Chủ động phòng chống hạn, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 23-8, vị trí tâm bão Bailu ở vào khoảng 19 độ vĩ bắc; 125,4 độ kinh đông, cách đảo Lu Dông (Phi-li-pin) khoảng 370 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (75 đến 100 km/giờ), giật cấp 12. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 đến 20 km. Ðến 13 giờ ngày 25-8, vị trí tâm bão ở khoảng 24,7 độ vĩ bắc; 116,2 độ kinh đông, trên đất liền các tỉnh Phúc Kiến - Quảng Ðông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 đến 90 km/giờ), giật cấp 11.

Tuổi trẻ xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) trồng rừng ngập mặn ven biển. Ảnh: ÐÀM HOA
Tuổi trẻ xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) trồng rừng ngập mặn ven biển. Ảnh: ÐÀM HOA

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, từ tháng 9-2019 đến tháng 2-2020, khả năng đỉnh lũ năm 2019 trên sông Cửu Long sẽ ở mức thấp, do tổng lượng dòng chảy thượng nguồn sông Mê Công về khu vực đồng bằng sông Cửu Long thiếu hụt lớn so trung bình nhiều năm. Dự báo tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đến sớm ngay trong các tháng cuối năm 2019. Xâm nhập mặn sẽ cao hơn, gay gắt hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Vì vậy, các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long cần sớm có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn.

* Cũng theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, trong tháng 9 và tháng 10 trên các sông ở Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đến hai đợt lũ nhỏ với đỉnh lũ lớn nhất phổ biến ở mức báo động 1 đến báo động 2; riêng tại các sông suối nhỏ ở mức hơn báo động 2. Lũ quét, sạt lở đất tiếp tục có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi, nhất là khu vực Việt Bắc và Tây Bắc.

* Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió từ mực 1.500 m đến 5.000 m cho nên hôm nay (24-8) các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa vừa, mưa to (lượng mưa phổ biến 30 đến 60 mm/24 giờ), riêng các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 70 đến 120 mm/24giờ). Ở khu đồng bằng và ven biển Bắc Bộ đêm nay có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa vừa, mưa to. Cảnh báo mưa lớn ở Bắc Bộ và Trung Trung Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 25-8. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

* Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhiều hồ thủy lợi trên địa bàn đang ở mực nước chết khiến lúa thiếu nước tưới nghiêm trọng. Hiện có khoảng 1.900 ha lúa có nguy cơ hạn; trong đó diện tích thiếu nước trầm trọng là 867 ha, tập trung ở huyện Phong Ðiền và A Lưới.

* Tại huyện Bố Trạch (Quảng Bình) do nắng hạn, thiếu nước đến nay, có hơn 100 ha lúa bị mất trắng, tập trung chủ yếu ở các địa phương như: Hoàn Trạch, Liên Trạch, Phú Trạch, Sơn Lộc... Theo đánh giá sơ bộ, năng suất lúa trung bình chỉ đạt 38 tạ/ha; sản lượng ước tính đạt thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.

* UBND huyện Sơn Hòa (Phú Yên) cho biết, địa phương này có gần 13.000 ha mía, nắng hạn gay gắt thời gian qua làm cho nhiều diện tích mía bị khô héo. Nhiều chân ruộng, tỷ lệ cây chết lên đến 70%. Người trồng mía thiệt hại nặng, còn nhà máy đường lo lắng vụ sản xuất tới sản lượng mía nhập về nhà máy sẽ giảm.

* Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có 3.958 ha thanh long bị bệnh đốm nâu. Trong đó diện tích nhiễm nhẹ 3.559 ha với tỷ lệ nhiễm 5 đến 10%, nhiễm trung bình 370 ha với tỷ lệ nhiễm 10 đến 20%, nhiễm nặng 29 ha. Dự báo tình hình bệnh đốm nâu, thán thư, ốc sên, bọ cánh cứng có xu hướng phát sinh và gây hại thanh long do thời tiết nắng mưa xen kẽ tăng độ ẩm trong vườn.

* Tại tỉnh Bắc Ninh, một số diện tích lúa mùa đang xuất hiện sâu đục thân hai chấm lứa bốn trưởng thành và bắt đầu hóa vũ trên lúa mùa sớm ở các huyện có lúa cấy sớm, diện tích phân bố và mức độ hại cao hơn vụ mùa năm 2018. Ngoài ra, bệnh bạc lá vi khuẩn cũng xuất hiện và gây hại sau mưa bão số 3... Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân cần thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện sâu, bệnh, có biện pháp phòng, trừ phù hợp.

* Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Bình, hiện tổng diện tích lúa mùa bị chuột cắn hại trên địa bàn toàn tỉnh đã lên tới 620 ha; trong đó, diện tích bị hại nhẹ từ 5 đến 10% là 490 ha, trung bình từ 10 đến 20% là 100 ha và diện tích bị gây hại nặng hơn 20% là 30 ha, dự kiến số diện tích này sẽ còn tăng thêm. Cơ quan chức năng khuyến cáo nông dân nên sử dụng các biện pháp an toàn để diệt chuột, phát quang bụi rậm, nơi trú ngụ của chuột…

* Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, hiện nhiều diện tích lúa mùa của địa phương này xuất hiện sâu đục thân hai chấm lứa năm đang vũ hóa, dự kiến tiếp tục vũ hóa rộ từ nay đến cuối vụ, gây hại trên diện rộng. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân cần thường xuyên thăm đồng, theo dõi cụ thể diễn biến các loại sâu, bệnh hại từ đó có biện pháp phòng, trừ phù hợp.

* Tại huyện Vị Xuyên (Hà Giang) có khoảng 300 ha lúa mùa bị nhiễm bệnh vàng lá, đốm sọc và sâu cuốn lá nhỏ trên diện rộng với mật độ dày. Phòng nông nghiệp huyện hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp phòng, trừ nhằm hạn chế mức thấp nhất sâu, bệnh hại

Hàng không hủy bốn chuyến bay do bão Bailu

Ngày 23-8, Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) cho biết, do ảnh hưởng của bão Bailu tại Ðài Loan (Trung Quốc), để bảo đảm an toàn, hãng điều chỉnh kế hoạch khai thác, hủy hai chuyến bay giữa TP Hồ Chí Minh - Cao Hùng (Ðài Loan) trong ngày 24-8 và lùi giờ hai chuyến bay giữa Hà Nội - Cao Hùng sang sáng 25-8. Trong ngày 25-8, VNA thay tàu Airbus A321 bằng tàu Boeing 787 có số ghế lớn hơn trên hai chuyến bay giữa TP Hồ Chí Minh - Cao Hùng.

Hãng hàng không Vietjet Air cũng tạm ngừng khai thác hai chuyến bay giữa TP Hồ Chí Minh - Cao Hùng vào chiều ngày 24-8. Hành khách trên hai chuyến bay này sẽ được dời lên hai chuyến bay sớm hơn cùng hành trình, khởi hành vào lúc 7 giờ 25 phút và 12 giờ 40 phút cùng ngày (giờ địa phương).