Chủ động phòng, chống rét cho đàn gia súc

Cao Bằng và Bắc Kạn là hai tỉnh miền núi có tổng đàn gia súc khá lớn. Vào mùa đông, nhiệt độ tại hai tỉnh thường xuyên ở mức thấp, kèm theo sương giá, nguy cơ cao ảnh hưởng tới đàn vật nuôi. Thời điểm này, các cơ quan chức năng của hai tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn người dân bảo vệ, chăm sóc đàn gia súc...

Người dân xã Dân Chủ, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn cho gia súc.
Người dân xã Dân Chủ, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn cho gia súc.

Hai tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng hiện có hơn 283.690 con trâu, bò, ngựa tập trung chủ yếu ở các huyện vùng cao. Mùa đông ở hai tỉnh này thường rất khắc nghiệt, nhiều huyện có lúc nhiệt độ xuống thấp hơn 5oC, như: Bảo Lạc, Nguyên Bình (Cao Bằng); Ba Bể, Pác Nặm (Bắc Kạn)… Tại Cao Bằng, từ năm 2018 đến nay đã có 2.465 con trâu, bò bị chết vì đói và rét. Tại Bắc Kạn, mùa đông năm 2008 có gần 14.000 con trâu, bò chết rét. Nguyên nhân chủ yếu do sự chủ quan, lơ là của các cơ quan chức năng và người chăn nuôi trên địa bàn hai tỉnh. Công tác phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi của hai tỉnh đã dần được chấn chỉnh, số gia súc bị chết rét giảm dần qua các năm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Bắc Kạn, nhờ tích cực vận động, hướng dẫn, đến nay, toàn tỉnh có hơn 24.600 hộ chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả có chuồng trại chống chịu được mưa, gió và quây kín chống rét trong mùa đông. Ngay từ trước mùa đông năm 2019 - 2020, Bắc Kạn đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo các địa phương, nhất là cán bộ nông nghiệp xã, thú y viên tích cực hướng dẫn người dân tích trữ thức ăn, quây kín chuồng, trại. Pác Nặm là huyện có địa hình cao nhất của Bắc Kạn, hiện có tổng đàn gia súc hơn 15.000 con. Trong tháng 12-2019, có thời điểm, nhiệt độ tại một số xã đã xuống tới 5oC, nhưng nhờ làm tốt khâu phòng, chống mà đến nay, chưa có con trâu, bò, ngựa nào chết rét. Ông Hoàng Văn Ninh, thôn Nà Nghè, xã Bộc Bố cho biết, gia đình nuôi năm con bò. Đây là tài sản lớn cho nên khi bước vào mùa đông, ông đã mua sẵn bạt dứa, quây kín chuồng; chuẩn bị sẵn thức ăn khô và bột ngô cùng chăn cũ, củi đốt sưởi ấm. Tại thôn Nà Lẩy, xã Bộc Bố hiện có hơn 200 con đại gia súc. Hiện tại, các hộ đều làm chuồng, trại bảo đảm mát trong mùa hè, ấm về mùa đông, nhiều hộ đầu tư làm chuồng, trại rất kiên cố. Sau vụ gặt, các hộ đều chủ động thu gom, tích trữ rơm rạ bằng cách buộc thành bó cất gầm sàn, gom đống, phủ bạt che mưa để làm thức ăn dự trữ. Người dân cũng không còn thả rông trâu, bò khi nhiệt độ xuống thấp như trước đây, do vậy, nhiều năm nay Nà Lẩy không có trâu, bò chết rét.

Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm Nguyễn Đình Điệp cho biết, chăn nuôi đại gia súc là thế mạnh, ngành kinh tế chính của nông hộ vùng cao. Phần lớn các hộ nuôi vỗ béo, thời gian quay vòng ngắn cho nên công tác phòng, chống đói, rét đều được thực hiện khá kỹ lưỡng, nhiều năm không có trâu, bò chết trong mùa đông. UBND huyện luôn chỉ đạo các xã không được phép lơ là, chủ quan mà phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhất là khi thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay. Đối với các thôn, bản vùng núi cao, sẵn sàng di chuyển gia súc xuống vùng thấp khi nhiệt độ xuống quá thấp.

