vụ đông xuân đang thiếu hụt khoảng bảy tỷ mét khối so với vụ đông xuân 2018-2019. Ðến nay, hồ thủy điện Lai Châu chỉ đạt 25% dung tích thiết kế, hồ Bản Chát 88%, hồ Sơn La 56%, hồ Thác Bà 48%, hồ Tuyên Quang 75%. Từ tháng 1 đến 2-2020 là giai đoạn cao điểm lấy nước sản xuất vụ đông xuân, nhưng tổng lượng mưa trên toàn lưu vực tiếp tục thiếu hụt từ 15 - 20%. Trong giai đoạn này, dung tích hồ thủy điện Sơn La dự báo chỉ còn 44%, Thác Bà 52%, Tuyên Quang cũng thiếu hụt nhiều so với dung tích thiết kế. Ðặc biệt, trữ lượng nước của hồ Hòa Bình chỉ còn 67%, ở mức thấp nhất trong lịch sử 30 năm đi vào vận hành, khai thác. Cùng với đó, lòng kênh dẫn hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đang ngày càng bị hạ thấp, nhất là đoạn cửa vào sông Ðuống và trên sông Hồng, đoạn qua thị xã Sơn Tây (TP Hà Nội).

Vụ đông xuân 2019 - 2020, 11 tỉnh, thành phố khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ có nhu cầu lấy nước từ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình để gieo cấy khoảng 528,7 nghìn ha lúa, giảm 6,95 nghìn ha so vụ đông xuân trước. Qua nhận định, diện tích chủ động lấy nước theo lịch của Tổng cục Thủy lợi khoảng 517,6 nghìn ha, gồm các tỉnh Thái Bình, Nam Ðịnh, Ninh Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và phần lớn diện tích của TP Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Tuy nhiên, diện tích có nguy cơ thiếu nước, hạn hán sẽ nhiều hơn so vụ đông xuân các năm trước. Diện tích gieo cấy khó khăn về lấy nước khoảng 7,4 nghìn ha, chủ yếu ở bốn địa phương như TP Hà Nội khoảng 4,8 nghìn ha, Bắc Ninh khoảng 550 ha, Vĩnh Phúc 1,4 nghìn ha và Phú Thọ hơn 640 ha. Ngoài ra, có khoảng 3,7 nghìn ha gieo cấy lúa ở TP Hà Nội và Phú Thọ có nguy cơ bị hạn, rất khó khăn trong việc lấy nước.

Ðể bảo đảm đủ nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trong vụ đông xuân, Tổng cục Thủy lợi sẽ thực hiện cấp nước cho các địa phương làm ba đợt. Trao đổi với chúng tôi, Tổng cục trưởng Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cho biết: Ðợt 1 đã xả từ 0 giờ ngày 20-1; trong thời gian này, mực nước tại Trạm Thủy văn Hà Nội được duy trì từ 1,6 m trở lên, cơ bản phục vụ các địa phương vùng ven biển. Ðợt 2 là đợt chủ lực, đưa mực nước cao nhất, tức là lên 2 m trong tám ngày, các địa phương sẽ lấy đủ nước. Ðợt 3 là đợt dự phòng, tập trung chủ yếu cho TP Hà Nội.

Ngoài sử dụng nguồn nước xả từ các hồ chứa một cách hiệu quả, các tỉnh, thành phố khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ dự kiến sẽ chuyển đổi khoảng 5.400 ha từ đất canh tác lúa truyền thống sang các loại cây trồng cạn. Trong đó, kế hoạch của Hà Nội là chuyển đổi 800 ha đất lúa sang canh tác rau màu, cây ăn quả...

Tuy nhiên, Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho rằng, với tình hình hạn hán như trên, các địa phương, nhất là Hà Nội cần rà soát và điều chỉnh kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế.

Sẵn sàng các phương án lấy nước

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, đông xuân là vụ sản xuất quan trọng nhất của các tỉnh, thành phố phía bắc nhưng lại đối diện nhiều khó khăn về nguồn nước, thời tiết. Vì vậy, Bộ đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi; ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi, sẵn sàng các phương án tối ưu để tận dụng nguồn nước phục vụ sản xuất... Bộ sẽ phối hợp Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam, các địa phương liên quan điều hành việc điều tiết nước các hồ chứa thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân.