Từ cuối tháng 12-2019, UBND tỉnh Cao Bằng gửi công điện yêu cầu các địa phương chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của UBND huyện, xã xuống từng thôn, bản hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đói, rét cho gia súc. Bà Nông Thị Niên ở thôn Mỏ Sắt, xã Dân Chủ, huyện Hòa An cho biết, theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, gia đình đã trồng ngô hái lá, thân và cỏ voi chủ động nguồn thức ăn cho trâu, bò, đồng thời, che chắn, thường xuyên vệ sinh chuồng bảo đảm sức khỏe gia súc trong ngày rét. Theo Phó Trưởng phòng NN và PTNT huyện Hòa An Đàm Đức Hoàng, qua kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn phòng, chống đói, rét cho trâu, bò, các hộ chăn nuôi đã quan tâm che chắn chuồng, trại, dự trữ củi, trấu đốt sưởi ấm cho gia súc trong các đợt rét kéo dài; trồng, chuẩn bị đầy đủ thức ăn cho gia súc.

Chị Nông Thị Êm, thôn Vạc Nhang, xã Thị Hoa, huyện Hạ Lang cho biết đã quây chuồng, trại bằng bạt để chắn gió lùa, hạn chế thả trâu khi trời nhiều sương, chủ động dự trữ thức ăn. Khi nhiệt độ thấp, gia đình đốt lửa ở cạnh chuồng sưởi ấm, bảo vệ vật nuôi. Huyện Hạ Lang đã tăng cường kiểm tra, chỉ đạo cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi. Sau khi thu hoạch vụ hè thu, người dân thu gom rơm, chuẩn bị cỏ voi, sử dụng thân cây ngô, một số phụ phẩm nông nghiệp ủ chua để làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò.

Để bảo đảm công tác phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc được thực hiện kỹ lưỡng, Bắc Kạn chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra cụ thể tại tất cả các huyện, thành phố. Theo Sở NN và PTNT Bắc Kạn, qua kiểm tra cho thấy, vẫn còn một số xã để người dân che chắn chuồng, trại tạm bợ; số lượng thức ăn dự trữ còn ít so với số gia súc nuôi; vệ sinh chuồng, trại chưa thường xuyên, là nguy cơ khiến gia súc dễ bị cước chân, nhiễm bệnh. Ngoài ra, còn nhiều hộ chưa tiêm phòng đầy đủ cũng dễ tạo nguy cơ lây lan dịch bệnh khi sức đề kháng của gia súc vào mùa đông giảm. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Trồng trọt Cao Bằng Hoàng Minh Đạt cho biết, một số chuồng trại còn ẩm, thấp, không xử lý phân, nước tiểu gia súc trong chuồng, chưa chủ động dự trữ thức ăn cho gia súc theo hướng dẫn, khuyến cáo của cán bộ nông nghiệp. Không ít nơi, khi trời lạnh dưới 120C, người dân vẫn thả rông trâu, bò.

Để kịp thời khắc phục hạn chế, UBND hai tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng tiếp tục vận động người dân thực hiện đầy đủ các biện pháp theo khuyến cáo; quy trách nhiệm đối với người đứng đầu địa phương khi để gia súc chết đói, rét. Bắc Kạn đã xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng cỏ có năng suất, chất lượng cao phù hợp điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, canh tác của nhân dân địa phương, như: VA06, Paspalum attatum, Brizantha, Stylo, Keo dậu… Theo Giám đốc sở NN và PTNT Bắc Kạn Nông Quang Nhất, sở đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương vận động nhân dân thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc; theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết để thông tin kịp thời tới người dân; khuyến cáo người dân, nếu thời tiết rét đậm, rét hại, kèm theo mưa và nhiệt độ dưới 12oC thì tuyệt đối không thả rông gia súc, chăm sóc trâu, bò tại chuồng; bổ sung thêm thức ăn tinh, như cám ngô, sắn, cám gạo... cho gia súc ăn và dùng bao tải đay, chăn cũ quấn quanh cơ thể gia súc để chống rét; sử dụng củi, trấu... để đốt sưởi cho gia súc, nhất là bê, nghé và trâu, bò già yếu; kiên quyết không nhập gia súc non về nuôi trong thời gian này.