Thực hiện chỉ đạo trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp thực tế và năng lực nguồn nước. Ðối với những diện tích cấy lúa có khả năng không bảo đảm đủ nước tưới suốt vụ, các địa phương phải kiên quyết chuyển sang cây trồng cạn… Bên cạnh đó, Sở cũng đã đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi trên địa bàn khẩn trương sửa chữa các hư hỏng công trình, nạo vét các cửa dẫn nước, bể hút trạm bơm đầu mối, hệ thống kênh mương và thủy lợi nội đồng; chuẩn bị lắp đặt, vận hành các công trình trạm bơm dã chiến để lấy nước sông Ðà, sông Hồng, sông Ðuống, sông Tích, sông Ðáy, sông Nhuệ... từ đó bổ sung nguồn nước vào các sông và các kênh tiêu, ao, hồ, đầm, vùng trũng tạo nguồn nước chống hạn…

Ðưa chúng tôi đi kiểm tra công trình đập dâng Phú Lâm, huyện Tiên Du (Bắc Ninh), Chi cục phó Thủy lợi Bắc Ninh Nguyễn Thế Năng cho biết: Do nguồn nước sông Ngũ Huyện Khê bị ô nhiễm nặng, tỉnh đã đầu tư kinh phí nâng cấp sửa chữa, tạo nguồn nước cho Trạm bơm Phú Lâm 1 bơm tưới phục vụ sản xuất và ngăn không cho nguồn nước bẩn chảy ngược vào mùa kiệt. Ngoài ra, ngay từ đầu tháng 12-2019, tỉnh đã chủ động cho các trạm bơm vận hành để bơm tiếp nguồn và trữ nước vào các kênh chìm.Trong đó, Trạm bơm Trịnh Xá bắt đầu bơm từ ngày 26-12; Trạm bơm Lương Tân bơm ngày 2-12; Trạm bơm Ðông Thọ 1 bơm ngày 30-12…

Là một trong những tỉnh luôn thiếu nước trong vụ đông xuân, những năm gần đây, Bắc Ninh đã đầu tư xây dựng hàng loạt trạm bơm mới lấy nước từ hệ thống sông Ðuống, sông Thái Bình ít bị ô nhiễm để thay thế cho các hệ thống tưới tiêu cũ. Gần đây nhất, tỉnh xây dựng và đưa vào hoạt động Trạm bơm Tri Phương 2, xã Tri Phương, huyện Tiên Du, với tổng mức đầu tư 660 tỷ đồng. Trạm bơm Tri Phương 2 đi vào hoạt động sẽ góp phần bảo đảm nước tưới cho gần 6.000 ha sản xuất nông nghiệp thuộc lưu vực Kênh Nam (Trạm bơm Trịnh Xá). Trạm bơm Yên Hậu cũng được đầu tư xây dựng để lấy nước từ sông Cà Lồ, tưới trực tiếp cho hơn 2.500 ha đất canh tác của huyện Yên Phong và một phần diện tích của huyện Ðông Anh (Hà Nội), đồng thời tạo nguồn cho hơn 1.700 ha đất canh tác trên địa bàn các huyện Tiên Du và thị xã Từ Sơn.

Thiếu nước vụ đông xuân sẽ ngày càng căng thẳng do nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Bởi vậy, để chủ động ứng phó, Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho rằng, về lâu dài, đối với diện tích có khả năng chủ động nguồn nước qua các đợt xả, các địa phương cần hạn chế gieo cấy trà xuân sớm, mở rộng trà xuân muộn bằng những giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh và điều kiện bất lợi về thời tiết. Ðối với diện tích có nguy cơ khó khăn về lấy nước, các địa phương cần xây dựng kế hoạch gieo trồng cụ thể, tận dụng nguồn nước tại chỗ và có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng rau màu nhằm tiết kiệm nước, nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.

Trước mắt, đối với diện tích khoảng 3,7 nghìn ha có nguy cơ bị hạn cao, rất khó khăn trong việc lấy nước để gieo cấy trong vụ đông xuân này, các địa phương cần xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang cây trồng cạn như rau màu, cây ăn quả. Bên cạnh đó, cần tập trung nạo vét kênh mương, làm thủy lợi nội đồng, tu bổ, sửa chữa các công trình thủy lợi; tích trữ nước sớm trong các ao, hồ, kênh mương; sử dụng tiết kiệm nước trong các hồ chứa; bám sát lịch xả nước ở các hồ thủy điện để có kế hoạch lấy nước đổ ải, làm đất, gieo cấy hiệu quả và bảo đảm đúng lịch thời vụ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2019 - 2020 tại khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ là 18 ngày, chia làm ba đợt. Theo đó, đợt 1 từ 0 giờ ngày 20-1 đến 24 giờ ngày 23-1 (4 ngày); đợt 2 từ 0 giờ ngày 5-2 đến 24 giờ ngày 12-2 (8 ngày); đợt 3 từ 0 giờ ngày 19-2 đến 24 giờ ngày 24-2 (6 ngày).